Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Đến năm 2050, Cụm cảng cạn Chân Mây, Thừa Thiên Huế có diện tích quy hoạch 150 ha
Hoài Thanh - 24/08/2023 17:05
 
Cụm cảng cạn Chân Mây vừa được phê duyệt quy hoạch phát triển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, kết nối với cảng biển Đà Nẵng, Hòn La, cảng cạn Mỹ Thủy, cảng cạn Lao Bảo.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, cụm cảng cạn Chân Mây, bao gồm cảng cạn Chân Mây, cảng cạn Phú Lộc (huyện Phú Lộc), có diện tích quy hoạch 1- 20ha, giai đoạn đến 2050 là 150ha. Năng lực thông qua của cụm cảng cạn từ 150.000 Teu/năm đến 200.000 Teu/năm trong giai đoạn đến 2030.

Cảng Chân Mây, Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế
Cảng Chân Mây, Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh nguồn : TTXVN.

Quyết định nêu rõ: Huế được quy hoạch vào nhóm Khu vực kinh tế Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam (thuộc Khu vực miền Trung - Tây Nguyên). Cụ thể, phạm vi quy hoạch gồm các tỉnh và thành phố: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Năng lực thông qua cảng cạn trên hành lang đến năm 2030 khoảng từ 210 nghìn Teu/năm đến 350 nghìn Teu/năm. Tổng diện tích quy hoạch cảng cạn đến 2030 khoảng từ 21ha đến 35ha. Cụm cảng cạn Chân Mây được kết nối với cảng biển Đà Nẵng, Hòn La, cảng cạn Mỹ Thủy, cảng cạn Lao Bảo (hành lang vận tải Quốc lộ 9).

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn có mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu Teu/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.

Khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu Teu/năm đến 6,2 triệu Teu/năm. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu Teu/năm đến 1,4 triệu Teu/năm. Khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu Teu/năm đến 9,5 triệu Teu/năm.

Định hướng đến năm 2050 phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30-35%, nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.

Cũng về nội dung này, trong cuộc họp gần đây với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bí thư tỉnh uỷ Lê Trường Lưu đề xuất bổ sung quy hoạch cảng Chân Mây đến năm 2030 với quy mô diện tích 10-20 ha, năng lực 100.000-200.000 TEU/năm.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị Bộ GTVT về việc kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cảng biển Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2030.

Hiện nay, tại khu bến Chân Mây đã triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 3 cầu cảng với tổng chiều dài cầu cảng là 1.041 m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải đến 70.000 DWT (giảm tải) và tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn đến 225.000 GT, đang triển khai đầu tư xây dựng bến số 4, bến số 5 với tổng chiều dài 540 m. Đến năm 2025, xây dựng hoàn thành (bến số 4, 5, 6) và đưa vào khai thác 6 bến tổng hợp, chiều dài 1.931 m.

Với việc mở rộng và phát triển theo quy hoạch, cảng cạn Chân Mây được coi là mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức, góp phần giảm ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị, giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển.

Thừa Thiên Huế thông xe đường Phú Mỹ - Thuận An vào dịp Quốc khánh 2/9
Thông tin từ Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự án đường Phú Mỹ - Thuận An sẽ thông xe...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư