Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dệt may Gilimex sắp chi 126 tỷ đồng giành quyền sở hữu 2 công ty bất động sản
Thị Hồng - 04/12/2021 08:18
 
HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL) vừa thông qua Nghị quyết góp126 tỷ đồng vào hai công ty bất động sản tại Quảng Ngãi và TP.HCM.

Cuối tháng 11/2021, Gilimex thông qua Nghị quyết nhận chuyển nhượng 99,9% vốn Công ty cổ phần Đầu tư Mỹ Khang.

Đến ngày 1/12, công ty này tiếp tục công bố việc góp 80 tỷ đồng vào Mỹ Khang và góp 46 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Khang. 

Sau khi hoàn tất giao dịch góp vốn, Gilimex sẽ nâng sở hữu tại 2 công ty nêu trên lên 99,99% vốn.

Cả Mỹ Khang và Hưng Khang đều có ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.

Trước khi Gilimex công bố thông tin góp vốn, vốn điều lệ của Mỹ Khang- công ty có trụ sở chính tại Quảng Ngãi chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng và vốn điều lệ của Hưng Khang- có trụ chính tại TP.HCM là 14 tỷ đồng.

Để có nguồn vốn đầu tư vào 2 công ty nói trên, Gilimex chuẩn bị phát hành 16,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương  38,89% tổng số cổ phiếu đang lưu hành với giá 35.000 đồng/cổ phiếu. 

Lượng cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.  

.
Chi tiết cơ cấu sử dụng nguồn vốn thu được từ đợt chào bán 16,8 triệu cổ phiếu của Gilimex.

Có 34 nhà đầu tư đăng tham gia đợt chào bán riêng lẻ lần này với đa số là cổ đông cá nhân hiện hữu. Trong đó, Lê Anh Thư là cá nhân dự kiến được phân phối nhiều nhất, với hơn 2 triệu cổ phiếu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 4,88%.

Tổng số tiền mà công ty có thể thu về khoảng 588 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào 2 công ty con, công ty liên kết; thanh toán khoản nợ vay 116 tỷ đồng tại MB Bank; chi lương thưởng cho người lao động và thanh toán tiền cho nhà cung cấp. 

Như vậy sau đợt chào bán, vốn điều lệ của Gilimex sẽ tăng từ 432 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.

Tại Đại hội bất thường năm 2021 diễn ra vào đầu tháng 11/2021, ban lãnh đạo Gilimex cho biết, nếu không có thêm bất kỳ đợt giãn cách nào nữa, công ty sẽ trở lại hoạt động bình thường. Mảng robotic đang phát triển và được HĐQT công ty đánh giá là mảng có tiềm năng.

Với mảng khu công nghiệp, dự kiến đến hết năm 2022, công ty sẽ được bàn giao 460 hecta đất và có những khách hàng đầu tiên.

Bên cạnh 6 khu đất để làm khu công nghiệp, họ đang chờ chính quyền Bình Dương cấp phép cho các dự án khách sạn khu công nghiệp sau khi tỉnh trở lại hoạt động bình thường.

Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Gilimex ghi nhận doanh thu thuần 2.751 tỷ đồng cùng lãi ròng 204,4 tỷ đồng; tăng bình quân 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng tài sản đến cuối kỳ của công ty này tăng 373 tỷ đồng, lên 3.081 tỷ đồng và nợ phải trả tăng 207 tỷ đồng (với hơn 957 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính). Ban lãnh đạo công ty này tự tin kết quả kinh doanh năm 2022 sẽ tốt hơn năm nay.

Gilimex có tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập từ năm 1982 với trụ sở chính tại quận Bình Thạnh, TP.HCM và đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may cũng như dần mở rộng sang lĩnh vực bất động sản.

GIL được niêm yết tại HoSE từ năm 2002 với giá đóng cửa phiên đầu là 38.000 đồng/cp. Đóng cửa phiên sáng 3/12, thị giá GIL đứng ở mức 66.300 đồng/cp.

Gilimex trống ghế CEO
Trễ hơn 2 tháng so với quy định tách bạch chức danh chủ tịch HĐQT và CEO, Gilimex vẫn chưa tìm được người vào vị trí Tổng giám đốc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư