Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dệt may và da giày tham gia TPP: Quà không chia đều cho doanh nghiệp
Huy Sang - 11/10/2015 09:38
 
Dệt may và da giày là một trong những ngành hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song điều này chỉ đến khi doanh nghiệp biết ứng phó linh hoạt.

Thuế về 0% nhưng khó được hưởng

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Túi xách - Da giày Việt Nam (Lefaso), khi TPP được thông qua, 70% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam sang các nước trong TPP kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi; thuế suất thuế nhập khẩu hàng dệt may sẽ giảm từ 20% xuống 0%. Tương tự thuế suất thuế nhập khẩu da giày cũng giảm từ 57,4% xuống 0%, kỳ vọng kim ngạch dệt may vào riêng Hoa Kỳ có thể đạt 55 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), số doanh nghiệp được hưởng lợi từ TPP không nhiều. Chỉ những tập đoàn lớn có đủ điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu mới có sự chuẩn bị cho hội nhập TPP, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rất khó khăn.

Hiện nguyên liệu ngành may chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, do đó ít được hưởng lợi ích từ TPP
Hiện nguyên liệu ngành may chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, do đó ít được hưởng lợi ích từ TPP

Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký VITAS cho rằng, ngành dệt hiện không theo kịp tốc độ phát triển của may xuất khẩu. Ngoài ra, chi phí đầu tư vào dệt cao hơn đầu tư vào may và thu hồi vốn rất chậm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thái Nguyên cho biết, nguyên liệu trong ngành dệt may của Việt Nam hiện phụ thuộc lớn vào phía Trung Quốc, trong khi Trung Quốc lại không thuộc TPP. Theo quy định của TPP, chỉ khi sử dụng nguyên liệu từ các nước trong khối TPP thì mới được giảm thuế, bởi vậy dù thuế nhập khẩu vào các nước TPP giảm xuống còn 0% thì dệt may Việt Nam cũng không được lợi là bao.

Ông Phí Ngọc Trịnh, đại diện Công ty cổ phần may Hùng Vương cho rằng, thị trường dệt may trong nước đang bị các công ty nước ngoài chiếm lĩnh, 2/3 sản lượng xuất khẩu dệt may của Việt Nam là do các công ty nước ngoài đầu tư. Do đó, doanh nghiệp nước ngoài lại được hưởng nhiều lợi khi Việt Nam tham gia TPP.

Phải biết tìm thị trường ngách

Ông Nguyễn Phương Nam, Giám đốc điều hành Aothun.vn lại có cái nhìn lạc quan về TPP. Aothun.vn thành lập năm 2009, là công ty cung cấp các giải pháp toàn diện về sản phẩm áo thun cho cá nhân, doanh nghiệp và ODM (nhà thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng). Ông Nam cho biết, Aothun.vn xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Nhật. Cách đây 2 năm, Công ty đã chuẩn bị các nguồn nguyên vật liệu không phải từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhận thấy tiềm lực tài chính có giới hạn nên Aothun.vn tập trung vào thị trường ngách, chọn lọc kỹ khách hàng để có chuỗi cung ứng tương thích nhất.

Cũng theo ông Nam, do đi theo thị trường ngách và kiểm soát chuỗi giá trị dài nên việc Việt Nam gia nhập TPP trước mắt không ảnh hưởng nhiều đến các hợp đồng xuất khẩu của Công ty. Hiện Aothun.vn kiểm soát từ khâu thành phẩm, thiết kế mẫu áo cho đến in ấn. Do đó, khi hàng các nước trong TPP vào Việt Nam, Aothun.vn sẽ chỉ tập trung vào phần thiết kế, in ấn và gia tăng giá trị cho sản phẩm. “Chúng tôi đã sẵn sàng đón TPP”, ông Nam nói.

Ông Lê Thanh, Giám đốc điều hành Veritas Shoes Canada cũng cho rằng, TPP là cơ hội tốt mà các doanh nghiệp cần biết cách tận dụng.

Veristas Shoes là doanh nghiệp đóng giày có trụ sở ở Canada, có cửa hàng ở Canada và Việt Nam. Hiện thuế suất mặt hàng của Veritas Shoes vào Canada là 18%, chính vì thế, khi TPP có hiệu lực thì đây là lợi thế cho Công ty. “Chúng tôi đang xem xét khả năng  liên kết với một doanh nghiệp trong nước để sản xuất giày và dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất thông qua hình thức góp vốn”, ông Thanh chia sẻ.

Như vậy, việc tận dụng được cơ hội hay không tùy thuộc khá lớn vào doanh nghiệp. Về phần các bộ, ngành chức năng thì cần thông tin rõ tiến trình thực thi, những rào cản kỹ thuật mà doanh nghiệp sẽ phải vượt qua.

Doanh nghiệp FDI dệt may hưởng lợi nhất từ TPP
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng, dệt may là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư