Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
ĐHCĐ Vietcombank: Để ngỏ mục tiêu lợi nhuận, tín dụng tăng 10%, tuyển thêm 2.270 nhân sự
Thùy Liên - 26/06/2020 09:44
 
Sáng nay (26/6), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 13 năm 2020.

Bỏ ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận, tín dụng tăng 10%

Theo báo cáo trình ĐHCĐ, năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10%, đạt 815.525 tỷ đồng; huy động vốn tăng 8% đạt  hơn 1 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản năm 2020 tăng 7% so với năm 2019, đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không vượt 1,5%. Tỷ lệ chi trả cổ tức khoảng 8%.

Toàn cảnh Đại hội cổ đông Vietcombank, sáng 26/6 (Ảnh: T.L
Toàn cảnh Đại hội cổ đông Vietcombank, sáng 26/6 (Ảnh: T.L

Ngân hàng để ngỏ mục tiêu lợi nhuận trước thuế và trình ĐHĐCĐ giao cho HĐQT thực hiện kế hoạch tài chính năm 2020 phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 và định hướng chỉ đạo của NHNN.

Trước đó, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, kết thúc 5 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức 9.100 tỷ đồng. Trong quý I/2020, Vietcombank là ngân hàng TMCP Nhà nước duy nhất tăng trưởng tín dụng dương trên 2% và đạt khoảng 3% tính đến hết tháng 5/2020.

d

Năm 2019, Vietcombank đạt kết quả kinh doanh ấn tượng: lợi nhuận 1 tỷ USD, tổng tài sản hơn 1,2 triệu tỷ đồng (tăng gần 14%), tín dụng tăng gần 15,9%, nợ xấu chỉ 0,78% và tỷ lệ bao nợ xấu lên đến 179%...

Nhận định về năm 2020, ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng,  năm 2020 là năm đầy thách thức với hoạt động kinh doanh ngân hàng. Áp lực đối với từng ngân hàng rất lớn khi cạnh tranh trên các lĩnh vực ngân hàng truyền thống cũng như lĩnh vực ngân hàng số ngày càng gay gắt.

Chuyển đổi mạnh mô hình tăng trưởng

Trong bối cảnh thách thức, ông Phạm Quang Dũng cho hay, trọng tâm của Vietcombank năm 2020 là đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu hoạt động, đảm bảo tăng trưởng an toàn, bên vững và hiệu quả.

Theo đó, ngân hàng đưa ra 3 trọng tâm chính. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng hợp lý, gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững. Thứ hai, gia tăng tỷ tọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm từ dịch vụ và đầu tư kinh doanh vốn. Ba là cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Về tín dụng, Vietcombank tập trung phát triển khách hàng mới có tiềm lực tài chính vững vàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán buôn với nhóm khách hàng bán buôn mới, chú trọng tăng trưởng tín dụng bán buôn ngắn hạn; tăng tỷ trọng dư nợ tín dụng với khách hàng FDI lớn có rủi ro tín dụng thấp và tiềm năng sử dụng dịch vụ tổng thể. Tăng tỷ trọng bán lẻ trong tổng tín dụng…

Về hoạt động dịch vụ, Vietcombank định hướng tăng trưởng nguồn thu từ lĩnh vực này, tập trung vào kinh doanh ngoại tệ, tài trợ thương mại, ngân hàng điện tử, thẻ, bảo hiểm…   

Về huy động vốn, ngân hàng chủ trương cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng hiệu  quả và bền vững, tăng huy động vốn bán buôn, chú trọng tiền gửi giá rẻ, phấn đầu tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi giá rẻ. Tăng cường bán các dịch vụ phi tín dụng, bán hàng theo chuỗi, bán chéo sản phẩm, quản lý dòng tiền để khai thác nguồn vốn mới…

Dự kiến tuyển dụng thêm hơn 2.270 người

Theo kế hoạch trình ĐHCĐ, năm nay, Vietcombank dự kiến tăng 12% nhân sự. Cuối năm 2019, ngân hàng có 18.948 nhân viên, như vây, ngân hàng sẽ tuyển dụng thêm khoảng 2.270 nhân viên năm nay. Chi phí lương trên lợi nhuận trước thuế chưa bao gồm lương năm 2020 dự kiến là 37%, cao hơn nhiều so với mức 27% năm 2019.

Năm 2019, Vietcombank cũng đặt mục tiêu tăng nhân sự không quá 12% nhưng thực tế chỉ tăng 10,1%.  

Kế hoạch tăng vốn tham vọng

Báo cáo của HĐQT cho thấy, hệ số an toàn vốn riêng lẻ (CAR) theo Basel II của VCB tại 31/12/2019 ở mức 9,24%, đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định hiện hành của NHNN. Tuy nhiên, với kế hoạch tăng trưởng quy mô tài sản trong thời gian tới, dự kiến VCB chỉ có thể duy trì tỷ lệ an toàn vốn trên ngưỡng tối thiểu (8%) đến cuối năm 2020.

Mặt khác, với tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 là trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng hàng đầu khu vực, việc bổ sung tăng vốn để cải thiện hệ số CAR nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

Mặc dù đầu năm 2019, Vốn điều lệ của Vietcombank đã  tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng nhờ bán gần 3% vốn điều lệ cho GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho song cũng chỉ mới hoàn thành được 1/3 kế hoạch tăng vốn đã được NHNN phê duyệt đầu năm 2018.

Theo tờ trình, việc tăng vốn giai đoạn 2020-2021 của Vietcombank sẽ bao gồm hai cấu phần.

Cấu phần 1 là phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu, tỷ lệ chia cổ tức 18%.  Vốn điều lệ sau chia cổ tức dự kiến tăng thêm 6.675 tỷ đồng lên 43.764 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý III hoặc quý IV/2020.

Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank. Khối lượng phát hành tối đa là 241.077.034 cổ phiếu, dự kiến thu về 2.410 tỷ đồng.  Việc chào bán riêng lẻ sẽ giúp hệ số CAR của VCB tăng thêm 1,5 điểm phần trăm.

Lợi nhuận 6 tháng ước trên 11.000 tỷ đồng, thu nhập từ bảo hiểm sẽ rất lớn

Phần hỏi đáp tại ĐHCĐ sáng nay, lãnh đạo ngân hàng nhận được rất nhiều câu hỏi về nguy cơ nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, khả năng lợi nhuận năm 2020, thu nhập từ lĩnh vực bảo hiểm sau khi ký hợp đồng phân phối độc quyền với FWD, thu nhập của nhân viên…

Trả lời các câu hỏi của cổ đông, ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank từ chối nêu ra con số cụ thể về mục tiêu lợi nhuận năm 2020 mà đề nghị cổ đông bỏ phiếu giao cho HĐQT thực hiện kế hoạch năm 2020 phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 và định hướng chỉ đạo của NHNN.

Tuy nhiên, cập nhất kinh doanh 6 tháng đầu năm, ông Dũng cho biết, đến thời điểm này, tín dụng và cả huy động vốn của Vietcombank đều tăng 3,4%. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm ngót nghét mức đạt được cùng kỳ năm ngoái (tức trên 11.000 tỷ đồng).

Như vậy, Vietcombank vẫn là quán quân dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận, bỏ xa các ngân hàng khác. Dù huy động vốn chỉ tăng với tốc độ tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành song tín dụng tăng cao hơn bình quân chung toàn ngành và cao hơn nhiều ngân hàng TMCP có vốn nhà nước khác. Dự kiến, năm nay tín dụng của ngân hàng sẽ tăng 10%.

“Mặc dù tín dụng vẫn tăng trưởng khá tốt song chất lượng tín dụng vẫn được kiểm soát, nợ xấu hiện chỉ 0,8% so với mức 0,77% cùng kỳ năm ngoái không tăng đáng kể”, ông Dũng cho biết.

Dịch Covid – 19 ảnh hưởng đến khoảng 24.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank, con số này khá lớn, song nếu so với tổng dư nợ của Vietcombank năm nay (hơn 815.000 tỷ đồng) thì không đáng ngại.

Liên quan đến câu hỏi của cổ đông về khoản phí nhận được nhờ thương vụ ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với FWD cũng như dự kiến của Vietcombank về tỷ trọng của bảo hiểm trong tổng thu dịch vụ, ông Dũng cho biết, thông tin về giá trị khoản phí không thể công bố do trách nhiệm bảo mật.

 Tuy vậy, CEO Vietcombank tiết lộ, đây là  con số cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng mà một công ty bảo hiểm nhân thọ trả cho ngân hàng Việt. Việc hạch toàn khoản phí này vào lợi nhuận ngân hàng sẽ tùy theo kết quả kinh doanh bảo hiểm từng năm. Ngoài khoản phí môi giới được trả, hàng năm Vietcombank còn nhận được khoản phí lớn từ kinh doanh bảo hiểm, con số này có thể sẽ lên tới hàng chục tỷ đồng trong vòng  10-15 năm tới.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tich HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm xuân Thành cho biết thêm, tăng thu từ dịch vụ là một trong những trọng tâm của Vietcombank năm 2020. Mặc dù tăng thu dịch vụ của Vietcombank mấy năm gần đây đều tăng trưởng tốt, song tỷ trọng trong tổng thu nhập ngân hàng chưa cải thiện nhiều là do lĩnh vực tín dụng mấy năm qua của Vietcombank cũng tăng rất mạnh. Mặc dù vậy, trong số các ngân hàng TMCP quốc doanh lớn, Vietcombank là ngân hàng có tỷ trọng thu nhập từ phi tín dụng lớn nhất.

Nếu giảm lương, chỉ giảm lương lãnh đạo

Trước câu hỏi của cổ đông về việc có xem xét cắt giảm lương nhân viên như một số ngân hàng khác để bù đắp cho tổn thất do Covid 19 mang lại, Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay, hiện Vietcombank kiểm soát khá tốt danh mục tín dụng, chất lượng tín dụng để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của Covid – 19.

“Vietcombank sẽ cố gắng không giảm thu nhập của người lao động, nếu giảm thì chỉ giảm thu nhập của ban lãnh đạo”, ông Dũng khẳng định.

Trong số các ngân hàng TMCP cùng quy mô, Vietcombank là ngân hàng có số lượng lao động thấp nhất, năng suất lao động cao nhất và mức lương cũng hấp dẫn nhất. Năm 2019, chi lương của ngân hàng này tăng 27%.

Liên quan đến đề nghị của một cổ đông về việc có chính sách khuyến khích hơn nữa với người lao động,m ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, cơ chế tiền lương của Vietcombank là tuân theo quy định của Nhà nước, và phải xem xét giải quyết hài hoà giữa quyền lợi của cổ đông và người lao động.

Cổ tức năm 2020: Có thể trả hoặc không trả

Đại diện cổ đông đến từ công ty chứng khoán HSC đề nghị làm rõ việc chi trả cổ tức năm nay là thế nào, tại sao lại có hai trường hợp là chi trả và không chi trả?

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, việc chi trả cổ tức sẽ phải xin ý kiến cơ quan quản lý. Hiện ngân hàng đang để 2 phương án: 1 là trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt; hai là không trả mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận phục vụ sản xuất kinh doanh.

Việc thực hiện thế nào, ngoài trình cổ đông hôm nay thì chờ phê duyêt từ cơ quan quản lý.

Thông qua các tờ trình

Đại hội cổ đông Vietcombank thông qua các tờ trình với tỷ lệ thống nhất cao. Đại hội cũng bầu bổ sung ông Lê Hữu Phước và Ban Kiểm soát.

Vietcombank đạt 9.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 5 tháng
Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, kết thúc 5 tháng đầu năm lợi nhuận ngân hàng đạt mức 9.100 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư