Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Địa ốc Hoàng Quân bán “lúa non” hay bắt đầu chiến lược chống thâu tóm?
Duy Bắc - 18/05/2022 15:40
 
Địa ốc Hoàng Quân bất ngờ công bố kế hoạch thoái toàn bộ tại 3 công ty cho cho những cá nhân, lộ diên chiến lược “Crown Jewel”?

Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán HQC - sàn HoSE) dự kiến chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 3 công ty cho các cá nhân.

Cụ thể, Hoàng Quân dự kiến chuyển nhượng toàn bộ 12 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Simon (là công ty liên kết, do Hoàng Quân sở hữu 40% vốn điều lệ) với giá trị 360 tỷ đồng.

Trong đó, bà Nguyễn Thị Điểm mua 10 triệu cổ phần với giá 300 tỷ đồng và ông Hoàng Minh Đức mua 2 triệu cổ phần với giá 60 tỷ đồng.

Sau khi chuyển nhượng, HQC không sở hữu cổ phần nào tại Đầu tư Simon.

Địa ốc Hoàng Quân thông qua kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 5.856.000 cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại - Tư vấn - DỊch vụ Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông (HQC ghi nhận đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, sở hữu 18,3% vốn điều lệ) cho ông Hoàng Minh Đức với giá trị 117,12 tỷ đồng. Như vậy, sau giao dịch, HQC không còn sở hữu cổ phần tại đơn vị này.

Công ty cũng thông qua kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 14.234.046 cổ phần của Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận (công ty liên kết, do Địa ốc Hoàng Quân sở hữu 44% vốn điều lệ).

Trong đó, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân sẽ mua 7.070.069 cổ phần Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận với giá trị 819 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Như Hiền sẽ mua 2.891.895 cổ phần Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận với giá 335 tỷ đồng; bà Nguyễn Trần Thùy Trang sẽ mua 2.891.895 cổ phần Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận với giá 335 tỷ đồng; và ông Hoàng Minh Đức sẽ mua 1.380.187 cổ phần Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận với giá 159,88 tỷ đồng.

Sau giao dịch, Địa ốc Hoàng Quốc sẽ không sở hữu cổ phần tại Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận.

Như vậy, nếu thoái vốn xong tại 3 công ty, tổng số tiền mà Địa ốc Hoàng Quân nhận về lên tới 2.126 tỷ đồng.

HQC bán tài sản cho các chủ nợ tính tới 31/3/2022.
Địa ốc Hoàng Quân bán tài sản cho các chủ nợ tính tới 31/3/2022.

Điểm đáng lưu ý, bên cạnh công ty bán tài sản cho ông Trương Anh Tuấn là Chủ tịch HĐQT thì còn bán cho các chủ nợ như: bà Nguyễn Thị Điểm cho công ty mượn 300 tỷ đồng; ông Hoàng Minh Đức cho công ty mượn 337 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Như Hiền cho mượn 335 tỷ đồng; và bà Nguyễn Trần Thuỳ Trang cho mượn 335 tỷ đồng.

Như vậy, nếu trừ đi tổng nợ mà Địa ốc Hoàng Quân đang nợ các cá nhân nói trên thì bà Điểm, bà Hiền và bà Trang sẽ hết nợ, Công ty chỉ còn nợ ông Đức số tiền 159,88 tỷ đồng. 

Mảng “ngon” dành cho công ty liên kết

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Địa ốc Hoàng Quân tăng 1,6% so với đầu năm lên 9.477,2 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn là 4.481,9 tỷ đồng, chiếm 47,3% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.009,3 tỷ đồng, chiếm 31,8% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 1.335,2 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng tài sản và các tài sản khác.

Công ty có thuyết minh tính tới cuối quý I/2022, công ty đang đầu tư vào 5 công ty liên kết với giá trị 4.378 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là 2.320 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ (sở hữu 39%); 1.648,9 tỷ đồng vào Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận (sở hữu 44%); 360 tỷ đồng vào Đầu tư Simon (sở hữu 40%). Ngoài ra, góp vốn vào 3 đơn vị với giá trị 103,9 tỷ đồng, chủ yếu là 102,8 tỷ đồng Địa ốc Hoàng Quân Mêkông (sở hữu 18,3%)…

Như vậy, tính tới 31/3/2022, ước tính giá trị cổ phần trong 3 công ty mà Địa ốc Hoàng Quân muốn thoái là khoảng 2.111,7 tỷ đồng, chiếm 22,3% tổng tài sản của Công ty cho 5 cá nhân.

Thực tế, tính tới cuối năm 2021, Địa ốc Hoàng Quân đang là chủ đầu tư triển khai 4 dự án nhà ở xã hội và liên doanh thực hiện thêm một dự án là Dự án Trung tâm Dịch vụ - Du lịch Hàm Tiến - Mũi Né với Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã HPX - sàn HoSE).

Còn lại 15 dự án là hợp tác cùng triển khai với các đối tác là các công ty liên kết. Trong đó, 3/15 dự án nhà ở xã hội, số còn lại là dự án nhà ở thương mại; văn phòng & dịch vụ; trung tâm thương mại; khu công nghiệp; cảng…

Có thể đặt câu hỏi là phải chăng các dự án thương mại với biên lợi nhuận cao sẽ được các công ty liên kết triển khai và Địa Ốc Hoàng Quân chủ yếu chỉ trực tiếp triển khai dự án nhà ở xã hội?

Cụ thể,  Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận đang vận hành Dự án Khu công nghiệp Hàm Kiệm I với tổng diện tích 132,7 ha, tổng vốn đầu tư 273,42 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2010; Dự án Nhà ở xã hội Khu đô thị mới Nam Phan Thiết với quy mô 13,5 ha, tổng vốn đầu tư 905 tỷ đồng tại huyện Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (đã thực hiện 50% toàn bộ khối lượng công việc).

Địa ốc Hoàng Quân Mêkông đang triển khai dự án nhà ở thương mại khu biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Mỹ Lợi, tỉnh Vĩnh Long với quy mô 10,54 ha, vốn đầu tư 92,5 tỷ đồng và dự án đã hoàn thành việc thi công ép cọc nhà mẫu; đã xây dựng hoàn chỉnh Dự án Khu công nghiệp Bình Minh với diện tích 134,82 ha, tổng vốn đầu tư 544,3 tỷ đồng tại xã Mỹ Hoà, tỉnh Vĩnh Long, tỷ lệ cho thuê hơn 90% tổng diện tích; Dự án Trung tâm thương mại Bình Minh với tổng diện tích 11.336 m2, tổng vốn đầu tư 49,3 tỷ đồng (đã ép cọc, móng, đang thi công); Dự án nhà ở xã hội Phúc Long tại xã Mỹ Lợi, tỉnh Vĩnh Long với diện tích 39.144,6 m2, tổng vốn đầu tư 622,7 tỷ đồng (đang triển khai).

Đầu tư Simon đang lên kế hoạch triển khai dự án Khu Dân cư nông thôn kết hợp du lịch sinh thái Xã Ea Kpam & xã Cư M’GAR, tỉnh Đắk Lắk với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Dự án đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục ban đầu.

Ở một diễn biến khác, trước khi có động thái thoái vốn tại 3 đơn vị đang sở hữu nhiều dự án thương mại, trên sàn chứng khoán xuất hiện câu chuyện thâu tóm từ nhóm cổ đông liên quan tới Louis Holdings, Tuy nhiên, sau khi Chính phủ quyết định thanh tra, xử lý sai phạm trên thị trường chứng khoán và bắt cựu chủ tịch Louis Holdings là ông Đỗ Thành Nhân vì thao túng trên thị trường chứng khoán, động thái thâu tóm có dấu hiệu lắng xuống.

Tuy nhiên, cách bán tài sản của Địa Ốc Hoàng Quân đang cho thấy dấu hiệu làm giảm độ hấp dẫn đối với nhóm cổ đông bên ngoài về lượng tài sản mà công ty sở hữu. Đây là chiến lược được nhiều công ty chống thâu tóm hay làm với tên gọi “Crown Jewel”. Đây là chiến thuật mà bên bị mua tìm mọi cách bán đi hoặc làm giảm tính hấp dẫn của lợi thế đang có....

Hoàng Quân Group (HQC) từ chối yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường 2022 của một nhóm cổ đông
Cho rằng nhóm cổ đông chưa cung cấp đủ bằng chứng chứng minh tỷ lệ sở hữu cổ phần tại thời điểm gửi yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư