Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Dịch Covid-19 càng phức tạp, càng cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng
D.Ngân - 20/05/2021 16:58
 
Tiêm chủng an toàn, đạt miễn dịch cộng đồng là giải pháp lâu dài mà Việt Nam hướng tới trong cuộc chiến với Covid-19.

Siết quy trình tiêm chủng

Trong vòng 24 ngày qua, từ ngày 27/4 đến trưa nay 20/5, Việt Nam đã có 1.721 ca mắc Covid-19 trong cả nước, riêng Bắc Giang có 644 ca, trong đó có 4 ca tử vong.

Việt Nam có hệ thống 13.000 cơ sở tiêm chủng đảm bảo quy trình nghiêm ngặt.

Số liệu này cho thấy công tác chống dịch của Việt Nam đang bước vào giai đoạn khó khăn với số ca tăng cao, mạnh.

Ngoài các giải pháp khoanh vùng, điều tra, truy vết ca bệnh nhanh chóng dập dịch thì một giải pháp lâu dài hướng tới vẫn là công tác tiêm chủng vắc-xin.

Các chuyên gia đều chung quan điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Và để người dân có niềm tin với vắc-xin không còn cách nào khác, buộc ngành Y tế phải đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Mới đây Việt Nam đã tiếp nhận lô vắc-xin Covid-19 thứ hai từ Cơ chế Covax với 1.682.400 liều.

Lô vắc-xin này nằm trong số 4,1 triệu liều vắc-xin được cam kết hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam của Cơ chế COVAX, một cơ chế quốc tế nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng với vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu.

Từ khi lô hàng vắc-xin đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 4/2021, đã có hơn 858.496 người đã được tiêm vắc-xin Covid-19 ở Việt Nam, chủ yếu là cán bộ y tế và các nhân viên tuyến đầu khác.

Lô vắc-xin bổ sung này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên, đồng thời cung cấp liều thứ hai cho những người đã được tiêm liều đầu tiên.

Nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam có hệ thống 13.000 cơ sở tiêm chủng đảm bảo quy trình nghiêm ngặt; đạt đủ điều kiện an toàn từ cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp nhận, phân phối, bảo quản và sử dụng vắc-xin; hướng dẫn khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn; theo dõi 30 phút sau tiêm, theo dõi tại nhà sau tiêm, hướng dẫn phác đồ xử trí phản vệ sau tiêm.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 bao gồm các chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử trí khi có tình huống xảy ra.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về công tác triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các tuyến, đặc biệt là công tác khám sàng lọc và xử trí phản ứng sau tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, các địa phương sẽ càng phải nỗ lực hơn nữa, vừa triển khai công tác phòng chống dịch vừa tổ chức tiêm chủng vắc-xin với quyết tâm cao sớm đạt được độ bao phủ 2 mũi vắc-xin cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Đề cập đến những lo ngại phản ứng sau tiêm vắc-xin, đặc biệt sau ca tử vong vừa qua do sốc phản vệ với vắc-xin ngừa Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, phản ứng sau tiêm vắc-xin là có thể, vì không vắc-xin nào đảm bảo 100% an toàn. Vì thế, sau khi tiêm vắc-xin có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi.

Cũng theo Thứ trưởng Thuấn, sau khi ghi nhận một số phản ứng đối với người tiêm vắc-xin tại Việt Nam, Bộ Y tế đã rút ra 3 kinh nghiệm để triển khai tiêm chủng tốt hơn trong thời gian tới.

Đầu tiên Bộ Y tế cần tập huấn kỹ hơn về công tác tiêm chủng, đặc biệt khâu xử lý tai biến khi tiêm chủng cho tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã, phải liên tục nhắc đi nhắc lại và cập nhật liên tục.

Bên cạnh đó, các cán bộ tiêm chủng cần sàng lọc kỹ hơn cho người tiêm, hỏi kỹ tiền sử bệnh.

Ngoài ra, Bộ Y tế khuyến cáo các trường hợp có cơ địa dị ứng cần tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại các trung tâm y tế có giường bệnh hoặc tại bệnh viện.

Người dân cần tuân thủ tốt nguyên tắc 5K

Theo các chuyên gia y tế, vắc-xin phòng Covid-19 là một trong những tiến bộ của y học ngày nay trước đại dịch đang lan tràn trên toàn cầu. Đây là vũ khí hữu hiệu nhất của nhân loại trong việc phòng và giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Vắc-xin là vũ khí hữu hiệu nhất của nhân loại trong việc phòng và giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Tuy nhiên, dù vắc-xin có tầm quan trọng trong chiến lược phòng chống dịch của mỗi quốc gia, nhưng các chuyên gia dịch tễ đều khẳng định, chỉ sử dụng vắc-xin không thể nào phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Và không phải ai tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cũng có thể bảo vệ mình 100% không nhiễm virus.

Theo tiêu chuẩn của WHO, vắc-xin chỉ đạt hiệu quả bảo vệ trên 50% đã có thể sử dụng để tiêm. Các vắc-xin ngừa Covid-19 đang được WHO khuyến cáo cũng như của Mỹ cấp phép sử dụng đều có hiệu quả từ 81 - 97%.

Lý giải rõ hơn về điều này TS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung, kể cả khi mắc, tình trạng bệnh cũng được giảm rất nhiều, không bị thể nặng và không đối diện nguy cơ tử vong.

“Sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của Covid-19 đạt mức 50-70%. Ở liều thứ 2, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%. Cho đến thời điểm này, theo TS. Thái, vắc-xin được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ hai mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong”, chuyên gia cho hay.

Còn theo PGS.TS Hoàng Thị Lâm, Trưởng bộ môn Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ phản ứng phản vệ với vắc-xin nói chung khá thấp, đặc biệt là sốc phản vệ, ước tính khoảng 1 trường hợp trên 1 triệu liều vắc-xin.

Có nhiều loại vắc-xin với các công nghệ sản xuất khác nhau, do đó tác dụng không mong muốn cũng không giống nhau giữa các loại vắc-xin.

Phản ứng dị ứng có thể đến từ bản thân thành phần chính của vắc-xin, nhưng cũng có thể do chất bảo quản hoặc kháng sinh hoặc lượng nhỏ protein còn sót lại trong quá trình sản xuất (ví dụ tế bào phôi).

Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng sẽ tăng nguy cơ dị ứng với vắc-xin hơn so với người bình thường. Với vắc-xin AstraZeneca Việt Nam đang tiêm phòng, báo cáo mới nhất của hãng cho thấy, hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi đầu tiên 22 ngày đạt trung bình 76% và tiếp tục duy trì.

Hiệu quả cao nhất tăng lên 82% sau khi tiêm mũi 2 cách mũi đầu tiên 12 tuần. Dù vậy, vắc-xin này giúp ngăn ngừa 100% các trường hợp tiến triển nặng, nếu mắc bệnh sẽ bị nhẹ, nếu nhập viện không có nguy cơ tử vong.

AstraZeneca khuyên khoảng cách giữa 2 mũi tiêm từ 4 - 12 tuần, còn WHO khuyến cáo nên từ 8 - 12 tuần. Do đó, nếu một người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 nếu rơi vào nhóm không sinh miễn dịch.

Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn trong tình trạng khan hiếm vắc-xin.

Ngoài ra, những vắc-xin này có ngăn chặn được hết tất cả các biến thể hay không vẫn là một câu hỏi lớn, thách thức lớn cho ngành sản xuất vắc-xin để theo dõi.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, vắc-xin là công cụ bổ sung giúp ngăn chặn dịch, nhưng trong bối cảnh nguồn cung đang thiếu hiện nay, không thể trông chờ hoàn toàn vào vắc-xin.

Mỗi người dân cần tuân thủ tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Đây là biện pháp đơn giản, rẻ tiền và sẵn có mà chỉ cần có ý thức, tránh nhiệm với chính mình và cộng đồng, mọi người đều có thể thực hiện.

Tín hiệu tích cực nhờ bao phủ vắc-xin

Nhìn ra thế giới, hiện nay rất nhiều nước đã đạt được tín hiệu tươi sáng giờ chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn.

Chẳng hạn tại Israel, 4,98 triệu người dân Israel (tương đương 55% dân số) được tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin Pfizer, ngoài ra có khoảng 400.000 người được tiêm một mũi vắc-xin. Nếu tính cả những bệnh nhân từng mắc Covid-19 và hồi phục, nước này đã có hơn 60% dân số có khả năng miễn dịch.

Hiện nay rất nhiều nước đã đạt được tín hiệu tươi sáng giờ chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn.

Giới chức y tế vẫn nhắc nhở người dân rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc, song cuộc sống của người dân dần quay trở lại trạng thái trước khi có dịch, ám ảnh dịch bệnh cũng không còn căng thẳng như trước.

Và ngay cả các nhà dịch tễ học thận trọng nhất cũng khẳng định rằng Israel đã có thể nới lỏng trạng thái phòng dịch và từ đó cung cấp viễn cảnh cho cả thế giới về một cuộc sống sau đại dịch nếu có vắc-xin.

Trong khi đó, chỉ vài tháng trước đây, Israel là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới, một đợt bùng phát dữ dội đã khiến 6.300 người chết trong số 836.000 người mắc bệnh.

Tại Mỹ-quốc gia từng khiến thế giới lo lắng vì số ca mắc và tử vong tăng khủng khiếp trong năm 2020 giờ đây đã dần kiểm soát được dịch nhờ chiến dịch tiêm vắc-xin.

Theo CDC Mỹ, gần 109 triệu người (tương đương 32,8% dân số Mỹ) đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, trong khi đó 57% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 mũi.

Nhiều gia đình tại Mỹ sau khi bị chia cắt vì đại dịch nay đã được đoàn tụ. Những cái ôm, bắt tay thân thiết của các thành viên trong gia đình nhiều người Mỹ như là minh chứng cho cuộc sống đang hồi sinh nơi đây.

Được biết, 1.682.400 liều vắc-xin Vaxzevria Covid-19 mà Việt Nam tiếp nhận đã được WHO cấp phép sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp và đã được tiến hành tiêm thành công tại Việt Nam kể từ tháng 3/ 2021 dưới tên cũ.

Trong nhiều tháng qua, các đối tác COVAX bao gồm CEPI, GAVI, WHO và đối tác cung ứng UNICEF, đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực sẵn sàng và triển khai vắc-xin Covid-19 trên toàn quốc.

Trước lô vắc-xin này, Việt Nam đã nhận lô đầu tiên từ COVAX vào tháng 4/2021. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã tiêm gần 100.000 liều vắc-xin Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế.

Cơ chế COVAX do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh vắc-xin, Gavi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác triển khai chính.

Chiều 20/5, Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thông báo về ca tử vong mắc Covid-19 là BN3554, 81 tuổi, nam, có tiền sử đau khớp gối nhiều năm, xơ gan, đái tháo đường, tăng huyết áp, gút (gout)).

Bệnh nhân có chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết đường vào viêm mủ khớp gối 2 bên trên bệnh nhân xơ gan, đái tháo đường, tăng huyết áp, nhiễm SARS-CoV-2.

Đây là ca tử vong của bệnh nhân thứ 39 có liên quan tới Covid-19 tại Việt Nam và là ca tử vong thứ 4 trong đợt dịch này.
Mua vắc-xin phòng Covid-19 là trường hợp cấp bách, phải thực hiện ngay
Công ty Pfizer không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng và bên Việt Nam phải trả lời Công ty Pfizer chậm nhất trong ngày hôm nay,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư