Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Điểm nghẽn lớn nhất trên “con đường màu xanh” của ngành Logistics là hạ tầng
Nguyễn Ngân - 05/10/2023 11:13
 
Đứng ở góc độ một doanh nghiệp Logistics, bà Phạm Thị Bích Huệ, Sáng lập, Chủ tịch Công ty Western Pacific cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất cản trở ngành Logistics phát triển là hạ tầng.

Chia sẻ tại phiên thảo luận thứ nhất “Nhận định xu hướng logistics của Việt Nam” tại Hội nghị Logistics 2023 – Con đường phía trước do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Phạm Thị Bích Huệ, Sáng lập, Chủ tịch Công ty Western Pacific nhận định, ngành Logistics Việt Nam đang có con đường phát triển đầy kì vọng.

Điều này được thể hiện thông qua việc Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã dần có nhiều sự quan tâm về vai trò của Logistics với nền kinh tế.

Tuy nhiên, để ngành Logistics Việt Nam bước lên được “con đường màu xanh”, làm sao để giảm chi phí Logistics trên tổng GDP của quốc gia thì vẫn còn nhiều điểm nghẽn.

Trước hết, theo bà Huệ, đã đến lúc Chính phủ cần định danh lại cho ngành Logistics. Sở dĩ bản thân từ Logistics đã và đang quá rộng, bao gồm nhiều ngành, nghề, lĩnh vực như hạ tầng, dịch vụ, con người,…

Việc luật hóa, cụ thể hóa ngành không chỉ giúp minh bạch về hành lang pháp lý, các doanh nghiệp yên tâm hơn mà còn hỗ trợ thu hút đầu tư từ các “đại bàng” về Logistics trên thế giới.

Bên cạnh đó, bà Huệ thông tin, hiện chi phí vận tải trên tổng chi phí Logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác, chi phí vận tải chỉ chiếm 30 – 40% tổng chi phí Logistics. Đây là con số rất lớn.

“Nếu muốn giảm chi phí Logistics, chúng ta cần phải đi từ những con số lớn như thế này”, bà Huệ khẳng định.

Cụ thể, bà Huệ cho rằng, quy hoạch hạ tầng thiếu sự đồng bộ, điều tiết từ cơ quan quản lý Nhà nước đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất của ngành. Bên cạnh đó, việc quy hoạch hạ tầng tại địa phương cũng còn mang tính hình thức, thiếu sự địa phương hóa theo đặc thù, thế mạnh của từng vùng, miền.

Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch Công ty Western Pacific, để quản lý ngành Logistics không phải là dễ dàng. Bởi đây là ngành có sự thay đổi theo từng ngày, từng tháng, từng quý,… Đôi khi luật hóa cho ngành sẽ khó để chạy theo. Song ít nhất cũng nên có sự đáp ứng tương đối với sự thay đổi của ngành Logistics.

“Theo tôi, với vai trò của mình, Nhà nước giải quyết các điểm nghẽn này sẽ dễ dàng hơn so với việc giải quyết điểm nghẽn về dịch vụ hay con người”, bà Huệ kiến nghị.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Sáng lập, Chủ tịch Công ty Western Pacific chia sẻ tại phiên thảo luận thứ nhất “Nhận định xu hướng logistics của Việt Nam” tại Hội nghị Logistics 2023 – Con đường phía trước.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Sáng lập, Chủ tịch Công ty Western Pacific chia sẻ tại phiên thảo luận thứ nhất “Nhận định xu hướng logistics của Việt Nam” tại Hội nghị Logistics 2023 – Con đường phía trước.

Bên cạnh đó, bà Huệ cũng nhấn mạnh về vai trò là nút thắt cực kì quan trọng đối với nền kinh tế của hạ tầng và vận hành cảng biển quốc tế.

Bà Huệ nhận định, hiện chúng ta đang quá tập trung vào các vùng hạ tầng trọng điểm nhưng quên mất sự định hướng phát triển hạ tầng cơ bản về cảng biển của Chính phủ sẽ tạo ra được sức hút đầu tư rất lớn trong hệ sinh thái đầu tư.

Ví dụ, những tỉnh thành có hệ sinh thái cảng biển, theo bà Huệ cần có sự đầu tư định hướng cơ bản từ Chính phủ để tạo sức hút, thu hút đầu tư về các nhà máy, hệ thống.

“Đầu tư cảng biển không chỉ tập trung vào tư nhân mà nên có sự đầu tư “mồi", định hướng từ phía Chính phủ”, bà Huệ nói.

Bên cạnh đó, với những vùng kinh tế còn thiếu sự quan tâm của đầu tư nước ngoài, chưa tạo được hiệu ứng đầu tư tốt thì nên mở rộng các hệ thống ICD (hệ thống nối dài của cảng biển) để thu hút đầu tư FDI.

“Nếu chúng ta có hạ tầng cơ bản, tôi tin rằng các “đại bàng” sẽ sớm về làm tổ, kể cả ở những vùng mới chứ không chỉ vùng trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM”, bà Huệ nhận định.

Song song với việc thu hút FDI, Chủ tịch Western Pacific cũng khẳng định, đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp  Logistics tại Việt Nam cần ngồi, trao đổi lại với nhau và thay đổi, nếu không sẽ để vụt mất miếng bánh, thị phần của ngành Logistics vào các doanh nghiệp nước ngoài trên chính địa bàn của mình.

Theo bà Phạm Thị Bích Huệ, gần đây các “hồng hạc” về ngành Logistics trên thế giới đã tiếp cận thị trường Việt Nam, có nhiều lợi thế về vốn, kinh nghiệm, tiên phong công nghệ, đổi mới,…

“Trong 5 năm trở lại đây, có thể các “hồng hạc” của ngành Logistics thậm chí đã sở hữu lượng hạ tầng cơ sở lớn hơn số mà doanh nghiệp Việt Nam đang có”, bà Huệ nhìn nhận.

Chúng ta đã đánh giá được tầm quan trọng của ngành Logistics, song vẫn nói nhiều về FDI mà nội lực còn chưa thật sự mạnh mẽ.

“Khi hồng hạc bay sẽ kéo theo hệ sinh thái của chính hồng hạc đó”, bà Huệ nói.

Trong bối cảnh này, theo bà Huệ, trước khi trông chờ vào các hỗ trợ từ Chính phủ, chính các doanh nghiệp Logistics Việt Nam cần bỏ ngay tư duy ngắn hạn, manh mún, cạnh tranh trực tiếp với nhau. Đồng thời, cùng nhau bàn chiến lược cho ngành Logistics Việt Nam.

“Trước khi mở rộng ra thế giới, chúng ta cần làm tốt trên chính sân nhà của mình”, bà Huệ khẳng định.

Đầu tư logistics: Sân chơi hút doanh nghiệp ngoại
Thị trường logistics Việt Nam đang chứng kiến cuộc rượt đuổi của các nhà phát triển quốc tế với kế hoạch tỷ USD và các dự án quy mô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư