Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Điểm nhấn ngày đầu xử "đại án" VNCB: Triệu tập nhiều doanh nghiệp, ngân hàng liên quan
Vi Nguyễn - 19/07/2016 18:20
 
Điểm đáng chú ý trong ngày đầu xét xử đại án Ngân hàng Xây dưng (VNCB) là tòa đã triệu tập nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên xét xử ngày 19/7
Bị cáo Phạm Công Danh (thứ hai từ phải qua) tại phiên xét xử ngày 19/7

Ngày 19/7, tại Tòa án nhân dân TP.HCM chính thức diễn ra phiên xét xử Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh, kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và 35 bị cáo làm thiệt hại cho VNCB hơn 9.100 tỷ đồng. Phiên xử do thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự làm chủ tọa và dự kiến diễn ra trong một tháng (đến ngày 18/8/2016).

Trước khi bắt đầu phiên xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Phạm Công Danh có đủ sức khỏe để dự phiên tòa hay không. Trước đó, sức khỏe của bị cáo bị suy giảm và phải vào bệnh viện cấp cứu. Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh đã có kiến nghị về vấn đề này nhưng với sự khẳng định của bác sĩ khám cho bị cáo, HĐXX cho rằng, bị cáo này vẫn đủ sức khỏe để dự tòa. Theo công bố của HĐXX, có 45 luật sư tham gia bào chữa trong vụ án này, trong đó có 32 luật sư bào chữa cho các bị cáo, còn lại bào chữa cho công ty.

Đây là đại án đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phải xử lý nghiêm, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Trong số 158 cá nhân, tổ chức được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án gây thất thoát 9.000 tỷ đồng, HĐXX đã triệu tập đại diện NHNN đến dự tòa.

Theo đó, ông Đào Văn Hiệp, giám đốc NHNN-Long An đã có mặt tại phiên tòa.

Trong phiên xét xử ngày đầu đầu, tòa cũng hỏi đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp, các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tòa yêu cầu các đại diện ngân hàng, đơn vị thẩm định giá, doanh nghiệp có mặt đều phải được uỷ quyền (nếu có) của các đơn vị liên quan. Theo đó, tòa mời đại diện VNCB, VNCB Sài Gòn, VNCB Lam Giang nhưng chỉ có 1 người lên tiếng. Người này được VNCB cử đại diện VNCB và VNCB Sài Gòn, nhưng khi toà hỏi có được uỷ quyền VNCB Lam Giang không thì trả lời không và cho biết, để hỏi lại.

Ngoài ra, các đại diện một số ngân hàng cũng  được gọi tên. Một số ngân hàng cho biết, do không kịp chuẩn bị giấy uỷ quyền với lý do nhận được giấy triệu tập muộn, không kịp chuẩn bị uỷ quyền nộp tòa trong buổi sáng và toà yêu cầu nộp lại thư ký toà trong chiều cùng ngày.

Trong phiên xét xử chiều ngày 19/7, trong tổng số 156 cá nhân, tổ chức được triệu tập thì chỉ có 98 người/tổ chức có mặt. Ngoài các ngân hàng còn có những doanh nhân nổi tiếng như ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương (tập đoàn Tân Hiệp Phát); bà Nguyễn Thị Như Loan; ông Nguyễn Quốc Cường (CTCP Nhà Quốc Cường).

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch VNCB, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Thiên Thanh cùng 35 đồng phạm nguyên là cán bộ Ngân hàng Xây dựng và Tập đoàn Thiên Thanh đã có các hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, thiệt hại được xác định là hơn 7.000 tỷ đồng; và hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, con số thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Cụ thể, sau khi tiếp nhận, tái cơ cấu và quản lý hoạt động của Ngân hàng Xây dựng (tiền thân là TrustBank), Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã đẩy ngân hàng này lún sâu vào nợ nần, thất thoát lớn.

Từ cuối tháng 2/2013, Ngân hàng Xây dựng chính thức hoạt động dưới sự điều hành của nhóm cổ đông mới và ông Phan Thành Mai (sinh năm 1971) được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, vì cả ông Danh và ông Mai đều không có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính. Ông Mai từng nắm quyền điều hành thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Sau khi được nhóm cổ đông mới tiếp nhận, TrustBank cũng được đổi tên thành VNCB. Chỉ 1 năm sau đó, vào ngày 29/7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Danh.

Theo cáo trạng, là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh có quy mô hoạt động đa ngành nghề, ông Danh từng sở hữu khối tài sản lớn hàng ngàn tỷ đồng cùng nhiều dự án từ Hà Nội đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Vũng Tàu, TP.HCM... Từ quá trình điều hành ngân hàng, trên cương vị Chủ tịch HĐQT, Danh đã có hàng loạt sai phạm trong việc vay, cho vay gây thất thoát cho ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng.

Phiên tòa sẽ tiếp tục ngày xét xử thứ hai trong ngày mai (20/7).

Xét xử “đại án” Ngân hàng Xây dựng: Làm rõ những sai phạm động trời của Phạm Công Danh
Trong quá trình điều hành Ngân hàng Xây dựng, ông Phạm Công Danh đã có hàng loạt sai phạm trong việc vay và cho vay, gây thất thoát cho ngân hàng này hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư