Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: Lợi nhuận tăng 400%, giá cổ phiếu GKM bật tăng 16,67%
 
Trong khi thị trường có tuần giao dịch khá khởi sắc khi liên tiếp tăng điểm thì các cổ phiếu được các công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị mua lại biến động khá mạnh. Cùng Đầu tư nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu NVL

NVL đang vượt ngưỡng trên đường xu hướng. Chỉ báo SAR đảo chiều và vượt dưới đường giá, cho thấy tín hiệu mua. Chỉ báo MACD tăng và có xu hướng phân kỳ bên trên đường tín hiệu, cho thấy xu hướng tăng giá. Chỉ báo RSI có xu hướng tăng, thể hiện sức mạnh của giá đang tăng. Cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng trong các phiên tới. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị giá mua cổ phiếu NVL là 61.401 – 63.300 đồng/CP. Giá mục tiêu 68.750 đồng/CP. Giá cắt lỗ 60.135 đồng/CP.

Đúng như khuyến nghị của BSC, sau tuần giao dịch điều chỉnh nhẹ trước đó, cổ phiếu NVL đã hồi phục khá tốt trong tuần cuối cùng của năm. Thống kê, NVL đã đón nhận 5 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NVL tăng 3.600 đồng/Cp (+5,85%) từ mức 61.500 đồng/Cp lên 65.100 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu là 68.750 đồng/Cp, giá hiện tại của cổ phiếu NVL còn thấp hơn 5,6%.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu DBD

Bằng phương pháp FCFF, chúng tôi đưa ra mức giá phù hợp của cổ phiếu DBD trong vòng 1 năm tới là 61,168 đồng/cổ phiếu với mức trả cổ tức dự kiến duy trì 15%. Từ đó chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA cho cổ phiếu này.

Sau gần 1 năm giao dịch trên sàn UPCoM (từ ngày 16/1/2017), mới đây, DBD đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu trên sàn HOSE. Mặc dù hòa cùng không khí khởi sắc chung của nhóm cổ phiếu ngành dược khi hồi phục nhẹ vào cuối tuần nhưng cũng chưa đủ sức để giúp DBD lấy lại thăng bằng trước áp lực điều chính trong những phiên đầu tuần.

Thống kê, DBD đã đón nhận 3 phiên giảm vào đầu tuần và 2 phiên tăng sau đó, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DBD giảm 1.500 đồng/Cp (-2,68%) từ mức 56.000 đồng/Cp xuống 54.500 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu NKG

Cổ phiếu NKG khá hấp dẫn với P/E 2018 đạt 6,3 lần, với vị thế ngày càng cao của công ty trong ngành, triển vọng tăng trưởng rõ ràng và sức khỏe tài chính cải thiện so với các đối thủ. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị khả quan cùng giá mục tiêu 44.000 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 18,7% bao gồm lợi suất cổ tức 2,6%.

Tuần qua là một tuần giao dịch khá thành công của nhóm cổ phiếu thép, góp phần hỗ trợ tích cực cho đà tăng của thị trường, trong đó NKG cũng không ngoại trừ. Mặc dù chịu áp lực điều chỉnh khá sâu trong phiên đầu tuần nhưng NKG đã hồi phục trong những phiên tiếp theo đó và đã tăng nhẹ trong tuần qua.

Cụ thể, với 4 phiên tăng liên tiếp và chỉ duy nhất 1 phiên giảm ngày cuối tuần 25/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NKG tăng nhẹ 300 đồng/Cp (+0,78%) từ mức 38.500 đồng/Cp lên 38.800 đồng/Cp.

* Theo BSC, giá cổ phiếu HPG có thể điều chính xuống mức 40.880 đồng/CP

HPG có tín hiệu điều chỉnh sau đợt tăng giá. Chỉ báo ADX giảm, cho thấy xu hướng tăng giá không còn mạnh nữa. Cả 2 chỉ báo RSI và SDK đều ở vùng quá mua, cho thấy tín hiệu giá đảo chiều. Có sự phân kỳ giữa xu hướng đường MFI và đường giá, cho thấy khả năng đảo chiều của giá. Cổ phiếu sẽ điều chỉnh trong các phiên tới. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị giá cổ phiếu HPG có thể điều chỉnh xuống mức 40.880.

Tương tự, tuần qua HPG cũng đón nhận 1 phiên điều chỉnh giảm vào đầu tuần ngày 25/12 và 4 phiên tăng liên tiếp sau đó. Như vậy, trái với khuyến nghị của BSC, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng 2.500 đồng/Cp (+5,64%) từ mức 44.350 đồng/Cp lên 46.850 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu SKG

Triển vọng kinh doanh năm 2018 là khá tích cực, lợi nhuận sau thuế có thể phục hồi mạnh, tăng 48% so với năm 2017, EPS 2018 dự báo đạt 4.417 đồng/cổng phiếu. Chúng tôi đưa ra giá trị hợp lý cho cổ phiếu SKG là 41.700 đồng, tương ứng với P/E forward 2018 là 9,4 lần, cao hơn 36% so với giá đóng cửa ngày 26/12/2017 và đánh giá OUTPERFORM.

Thông tin Tổng giám đốc liên tiếp đăng ký rút vốn khỏi Công ty đã tác động thiếu tích cực tới diễn biến cổ phiếu SKG, đặc biệt là chuỗi ngày giảm liên tiếp trong nửa đầu tháng 12. Trong tuần qua, cổ phiếu SKG đã có những phiên hồi phục nhưng vẫn chưa thoát khỏi đà giảm.

Cụ thể, với 2 phiên giảm vào đầu tuần và 3 phiên tăng sau đó, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SKG giảm nhẹ 100 đồng/Cp (-0,31%) từ mức 31.750 đồng/Cp xuống 31.650 đồng/Cp.

* PHS khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với HUT

Ước tính lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự phóng cho cả năm 2017 và 2018 lần lượt vào khoảng 438 tỷ và 514 tỷ đồng. Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu HUT cho trung và dài hạn. Với P/E mục tiêu là 8.x tương đương với 15.408 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù triển vọng kinh doanh năm 2018 khá tốt cùng kết quả kinh doanh ước đạt trong năm 2017 khả quan nhưng diễn biến cổ phiếu HUT tuần qua vẫn chủ yếu lình xình đi ngang. Thống kê, HUT đã đón nhận 4 phiên đứng giá và duy nhất 1 phiên tăng nhẹ ngày 27/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HUT tăng nhẹ 100 đồng/Cp (+0,9%) từ mức 10.700 đồng/Cp lên 10.800 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu là 15.408 đồng/CP, giá hiện tại của cổ phiếu HUT còn thấp hơn 42,67%.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu DGW

DGW đang trong xu hướng tăng. Chỉ báo OBV tăng và duy trì ổn định ở mức cao, xác nhận sức mạnh xu hướng tăng giá. Chỉ báo MACD bắt đầu cắt từ dưới đường tín hiệu lên, cho thấy xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục. Cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng trong các phiên tới.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị cổ phiếu DGW mức giá mua 20.000 – 20.800 đồng/CP. Giá mục tiêu 24.000 đồng/CP. Cắt lỗ 19.760 đồng/CP.

Tuần qua, DGW đã phát hành thành công 1 triệu cổ phiếu ESOP cho 39 người lao động với giá 10.000 đồng/CP. Thống kê, DGW đã đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm ngày 26/12 và 1 phiên đứng giá ngày 28/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGW tăng 850 đồng/Cp (+4,19%) từ mức 20.300 đồng/Cp lên 21.150 đồng/Cp.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu GKM

Chúng tôi khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu GKM của Công ty cổ phần Gạch Khang Minh với mức định giá 20.600 đồng/cp, với tiềm năng tăng giá > 40% so với giá 14.500 đồng/cp ngày 25/12/2017.

Toàn cảnh nhà máy Gạch Khang Minh
Toàn cảnh nhà máy Gạch Khang Minh

Là một đơn vị sản xuất gạch xi măng cốt liệu có công suất lớn nhất Việt Nam, GKM đã đạt kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 khả quan với doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng trưởng 33,1% và lên tới 400%, đây là những thông tin giúp cổ phiếu này bật cao trong tuần cuối cùng của năm sau hơn 4 tháng lình xình quanh mức giá 14.x.

Thống kê, GKM đã đón nhận 4 phiên tăng, trong đó phiên 28/12 tăng trần và duy nhất 1 phiên đứng giá ngày 26/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GKM tăng 2.400 đồng/Cp (+16,67%) từ mức 14.400 đồng/Cp lên 16.800 đồng/Cp.

* Theo BSC, giá mục tiêu của cổ phiếu PVC là 15.160 đồng/CP

PVC đang trong xu hướng tăng. Chỉ báo ADX tăng và vượt trên đường 20, cho thấy sức mạnh xu hướng tăng giá đang gia tăng. MACD có xu hướng tăng và phân kỳ với đường tín hiệu, cho thấy xu hướng tăng giá. MFI vẫn duy trì ổn định trên mức 70, thể hiện sức mạnh xu hướng tăng giá ổn định. Cổ phiếu sẽ tiếp tục trong các phiên tới.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mức giá mua đối với cổ phiếu PVC là 12.416 – 12.800 đồng/CP. Giá mục tiêu 15.160 đồng/CP. Cắt lỗ 12.160 đồng/CP.

Trái với diễn biến khởi sắc của thị trường chung, nhóm cổ phiếu dầu khí tuần cuối cùng của năm giao dịch thiếu tích cực, trong đó không ngoại trừ PVC. Thống kê, PVC đã đón nhận 4 phiên giảm và duy nhất 1 phiên tăng ngày 26/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVC giảm 100 đồng/Cp (-0,79%) từ mức 12.600 đồng/Cp xuống 12.500 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu 15.160 đồng/Cp, giá hiện tại của PVC còn thấp hơn 21,28%.

* ACBS khuyến nghị mua cổ phiếu VIC

Theo phương pháp định giá từng phần, chúng tôi định giá VIC ở mức 86.000 đồng/CP vào cuối năm 2018 và chuyển khuyến nghị từ giữ sang mua đối với cổ phiếu này. Giá mục tiêu cao hơn 77% so với giá mục tiêu trước đó của chúng tôi, chủ yếu là do thêm một số dự án Vinhomes và Vincity mới, ví dụ như Vinhomes Thanh Hóa, N11 – Gia Lân, Cầu Rào 2 – Hải Phòng, giá thị trường của Vicom Retail và định giá của Vinpearl tăng lên.

Với việc đánh giá cao Vinhomes, Vincity và Vincom Retail cũng như tin vào sự phục hồi của Vinpearl nhờ các yếu tố như thương hiệu mạnh, vị trí dự án tốt, quá trình triển khai nhanh…, khiến ACBS đặt kỳ vọng lớn vào cổ phiếu VIC, tuy nhiên tuần qua, cổ phiếu này đã dao động không như mục tiêu.

Thống kê, VIC đã đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 26/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VIC tăng 1.700 đồng/Cp (+2,25%) từ mức 75.600 đồng/Cp lên 77.300 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu MWG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị MUA dành cho MWG với giá mục tiêu 182.800VND/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 39%, bao gồm lợi suất cổ tức 0,6%.

Tuần qua, thông tin dàn lãnh đạo MWG sẽ “đổ bộ” đầu quân sang Trần Anh khi MWG gần như đã hoàn tất M&A đối với Trần Anh đã tạo thêm điểm nhấn cho thị trường. Trong đó, Tổng giám đốc Thế giới di động – ông Trần kinh Doanh dự kiến sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Trần Anh.

Tuy nhiên, cổ phiếu MWG tuần qua biến động khá giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ và không đạt như kỳ vọng mà VCSC đã đưa ra đối với mã này. Thống kê, MWG đã đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 1.000 đồng/Cp (-0,76%) từ mức 132.000 đồng/Cp xuống 131.000 đồng/Cp. 

Thị trường chứng khoán: VN-Index trở lại cuộc chinh phục mốc 1.000 điểm?
Hiệu ứng từ thương vụ đấu giá thành công cổ phiếu Sabeco (SAB) ngày 18/12 khiến thị trường tăng điểm mạnh: VN-Index tăng 22,9 điểm sau hai tuần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư