Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Diễn biến ngày đầu xét xử vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG
Đỗ Mến – Bùi Trang - 16/12/2019 11:36
 
Ngày 16/12/2019, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
.
.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu. Có 3 kiểm sát viên cao cấp tham gia giữ quyền công tố tại tòa. Phiên tòa có 6 thẩm phán dự khuyết, 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết và 1 kiểm sát viên dự khuyết tại phiên tòa.

Có 14 bị cáo đưa ra xét xử với các nhóm tội khác nhau. Trong đó, 13 bị cáo bị truy tố tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng gồm ông Nguyễn Bắc Son (SN 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Trương Minh Tuấn (SN 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và 11 bị cáo khác.

Bị cáo Phạm Nhật Vũ (SN 1973, nguyên Chủ tịch HĐQT AVG) bị truy tố về tội Đưa hối lộ.

Các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà (SN 1961, nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone), Cao Duy Hải (SN 1961, nguyên Tổng giám đốc MobiFone) còn bị truy tố thêm tội Nhận hối lộ.

Tòa án đã triệu tập một số bên liên quan gồm Cục quản lý doanh nghiệp – Bộ TTTT, đại diện AVG, đại diện Công ty thẩm định giá AMAX…

Tại tòa, luật sư Vũ Xuân Nam đề nghị triệu tập thêm đại diện Bộ Tài chính, đại diện Công ty thẩm định giá ASC, Công ty Hà Nội Value, đại diện Văn Phòng Chính phủ. Luật sư cũng đề nghị giải mật một số tài liệu, nếu không giải mật thì cho phép luật sự tiếp cận và sử dụng vì đó là chứng cứ trong vụ án hoặc có thể xử kín đối với những tài liệu đó.

Trước sự vắng mặt của một số người, HĐXX cho rằng phiên tòa được xét xử trong nhiều ngày, hồ sơ vụ án đều có lời khai đầy đủ, nếu cần sẽ công bố lời khai và sẽ tiếp tục triệu tập nếu thấy cần thiết.

Trong hồ sơ vụ án có một số tài liệu đóng dấu tuyệt mật, phần lớn nội dung đã giải mật, phần còn lại HĐXX có văn bản đề nghị cơ quan giải mật, nhưng chưa có kết quả. Tuy nhiên các nội dung đã nêu rõ trong kết luận điều tra, có trong bút lục vụ án. Vụ án được đưa ra xét xử công khai. HĐXX không chấp nhận xử kín một phần nội dung như ý kiến luật sư đã nêu. 

Thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng 

Theo cáo buộc, năm 2015, Tổng công ty Viễn thông MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ Thông tin và Truyền thông là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án.

Tại thời điểm đó, thực trạng tình hình kinh doanh của AVG rất khó khăn. Tại thời điểm cuối năm 2014, AVG đang lỗ trên 331,4 tỷ đồng; lỗ lũy kế 1.563,7 tỷ đồng. Năm 2015 khoản nợ phải thu là 78,2 tỷ đồng; nợ phải trả và vay ngắn hạn là 818 tỷ đồng; vay và nợ dài hạn là 904 tỷ đồng; tổng tài sản trên báo cáo kiểm toán là 6.047,3 tỷ đồng. 

Quá trình thực hiện, các bị cáo đã báo cáo không đầy đủ, đánh giá không đúng khả năng tài chính, kinh doanh của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan như từ năm 2012-2014 doanh thu tăng, hiệu quả kinh doanh đang tăng dần, các chỉ số đều tăng trưởng. 

Các bị cáo có sai phạm trong việc đề xuất dự án, đánh giá, thẩm định giá, sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trình dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại cho nhà nước hơn 6.590 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chủ trương đầu tư nhưng bị can Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cho Phạm Đình Trọng đề xuất và giao cho Trương Minh Tuấn ký Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone.

Mặc dù giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án chưa được làm rõ nhưng ông Son đã chỉ đạo ban hành Quyết định phê duyệt dự án.

Theo cáo trạng, các bị cáo biết rõ giá trị tài sản, tình hình tài chính, kinh doanh của AVG thua lỗ kéo dài, biết rõ các quy định pháp luật cần tuân thủ khi thực hiện dự án, nhưng vẫn vi phạm pháp luật.

Từ đó, dẫn đến việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG với giá 8.898,3 tỷ đồng, cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG số tiền hơn 6.475 tỷ đồng. Đây là hậu quả thiệt hại trực tiếp làm mất vốn Nhà nước tại MobiFone.

Đồng thời, các ông này đã nhận một số tiền lớn của Phạm Nhật Vũ. Cụ thể, Phạm Nhật Vũ đã đưa cho ông  Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD, đưa ông Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, đưa ông Cao Duy Hải 500.000 USD, đưa ông Trương Minh Tuấn 200.000 USD.

Khắc phục hậu quả

Khi vụ việc bị phát giác, ngày 28/3/2018, MobiFone và AVG đã ký thỏa thuận nguyên tắc về việc hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần. Ngày 16/4/2016, cổ đông AVG đã lập biên bản thống nhất giao, ủy quyền cho Phạm Nhật Vũ ký kết các văn bản để hủy bỏ việc chuyển nhượng cổ phần.

Đến ngày 29/8/2018, MobiGone đã nhận được 8.774 tỷ đồng gồm tiền gốc 8.445 tỷ đồng và 329 tỷ đồng tiền lãi và các chi phí phát sinh.

Hiện các bị can và gia đình các bị can đã nộp lại 66,7 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, Phạm Nhật Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục hậu quả và phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra. Bị cáo cũng khai báo tích cực, ăn năn hối lỗi. 

Đại án AVG cùng nhiều vụ án nghiêm trọng sẽ xét xử trước Tết Nguyên đán 2020
Từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2020, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng, cùng đồng phạm liên quan đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư