Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Điện hạt nhân giúp giảm phát thải
Thanh Hương - 05/06/2016 08:37
 
“Ngành công nghiệp hạt nhân đóng vai trò nền tảng cho việc cân bằng năng lượng không carbon” là luận điểm được nhấn mạnh tại Diễn đàn Quốc tế về Công nghiệp Hạt nhân lần thứ VIII ATOMEXPO 2016 do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM tổ chức tại Gostiny Dvor, Moscow mới đây.

Xác định vai trò của điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng carbon thấp là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự, ông Sergey Kirienko, Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM nhấn mạnh, sự phát triển của điện hạt nhân đảm bảo nguồn cung năng lượng ở mức giá thành ổn đinh, đóng góp to lớn vào giảm thiểu khí CO2 phát thải vào khí quyển.

Theo luận điểm này, điện hạt nhân có thể đảm nhận nhiệm vụ sản xuất điện carbon thấp, phụ tải cơ bản, đóng vai trò cốt lõi giúp duy trì sự cân bằng trong cơ cấu điện.

Tại ATOMEXPO 2016, các chuyên gia ủng hộ phát triển điện hạt nhân cũng chỉ ra rằng, so sánh các nguồn năng lượng tái tạo và điện hạt nhân cho thấy chỉ riêng năng lượng tái tạo không thể đảm bảo được phụ tải cơ bản. Nhiệm vụ này cần được triển khai bằng điện hạt nhân. Sản xuất điện hạt nhân không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và đây là yếu tố quan trọng sống còn đối với các cơ sở công nghiệp.

Theo hướng này, điện hạt nhân còn được khuyến nghị trở thành nguồn điện cơ bản, kết hợp với tỷ trọng thích hợp của điện từ năng lượng tái tạo khi mà tại nhiều quốc gia và khu vực không có đủ điều kiện thích hợp để phát triển điện tái tạo nhưng vẫn cần nguồn năng lượng sạch.

Một lợi thế khác của điện hạt nhân là giá cả có thể dự đoán được – một yếu tố quan trọng trong những dự án đầu tư. Đối với sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu thô chiếm 60% chi phí sản xuất; vì vậy, giá thành sản xuất lên xuống phụ thuộc rất nhiều vào giá cả nhiên liệu. Đối với điện hạt nhân, uranium chỉ chiếm 4-5% chi phí sản xuất. Như vậy, biến động giá uranium hầu như không ảnh hưởng tới chi phí sản xuất.

Tương lai của điện hạt nhân nằm ở sự phát triển các lò phản ứng nơtron nhanh sử dụng chu trình nhiên liệu đóng. Công nghệ này sẽ giúp điện hạt nhân trở thành nguồn năng lượng xanh, không sản sinh chất thải. Nga có bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực này: Nga đã khởi động lò phản ứng BN-800 và bắt đầu sản xuất nhiên liệu MOX. Tuy nhiên dự án đột phá đang được triển khai tại thị trấn Seversk – cho phép sử dụng tối đa nhiên liệu uranium thô (uranium-238 và uranium-235). Công nghệ này sẽ đảm bảo an toàn năng lượng toàn cầu trong dài hạn vì uranium -238 có thể sản xuất điện mà không phá hủy khí hậu và nhà máy điện hạt nhân sẽ không phát thải khí nhà kính.

 

Một viên uranium dioxit 4,5 gram có thể sản sinh ra năng lượng bằng với 350 kg dầu, 640 kg gỗ, 400 kg than và 360 m3 khí tự nhiên. Đốt cháy 1 kg than có thể sản xuất 7 kWh điện. Trong khi đó, điện hạt nhân có thể sản xuất ra 620.000 kWh, gấp 88.000 lần.

Theo tính toán của Cục Năng lượng Quốc tế, trong hơn 45 năm hoạt động, các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới giảm lượng phát thải lên tới 56.000 tỷ tấn CO2. Với tốc độ sản xuất điện như hiện nay, con số này tương đương với tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới trong 2 năm. Tới năm 2030, tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Nga sẽ giảm thiểu 711 triệu tấn CO2 phát thải hàng năm, tương đương với tổng lượng khí do tất cả xe ô tô của Nga sản sinh ra trong hơn 6 năm. Nếu tính tất cả các nhà máy điện hạt nhân do Nga thiết kế và xây dựng trong và ngoài nước, tới năm 2030, con số này lên tới 2,4 tỷ tấn, tương đương với 80% lượng khí thải hàng năm từ ô tô trên toàn thế giới.

 

 “Đây là một con số khổng lồ. Chính vì vậy mà các chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân được triển khai ngay cả ở những quốc gia có 365 ngày nắng một năm và có trữ lượng nhiên liệu hóa thạch lớn,” ông Sergey Kirienko cho biết.

Hơn 5 năm kể từ thảm họa động đất và sóng thần tàn phá nước Nhật và gây ra tai hoạ hạt nhân ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, có vẻ như cú sốc hậu Fukushima đã vơi bớt khi ngành công nghiệp hạt nhân lại được chứng kiến tốc độ xây dựng có xu hướng vượt qua cả thời kỳ trước sự cố.

Tại ATOMEXPO 2016, hơn 30 thỏa thuận và biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa các quốc gia và các công ty. Trong đó đáng chú ý là việc Nga và Nigeria đã ký kết thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác xây dựng Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu Hạt nhân tại Nigeria. Biên bản được ký kết giữa Tổng Giám đốc ROSATOM, S.V. Kirienko và Tổng Giám đốc Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Nigeria F. Erepano Osaisai.

Thỏa thuận xây dựng Trung tâm bao gồm lò phản ứng nghiên cứu đa nhiệm do Nga thiết kế với công suất danh nghĩa 10 MWt tại Trung tâm Công nghệ Hạt nhân thuộc thành phố Sheba-Abuja. Trung tâm này sẽ cho phép Nigeria làm quen với công nghệ hạt nhân và triển khai công nghệ trong lĩnh vực khoa học, y tế, nông nghiệ. Cụ thể hơn, Trung tâm sẽ giúp sản xuất đồng vị phóng xạ cho chuẩn đoán và chữa trị bệnh, đưa y học hạt nhân phục vụ người dân Nigeria ngay tại đất nước của mình.

Trung tâm cũng sẽ trang bị thiết bị hiện đại cho nghiên cứu và ứng dụng trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nigeria, đồng thời giúp đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân cũng như thúc đẩy sự phát triển khoa học kỹ thuật tại quốc gia này.

Bên cạnh thỏa thuận với Nigeria, ROSATOM và Hội đồng Năng lượng Hạt nhân Kenya đã ký kết Biên bản Ghi nhớ và Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân bao gồm hỗ trợ Kenya phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân; nghiên cứu cơ bản và ứng dụng; thiết kế, xây dựng và vận hành lò phản ứng nghiên cứu; sản xuất và sử dụng đồng vị phóng xạ trong công nghiệp, y tế và nông nghiệp; xử lý chất thải phóng xạ; đào tạo và chuẩn bị chuyên gia trong lĩnh vực vật lý hạt nhân và năng lượng hạt nhân…

Theo ông Sergey Kirienko, các thỏa thuận được ký kết có giá trị lên đến 10 tỷ USD.

Bên cạnh các phiên toàn thể, ATOMEXPO 2016 còn có 12 buổi tọa đàm với các chủ đề cung cấp nhiên liệu và xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng – giải pháp tích hợp; tính cạnh tranh và yếu tố môi trường; sự chấp thuận năng lượng hạt nhân trong hiện tại và tương lai;  quản lý chu trình vòng đời nhà máy điện hạt nhân; tối ưu hoá việc cân bằng điện, yếu tố sinh thái và kinh tế, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo; các quốc gia tại ngưỡng cửa phát triển hạt nhân: thách thức toàn cầu và giải pháp của Rosatom; công nghệ bền vững trong nền công nghiệp hạt nhân: hiện tại và tương lai. 

 

ATOMEXPO 2016 thu hút hơn 5.000 người tham quan. Cũng có 508 đại biểu đến từ 55 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. So với các con số tương ứng của năm 2015 là 4.131 người tham quan cùng hay 48 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể thấy mối quan tâm với năng lượng hạt nhân đã có sự gia tăng.
ATOMEXPO 2016 có 2 phiên họp toàn thể với các chủ đề "Ngành công nghiệp hạt nhân đóng vai trò nền tảng cho việc cân bằng năng lượng không carbon" và “Tương lai của điện hạt nhân, những nhân tố mới”.
Có trên 450 đại biểu báo chí, trong đó 240 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí nước ngoài, đã tham gia làm việc tại ATOMEXPO 2016.

 

Phê duyệt kế hoạch đào tạo nhân lực phát triển điện hạt nhân
Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư