Thứ Hai, Ngày 14 tháng 04 năm 2025,
Điện khí LNG, cơ hội gia tăng nhập khẩu từ Mỹ
Hoàng Minh - 13/04/2025 08:29
 
Bên cạnh Dự án Điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 chuẩn bị vào vận hành thương mại, việc có hàng loạt dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) khác đang triển khai xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư khiến tăng nhập khẩu khí LNG từ nhiều thị trường, trong đó có Mỹ.

Tăng dần tỷ trọng điện khí LNG

Hệ thống điện Việt Nam đã chứng kiến thời khắc lần đầu tiên nguồn điện từ nhiên liệu khí LNG nhập khẩu được phát lên lưới vào ngày 11/4/2024 từ Nhà máy Điện Phú Mỹ 3 (720 MW).

Thống kê của Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 3,113 triệu tấn khí hoá lỏng với trị giá 2,044 tỷ USD. Đa phần lượng khí nhập khẩu này là LNG và được dùng cho phát điện.

Tới năm 2025, nguồn điện từ khí LNG nhập khẩu tiếp tục được gia tăng trong quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia khi Nhà máy Điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 (1.624 MW) bắt đầu vào vận hành thương mại và Nhà máy Điện Phú Mỹ 2.2 (720 MW) được chuyển sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, nhưng không có nguồn khí đầu vào từ trong nước như khi còn là công ty BOT trước đây.

Theo các chuyên gia vận hành hệ thống và chủ đầu tư dự án điện khí LNG, nhà máy điện khí LNG quy mô 1.500 MW nếu chạy được 6.000 giờ/năm, thì cần khoảng 1,5 tỷ m3 khí đầu vào, tương đương khoảng 1 triệu tấn/năm.

Hiện tại, Nghị định 56/2025/NĐ-CP đưa ra nguyên tắc xác định sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn (Qc) cho các dự án nhiệt điện dùng khí LNG nhập khẩu là không thấp hơn mức 65% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm của dự án nhiệt điện khí và được áp dụng trong thời hạn trả nợ gốc và lãi vay, nhưng không quá 10 năm kể từ ngày đưa dự án vào vận hành phát điện.

Các chuyên gia cũng cho hay, mức Qc 65% này tương đương nhà máy chạy khoảng 5.700 giờ/năm. Như vậy, các chủ đầu tư có thể tính toán được lượng khí LNG sẽ mua để vận hành nhà máy với kế hoạch cụ thể nhằm tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh.

Ngoài các nhà máy điện mới vào vận hành như Nhơn Trạch 3&4 hay các dự án điện Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 sử dụng khí LNG để phát điện, số lượng nhà máy điện chạy khí LNG sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi có hàng loạt dự án được cấp chủ trương đầu tư như các dự án điện khí LNG Hiệp Phước, Bạc Liêu, Long Sơn, Hải Lăng 1, Quảng Ninh, Long An…

Cơ hội mua hàng từ Mỹ

Nếu các dự án điện khí LNG được đầu tư đúng tiến độ, nhu cầu nhập khẩu khí LNG của Việt Nam thời gian tới sẽ gia tăng mạnh.

Các thị trường đóng góp trong nhập khẩu 3,13 triệu tấn khí hoá lỏng năm 2024 với trị giá 2,044 tỷ USD có thể kể tên là Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Kuwait, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia. Tuy nhiên, với nhu cầu tiếp tục gia tăng về khí LNG trong năm 2025 và các năm tiếp theo, Mỹ - một trong những nơi sản xuất khí LNG hàng đầu thế giới - là một đích đến đang được chú ý.

Với tư cách là đầu mối lớn lo nguồn khí cho điện, trong tháng 3/2025, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn ConocoPhillips và Excelerate liên quan các thỏa thuận mua bán LNG dài hạn.

Theo số liệu của Bộ Công thương trong Dự thảo điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện LNG tối đa đạt 22.524 MW; giai đoạn 2032-2035 sẽ đưa vào vận hành các Dự án điện khí LNG Long Sơn, Long An II hoặc có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi.

Các bên đã thống nhất nguyên tắc hợp tác nhằm bảo đảm nguồn LNG ổn định, phục vụ nhu cầu sản xuất điện ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn khí nội địa đang suy giảm.

Đối với PV GAS, các thỏa thuận nhập khẩu LNG từ Mỹ sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện kế hoạch nhập khẩu LNG quốc gia, dự kiến đạt 9 triệu tấn/năm vào năm 2030 và tăng lên 15 triệu tấn/năm vào năm 2035, với tổng giá trị khoảng 7,2 tỷ USD/năm.

Sân chơi cung cấp LNG cho các dự án điện cũng không chỉ có mình PV GAS. Một doanh nghiệp khác là Công ty AG&P LNG - đơn vị chuyên về kho cảng và hạ tầng LNG hạ nguồn trực thuộc Tập đoàn Nebula Energy của Mỹ đã mua 49% cổ phần Kho cảng LNG Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Được biết, cảng nhập LNG Cái Mép có trị giá 500 triệu USD với công suất 3 triệu tấn/năm và có thể nâng cấp lên 6 triệu tấn/năm. Đây là một trong hai cảng LNG hiện có tại Việt Nam tính đến thời điểm này, cùng với Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS.

Khi đi vào hoạt động, Kho cảng LNG Cái Mép sẽ cấp LNG cho các nhà máy điện và các ngành công nghiệp ở khu vực phía Nam.

Không chỉ mua khí LNG, nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Mỹ phục vụ đầu tư dự án điện khí LNG cũng là một cơ hội khác để mua hàng hoá từ Mỹ. Dự án Điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 là một minh chứng cụ thể khi GE tham gia cung cấp hai khối thiết bị, có công suất mỗi khối đạt khoảng 800 MW, bao gồm turbine khí 9HA.02 tần số 50Hz - công nghệ có hiệu suất cao nhất của GE, turbine hơi STF-D650, máy phát điện W88, lò hơi thu hồi nhiệt dòng thẳng (OT HRSG) và hệ thống điều khiển phân tán (DCS) Mark VIe tích hợp.

GE Vernova hiện chiếm gần 40% thị phần turbine cấp cho các dự án điện khí LNG trên toàn cầu.

Từ thực tế của Dự án Nhơn Trạch 3&4, Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) đã cùng GE Vernova ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về mua sắm thiết bị và dịch vụ cho các nhà máy điện khí khác. Rất có thể, Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh mà PV Power đang tham gia phát triển cùng với các đối tác nước ngoài sẽ là khách hàng tiếp theo của GE Vernova.

Bộ Công Thương tìm giải pháp xử lý vướng mắc của các dự án điện khí LNG
Bộ Công Thương được yêu cầu cần có giải pháp xử lý các vướng mắc của các dự án điện khí LNG; rà soát các dự án, tiếp tục bổ sung nguồn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư