Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Điện Quang loay hoay với chiến lược đèn LED
Hồng Phúc - 29/09/2016 09:05
 
Việt Nam có hoảng 150 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu các loại đèn LED, nhưng do sức mua chưa cao, thị trường “vàng thau lẫn lộn” nên không ít doanh nghiệp nội phải vất vả giành thị phần. Bóng đèn Điện Quang là một thí dụ.

LED - xu hướng của thế giới

Sản phẩm đèn LED có nhiều ưu điểm và đang được sử dụng trong chiếu sáng công nghiệp, chiếu sáng công cộng và chiếu sáng gia đình. Theo tài liệu của McKinsey & Company (Hoa Kỳ), dự báo đến năm 2020, sản phẩm công nghệ LED chiếm trên 70% thị trường chiếu sáng nói chung, doanh thu đạt gần 100 tỷ USD, trong đó châu Á chiếm 45%, châu Âu chiếm 25% và Bắc Mỹ chiếm 20%.

Các thương hiệu đèn LED chiếu sáng lớn nhất trên thế giới có thể kể đến Philips, OSRAM – OSRAM Licht AG, Cree, Zumtobel… Còn tại Việt Nam, nói đến bóng đèn thông thường, hai thương hiệu phải kể đến đầu tiên là CTCP bóng đèn phích nước Rạng Đông và Công ty Bóng đèn Điện Quang.

Các sản phẩm đèn LED của Điện Quang ở một hội chợ tại TP.HCM
Các sản phẩm đèn LED của Điện Quang ở một hội chợ tại TP.HCM

Cả 2 công ty này đều nhận định, các sản phẩm đèn huỳnh quang hay compact sẽ dần bị thay thế, nên đều tập trung thực hiện đầu tư các sản phẩm LED. Nhưng không khó để nhận ra sản phẩm này đang có rất nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường, với  khoảng 150 đơn vị lắp ráp, sản xuất nội và gần 20.000 công ty sản xuất LED tại Trung Quốc, đó là chưa kể các sản phẩm ngoại nhập khác. Vì vậy, doanh nghiệp nào đầu tư bài bản, chủ động sản xuất mới có thể cạnh tranh được.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Bóng đèn Điện Quang nhận định, đèn LED nội địa, xuất khẩu sẽ tiếp tục phải chịu cạnh tranh khốc liệt về giá khoảng 2-3 năm nữa, nhưng sẽ không vì thế mà Điện Quang giảm chất lượng sản phẩm.

Nên đầu tư vào DQC?

Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Điện Quang (mã DQC), doanh thu và lợi nhuận ròng sau thuế tăng 24% và 6,7% so với 2015. Dù DQC không đề cập về tỷ trọng trên tổng doanh thu, nhưng một số chuyên gia phân tích cho rằng, doanh thu từ đèn LED đã tăng gấp 3 lần trong năm 2015.

Có thể thấy, lĩnh vực bóng đèn LED hiện chưa có rào cản về công nghệ, kèm theo đó xu hướng sử dụng đèn LED đang tăng dần khiến thị trường ngày càng nhiều đơn vị tham gia, đặc biệt là các công ty nhập đèn LED từ Trung Quốc về sau đó dán nhãn trong nước.

Vì vậy, Điện Quang đã có chiến lược đầu tư cụ thể với tham vọng vươn lên top đầu của ngành, như đầu tư công nghệ gián chip LED từ Nhật Bản, hay mỗi năm đầu tư từ 3 - 5% lợi nhuận cho phòng R&D. Nếu thực hiện đúng tiến độ, nhà máy mới của Điện Quang với mức đầu tư gần 600 tỷ đồng tại Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ được vận hành từ năm 2017. Khi đó, năng suất của nhà máy sẽ tăng lên gấp đôi, lên từ 30 - 40 triệu sản phẩm một năm.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu luôn chiếm từ 20-40% trong cơ cấu doanh thu của Điện Quang. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh thị trường xuất khẩu luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bài học từ thị trường Cuba mà Điện Quang bị vướng vào từ năm 2010, đến nay đã quá hạn thanh toán nhưng đối tác Cuba vẫn chưa trả hết nợ. Trong văn bản gửi HOSE mới đây, ông Hưng cho rằng, khoản lãi và khoản nợ gốc phải thu từ phía khách hàng ở Cuba trả chậm được thực hiện theo Chương trình hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Cuba. Thực tế cho thấy, khả năng thu hồi khoản nợ này là chưa chắc chắn, nên công ty chỉ hạch toán vào thu nhập tài chính khoản lãi trả chậm và khoản chênh lệch tỷ giá phần phía nước ngoài thanh toán thực tế hàng năm. Phần chưa thanh toán, công ty chưa hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính.

Theo ước tính của CTCP Chứng khoán TP.HCM, Điện Quang đã nhận được khoảng 9 triệu USD trong năm 2015, tương đương khoảng 195 tỷ đồng và hiện còn 10,5 triệu USD (tương đương 234 tỷ đồng). Điện Quang cũng từng kỳ vọng sẽ nhận được hết số tiền nợ từ Cuba vào cuối 2016. Còn theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng, quý IV là giai đoạn cận Tết và các doanh nghiệp thường đẩy mạnh kinh doanh để đạt kế hoạch năm và Điện Quang cũng không ngoại lệ. Năm 2016, DQC đặt chỉ tiêu doanh thu 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 230 tỷ đồng và cổ tức chi trả 30%.

Năm 2016, DQC đặt chỉ tiêu doanh thu 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 230 tỷ đồng và cổ tức chi trả 30%.  Nếu nhìn vào sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, các chỉ số tài chính ổn định và đều thì nếu không có gì bất thường khác tốc độ này vẫn duy trì đồng thời có thể đạt được nhanh hơn trong quý IV. Ngoài ra, nếu khoản công nợ Cuba được trả hết trong năm 2016, thì chỉ số tài chính cùng lợi nhuận của DQC có thể sẽ còn tốt hơn.

Mặc dù được đánh giá là một công ty đi đầu trong việc kinh doanh các giải pháp, sản phẩm trong lĩnh vực chiếu sáng, nhưng với tốc độ tăng giá của cổ phiếu nhanh hơn tốc độ tăng trưởng, thì giá hiện tại đã bắt đầu cao hơn về mặt cơ bản, việc tham gia đã có rủi ro lớn hơn. “Nhà đầu tư nếu tham gia, cần xác định đầu tư trung hạn trở lên. Nhưng điều này cũng cho thấy, thị trường chung kém quan tâm đến cổ phiếu của DQC cũng ảnh hưởng đến việc huy động vốn trong tương lai của doanh nghiệp, đồng thời, các nhà đầu tư mới cũng sẽ e ngại tham gia với một cổ phiếu đầu ngành mà giao dịch lại kém”, ông Khánh nói.

Điện Quang, Rạng Đông, Philips và cuộc chiến thị phần
Điện Quang, Rạng Đông và Philips là ba đơn vị dẫn đầu thị trường bóng đèn compact và huỳnh quang hiện nay. Và cuộc đua giành ngôi vị thứ nhất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư