Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Điều tra, xử lý vụ quán cơm gà Trâm Anh khiến hàng trăm người ngộ độc
D.Ngân - 15/03/2024 10:56
 
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay cơ quan này đã nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại quán cơm gà Trâm Anh trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Vụ ngộ độc làm nhiều người có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt và đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn. 

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn số 476/ATTP-NĐTT ngày 14/3/2024 đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bản tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho bệnh nhân, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện tuyến trên.

Ảnh minh họa.

Tạm thời đình chỉ cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển gấp tới đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định gần nhất để xét nghiệm, xác định rõ nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ.

Được biết, theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Khánh Hòa, đến trưa 14/3, số nạn nhân trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn ở quán gà trên đường Bà Triệu (thuộc phường Phương Sài, thành phố Nha Trang) đã tăng lên 195 trường hợp. Trong đó có trên 140 ca nhập viện điều trị; 49 ca được các cơ sở y tế khám, kê đơn thuốc và cho về nhà theo dõi ngoại trú.

Cụ thể, tại các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp nhận 195 ca nghi ngộ độc thực phẩm; có 141 ca đang điều trị ở 12 bệnh viện, trung tâm y tế địa phương.

Các bệnh viện trong toàn tỉnh vẫn đang tiếp nhận các trường hợp nghi mắc ngộ độc thực phẩm do ăn cơm, phở gà tại quán trên. Hầu hết nạn nhân đang điều trị có dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Một số nạn nhân còn triệu chứng buồn nôn, sốt, đi phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng từng cơn. Những ca bệnh nặng, người già, trẻ em được các cơ sở y tế chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp tục điều trị.

Tại thành phố Nha Trang, theo báo cáo nhanh của Phòng Y tế thành phố, đến 14 giờ ngày 14/3 có 125 nạn nhân nhập viện; trong đó 124 trường hợp điều trị nội trú ở các bệnh viện: Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Đa khoa Sài Gòn-Nha Trang; Đa khoa 22/12, Đa khoa Yersin Nha Trang; Đa khoa Quốc tế Vinmec. Nhìn chung, các nạn nhân trong tầm kiểm soát về chuyên môn của các cơ sở y tế.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 59 ca, trong đó, có 10 trẻ nhỏ liên quan ngộ độc ở quán ăn trên. Các nạn nhân đều có sức khỏe ổn định.

Theo người phát ngôn của Bệnh viện, các trường hợp nhập viện rải rác từ tối 11/3 và đến trưa 14/3 và vẫn đang tiếp tục. Sức khỏe các nạn nhân ổn định. Gần 100% ca điều trị được lấy mẫu bệnh phẩm.

Kết quả kiểm tra tại quán gà (số 10 đường Bà Triệu, phường Phương Sài), chủ cơ sở đã xuất trình được Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 3/6 giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và nhân viên (khám ngày 5/12/2022, đến nay đã hết hiệu lực).

Tuy nhiên, chủ cơ sở không xuất trình được hợp đồng mua bán và các giấy tờ khác liên quan đến nguyên liệu thực phẩm. Cơ sở không kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo đúng theo quy định.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa do ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó giám đốc Sở đã đến các bệnh viện có nạn nhân đang điều trị kiểm tra tình hình.

Tại đây, ông Trịnh Ngọc Hiệp đã ân cần hỏi thăm sức khỏe của các nạn nhân; đồng thời, giao trách nhiệm cho đội ngũ y, bác sĩ thăm khám, chăm sóc điều trị tốt cho các trường hợp.

Việc xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn đến chiều 14/3 vẫn chưa có kết quả. Do vậy cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân nhiều người nhập viện do ăn thức ăn ở quán gà nói trên.

Trước đó, cũng về ngộ độc thực phẩm trên quy mô lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm, sau vụ hàng trăm người ngộ độc bánh mỳ Phượng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã xử phạt vi phạm hành chính 96 triệu đồng đối với hộ kinh doanh bánh mỳ Phượng (ở đường Phan Châu Trinh, P.Minh An, TP.Hội An, Quảng Nam) về hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Cụ thể, các hành vi vi phạm bao gồm thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hộ kinh doanh bánh mì Phượng cũng bị đình chỉnh sản xuất, chế biến, kinh doanh trong thời hạn 3 tháng. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ cơ sở phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm; chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả.

Hộ kinh doanh bánh mì Phượng cũng phải hoàn trả kinh phí cho các cá nhân, tổ chức bị ngộ độc thực phẩm được khám và điều trị tại các cơ sở y tế, chi phí vận chuyển mẫu.

Mù mắt, tổn thương não vì ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp
Uống rượu đã hại, uống rượu chứa cồn công nghiệp methanol còn hại gấp nhiều lần. Do vậy, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư