Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 03 tháng 10 năm 2024,
Đình công ở cảng biển Mỹ: Nông sản, đồ điện tử cùng loạt mặt hàng bị ảnh hưởng
Đông Phong - 03/10/2024 08:18
 
Cuộc đình công mô lớn tại các cảng biển dọc Bờ Đông và Bờ Vịnh (Gulf Coast) nước Mỹ đe dọa thiếu hụt hàng hóa và giá cả tăng cao trong lúc thị trường đang hối hả chuẩn bị nguồn hàng cho kỳ nghỉ cuối năm.

Nguy cơ thiếu hụt hàng hóa, nhất là hàng dễ hỏng

Gần 50.000 công nhân cảng biển là thành viên của Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế (ILA) đã đình công vào ngày 1/10 nhằm phản đối các cảng ở Bờ Đông và Bờ Vịnh của nước Mỹ. Đây có thể là cuộc đình công gây gián đoạn công việc nghiêm trọng nhất tại Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, theo đài CNN.

Cuộc đình công cảng biển Bờ Đông và Bờ Vịnh được cho là sẽ làm tắc nghẽn dòng chảy của nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu của Mỹ vì các mặt hàng này thường được thông quan ở hầu hết các cảng từ bang Maine đến bang Texas.

Container được chất đống khi công nhân bốc xếp đình công tại cảng Newark ở bang New Jersey, Mỹ vào ngày 1/10/2024. Ảnh: AFP
Container được chất đống khi công nhân bốc xếp đình công tại cảng Newark ở bang New Jersey, Mỹ vào ngày 1/10/2024. Ảnh: AFP

Một loạt mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ bị ảnh hưởng, đặc biệt là chuối, bia, rượu vang và rượu mạnh của châu Âu, cùng với đồ nội thất, quần áo, đồ gia dụng và ô tô châu Âu, cũng như các thiết bị và linh kiện phục vụ hoạt động của các nhà máy tại Mỹ.

Ở chiều ngược lại, dòng chảy xuất khẩu hàng hóa của Mỹ qua các cảng cũng bị gián đoạn, làm tổn hại đến doanh số của các nhà xuất khẩu.

Bất đồng về mức tăng lương là nguồn cơn dẫn đến cuộc đình công trên diện rộng ở các cảng biển Mỹ. Hai bên, gồm: Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế - đại diện cho hàng chục ngàn công nhân bốc dỡ và người lao động tại các cảng, và Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX) - đại diện cho các hãng vận tải biển và nhà khai thác cảng, vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về tăng lương.

Một công nhân bốc xếp có sáu năm làm việc tại cảng kiếm được 39 USD/giờ, theo hợp đồng hết hạn vào ngày 30/9 giữa Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế và Liên minh Hàng hải Mỹ.

Trong hợp đồng mới kéo dài 6 năm, Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế đề nghị tăng lương 5 USD/giờ mỗi năm, tương đương với mức tăng gần 80% so với hợp đồng vừa hết hạn, theo nguồn thạo tin của Bloomberg.

Đại diện phía chủ sử dụng lao động, Liên minh Hàng hải Mỹ ban đầu chỉ đề nghị tăng lương 2,50 USD/giờ mỗi năm theo hợp đồng mới, tức là mức tăng gần 40%. Nhưng sau khi được triệu tập đến Nhà Trắng trong hai ngày 27/9 và 30/9, mức tăng lương được nâng lên gần 50% và đi kèm các chế độ chăm sóc sức khỏe và hưu trí bổ sung. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế bác bỏ.

"Nếu chúng ta phải ở đây (đình công tại cảng - BTV) 1 hoặc 2 tháng, thế giới này sẽ đổ sụp", Chủ tịch Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế, ông Harold Daggett, trả lời phỏng vấn của đài CNN vào ngày 1/10. "Hãy đổ lỗi cho họ. Đừng đổ lỗi cho tôi, hãy đổ lỗi cho họ", ông Daggett nói.

Chiều ngày 1/10 (giờ Mỹ), trong bình luận công khai đầu tiên kể từ cuộc đình công xảy ra ở hàng loạt cảng ở Bờ Đông và Bờ Vịnh, Liên minh Hàng hải Mỹ cho biết họ tự hào về đề xuất tăng lương mà họ đưa ra.

"USMX tự hào về mức lương và phúc lợi mà chúng tôi chi trả cho 25.000 nhân viên ILA của mình và ủng hộ mạnh mẽ một quy trình thương lượng tập thể cho phép chúng tôi thương lượng đầy đủ về tiền lương, phúc lợi, công nghệ và đảm bảo an toàn cho người lao động của chúng tôi, ngày này qua ngày khác", Liên minh Hàng hải Mỹ cho biết.

Liên minh Hàng hải Mỹ cũng khẳng định: "Chúng tôi đã chứng minh cam kết thực hiện phần việc của mình để chấm dứt cuộc đình công hoàn toàn có thể tránh được của ILA. Đề nghị hiện tại của chúng tôi về mức tăng lương gần 50% vượt quá mọi thỏa thuận gần đây, đồng thời giải quyết vấn đề lạm phát và ghi nhận nỗ lực của ILA để duy trì nền kinh tế toàn cầu".

Tùy thuộc xem cuộc đình công kéo dài trong bao lâu, nhưng nguy cơ thiếu hụt hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp là hiện hữu, sau đó giá cả có thể bị đẩy lên cao và đi kèm nguy cơ tái bùng phát lạm phát. Đình công cũng đánh dấu một bước thụt lùi đối với nền kinh tế Mỹ, vốn đã ghi nhận những dấu hiệu phục hồi sau những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19.

Trong các cảng đang đình công có cả New York-New Jersey - cảng biển lớn thứ ba tại Mỹ, xét theo năng lực xử lý hàng hóa. Cảng Wilmington ở bang Delaware được cho là cảng nhập khẩu chuối hàng đầu của Mỹ, nơi đây thông quan phần lớn loại trái cây được người Mỹ yêu thích. Theo Liên đoàn Nông trại Mỹ, 1,2 triệu tấn chuối đã được nhập khẩu qua các cảng đang đình công, chiếm khoảng 1/4 lượng chuối bán tại nước Mỹ.

Các mặt hàng dễ hỏng khác như anh đào cũng được vận chuyển qua các cảng này, cùng với một lượng lớn rượu vang, bia và rượu mạnh nhập khẩu. Nguyên liệu thô được các nhà sản xuất thực phẩm Mỹ sử dụng, chẳng hạn như ca cao và đường, cũng chiếm một phần lớn trong lượng hàng nhập khẩu bị ảnh hưởng.

Do đó, các mặt hàng dễ hỏng nhập khẩu vào Mỹ sẽ rơi vào trạng thái không sẵn hàng hoặc tăng giá tại cửa hàng tạp hóa ngay tuần tới.

Các mặt hàng khác, chẳng hạn rượu, đồ nội thất và một số loại ô tô, có thể có đủ nguồn cung cho người tiêu dùng, tình trạng thiếu hụt có thể xuất hiện sau 1 tháng hoặc lâu hơn. Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến cáo người tiêu dùng đừng kỳ vọng vào những cải thiện đáng kể về nguồn cung thực phẩm hoặc giá cả trong thời gian tới.

Nhiều mặt hàng không dễ hỏng, chẳng hạn như đồ nội thất và đồ gia dụng, cũng bị ảnh hưởng bởi đình công. Trong những tháng gần đây, các nhà bán lẻ đã chủ động đẩy nhanh nhập khẩu các mặt hàng này trước khi xảy ra đình công, để kịp chuẩn bị hàng cho kỳ nghỉ lễ.

Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng được xử lý kịp thời trước khi xảy ra đình công. Nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ không thể định tuyến lại vì việc chuyển sang vận tải bằng máy bay hoặc chuyển hướng đến các cảng khác là không khả quan về mặt kinh tế hoặc logistics.

"Chúng ta không biết có bao nhiêu hàng hóa đi qua các cảng đó, nhưng thực tế là hàng nghìn tỷ USD mỗi năm được chi cho cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu", phó giáo sư Gregory DeYong từ Đại học Nam Illinois (Mỹ) cho biết. "Mỗi ngày đều là một mất mát lớn cho nền kinh tế và có khả năng thiếu hụt cho những người mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ", PGS. DeYong cảnh báo.

Ông Eric Clark, Giám đốc danh mục đầu tư tại công ty tư vấn đầu tư Accuvest Global Advisors, cho rằng: "Bất kỳ cuộc đình công nào kéo dài hơn 1 tuần đều có thể gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong kỳ nghỉ". "Chúng ta có thể phải chịu mức lạm phát trong 6 tháng tương tự hoặc tệ hơn mức lạm phát đỉnh điểm của một năm trước", ông Clark cảnh báo.

Do khoảng một nửa lượng hàng nhập khẩu qua đường biển của Mỹ đi qua các cảng đang đình công, nên người tiêu dùng có thể lại phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng cao và thiếu hụt nguồn cung, theo ông Chris Tang, giáo sư danh dự tại Đại học California (Mỹ), một chuyên gia về quản lý chuỗi cung ứng.

Cuộc khủng hoảng vận chuyển sẽ gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, còn hàng hóa sẵn có sẽ trở nên đắt đỏ và tốn kém đối với các gia đình Mỹ. Ảnh: AFPCuộc khủng hoảng vận chuyển sẽ gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, còn hàng hóa sẵn có sẽ trở nên đắt đỏ và tốn kém đối với các gia đình Mỹ. Ảnh: AFP
Cuộc khủng hoảng vận chuyển sẽ gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, còn hàng hóa sẵn có sẽ trở nên đắt đỏ và tốn kém đối với các gia đình Mỹ. Ảnh: AFP

Nông sản đứng đầu danh sách bị ảnh hưởng

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù tác động của cuộc đình công sẽ lan rộng khắp nước Mỹ, nhưng sự gián đoạn chuỗi cung ứng không bất ngờ như trong đại dịch Covid-19. "Các cuộc đình công ở cảng gây ra sự gián đoạn mang tính cảnh báo", giáo sư Arash Azadegan từ Trường Kinh doanh Rutgers nhận xét. "Điều đó khiến các đơn vị phải chuẩn bị tốt hơn", GS. Azadegan nói thêm.

Tạp chí Time đã tổng hợp một danh sách các mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi vụ việc đình công ở các cảng biển.

Nông sản đứng dầu danh sách các mặt hàng xuất nhập khẩu chịu tác động. Năm 2023, các cảng biển đã xử lý 39,4 triệu tấn nông sản trị giá hơn 110 tỷ USD, theo Liên đoàn Nông trại Mỹ. Cơ quan này cảnh báo cuộc đình công ở các cảng biển tác động hàng tỷ USD giá trị hàng hóa và tác động của nó sẽ được cảm nhận rõ nét ở khắp Bờ Đông và Bờ Vịnh. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết 9 cảng biển lớn xử lý 90% lượng nông sản xuất khẩu đóng container của Bờ Đông; các cảng này cũng xử lý nhiều mặt hàng nông sản, từ thức ăn chăn nuôi đến các sản phẩm thịt đông lạnh.

PGS. DeYong cho biết trong khi một số nhà sản xuất chế tạo chủ động tích trữ hàng hóa để chuẩn bị ứng phó với đình công, thì các nhà sản xuất khác, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thì không thể. "Những tác động lớn nhất mà chúng ta sẽ nhận ra ngay từ đầu là những mặt hàng dễ hỏng vì các nhà bán lẻ không thể dự trữ", PGS. DeYong nói.

Liên đoàn Nông trại Mỹ cho rằng, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt và chậm trễ đối với mặt hàng chuối bởi 3/4 lượng chuối thông quan tại các cảng do Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế xử lý.

Anh đào, thực phẩm đóng hộp, ớt cay và sô cô la, tất cả đều được nhập khẩu nhiều, cũng sẽ bị ảnh hưởng. "Bất kỳ sản phẩm nào chúng ta nhập từ Nam Mỹ, ngay cả khi chúng ta có thể đưa chúng lên tàu, thì cũng không đủ sức chứa để đưa chúng lên tàu đến đây [sẽ bị ảnh hưởng]", PGS. DeYong cho biết, đồng thời dự đoán nguồn cung nho và bơ sẽ bị thiếu hụt.

Ngoài ra, rượu cũng nằm trong danh sách các mặt hàng bị ảnh hưởng, bởi Mỹ thường xuyên nhập khẩu bia, rượu vang, rượu whisky, rượu scotch và rượu rum tại các cảng đang bị đình công.

Mỹ cũng có thể gặp phải các vấn đề ngược lại khi xuất khẩu hàng đi các nước. Nông dân và nhà chế biến gia cầm Mỹ có thể sẽ gặp phải tình trạng cung vượt cầu trong nước nếu họ không thể xuất hàng đi các nước.

Giày dép không tránh được tác động

Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ là một trong những tổ chức gửi thư kiến nghị lên Tổng thống Biden. Trong thông cáo báo chí tháng 9, hiệp hội này cho biết hơn 50% hàng may mặc, giày dép và phụ kiện được nhập khẩu vào Mỹ qua các cảng ở Bờ Đông và Bờ Vịnh.

Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ cũng nêu rõ: "Sự gián đoạn này xảy ra trong mùa vận chuyển cao điểm của kỳ nghỉ lễ (các ngày lễ lớn vào cuối năm - BTV) và khiến giá hàng hóa tăng cao hơn và lạm phát tăng vọt". "Cuộc khủng hoảng vận chuyển tiềm tàng này sẽ gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa trong khi hàng hóa sẵn có sẽ trở nên đắt đỏ và tốn kém đối với các gia đình Mỹ".

Hàng hóa của Việt Nam bị điểm danh

USA Today - tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nước Mỹ - cũng liệt kê ra danh sách các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi đình công.

Hải sản: Các sản phẩm dễ hỏng như cá tuyết từ Iceland hoặc Canada, tôm từ Thái Lan và Ecuador không dễ vận chuyển bằng tàu hỏa vì chúng cần được làm lạnh, theo ông Chris Tang, giáo sư danh dự tại Đại học California, một chuyên gia về quản lý chuỗi cung ứng.

Đồ điện tử: Điện thoại di động và máy tính từ các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia và Thái Lan, được định tuyến nhập khẩu vào Mỹ qua các cảng biển ở Bờ Đông.

Dược phẩm: Mặc dù những mặt hàng này dễ vận chuyển bằng đường hàng không hơn, nhưng người tiêu dùng vẫn có thể đối mặt với tình trạng thiếu thuốc nếu các cuộc đàm phán giữa Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế và Liên minh Hàng hải Mỹ không thể giải quyết được vấn đề trong vòng một tháng, theo ông Tang.

Ô tô và phụ tùng ô tô: Ô tô châu Âu và phụ tùng ô tô nhập khẩu vào Mỹ bị ảnh hưởng bởi chúng thường đi qua các cảng ở Bờ Đông và Bờ Vịnh. Đặc biệt, cảng Baltimore (bang Maryland) dẫn đầu nước Mỹ về xử lý các lô hàng ô tô nhập khẩu.

Phụ tùng máy móc: Theo S&P Global Market Intelligence, các cảng ở Bờ Đông vượt trội hơn các cảng khác ở Mỹ về xử lý các lô hàng máy móc, thép chế tạo và dụng cụ chính xác.

Trong khi các tập đoàn lớn như Walmart và Costco đủ khả năng cung ứng bởi họ sớm tích trữ hàng tồn kho hoặc chấp nhận chi phí chuyển hướng các lô hàng đến Bờ Tây, thì các doanh nghiệp nhỏ hơn lại không đủ khả năng làm điều tương tự.

Kết quả là "một số doanh nghiệp có thể mất hoàn toàn nguồn cung cấp hàng hóa quan trọng cho kỳ nghỉ sắp tới", ông Ben Johnston, Giám đốc điều hành tại công ty cho vay doanh nghiệp nhỏ Kapitus, nhận định.

"Một cuộc đình công như vậy có thể tạo ra ranh giới khác biệt giữa có lãi hoặc chịu lỗ trong năm", ông Johnston lưu ý.

Theo tờ USA Today, chính quyền Tổng thống Biden đã từ chối viện dẫn đạo luật Taft-Hartley - đạo luật quan hệ quản lý lao động cho phép chính quyền liên bang yêu cầu các cảng phải mở cửa trở lại bằng cách tìm kiếm lệnh của tòa án nhằm chống lại cuộc đình công, đồng thời đưa Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế và Liên minh Hàng hải Mỹ trở lại bàn đàm phán.

Mỹ dự chi hàng tỷ USD nâng cấp các cảng biển
Chính quyền Mỹ dự chi hàng tỷ USD để nâng cấp các cảng biển nhằm giải quyết những thách thức trước mắt trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư