Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Định giá 1.700 tỷ USD, “bom tấn” Saudi Aramco không IPO ở nước ngoài
Lê Quân (Reuters) - 17/11/2019 17:41
 
Dù được định giá thấp hơn nhiều so với mức 2.000 tỷ USD Thái tử Saudi Arabia đặt ra, gã khổng lồ năng lượng Saudi Aramco vẫn có khả năng tạo ra thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới.
Saudi Aramco được định giá khoảng 1.600 - 1.700 tỷ USD. Ảnh: AFP
Saudi Aramco được định giá khoảng 1.600 - 1.700 tỷ USD. Ảnh: AFP

Tập đoàn năng lượng quốc gia Aramco của Saudi Arabia (Saudi Aramco) hôm nay 17/11 thông báo sẽ bán 1,5% cổ phần, tương đương khoảng 3 tỷ cổ phiếu, với mức giá từ 30 - 32 riyal (khoảng 8 USD), giúp giá trị thương vụ IPO có thể đạt 96 tỷ riyal (25,60 tỷ USD). Với mức giá cổ phiếu trên, Saudi Aramco được định giá khoảng 1.600 - 1.700 tỷ USD.

Nếu cổ phiếu được mua giá cao nhất, Saudi Aramco có thể vượt mặt Alibaba của Trung Quốc khi gã khổng lồ thương mại điện tử này tiến hành thành công vụ IPO 25 tỷ USD tại thị trường chứng khoán New York năm 2014.

Thương vụ này là phần trọng tâm trong chiến lược của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm giúp nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới thoát khỏi cái bóng dầu mỏ và đa dạng hóa sản xuất.

Trước đó, trong cáo bạch IPO công bố đầu tháng, Aramco cho biết thương vụ này sẽ chiểu theo quy định 144A của Đạo luật Chứng khoán Mỹ (cho phép nhà phát hành không thuộc Mỹ khai thác thị trường này).

Tuy nhiên, nguồn thạo tin cho hay, Aramco sẽ không theo quy định 144A nữa, đồng nghĩa tập đoàn này không chào báo cổ phiếu tại Mỹ. Aramco hiện chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Ba nguồn thạo tin cho biết, Aramco không có kế hoạch thực hiện IPO ở nước ngoài. Điều này sẽ đặt gánh nặng lớn lên vai các ngân hàng địa phương và khu vực.

Hầu hết các nhà đầu tư sẽ tham gia thương vụ với tư cách nhà đầu tư nước ngoài đủ tiêu chuẩn (QFI) thực hiện giao dịch tại Saudi Arabia, một trong ba nguồn tin cho biết.

Sau nhiều lần hụt, Aramco chính thức khởi động IPO ngày 3/11. Thái tử Mohammed đã ấp ủ ý tưởng này từ 4 năm trước với hy vọng huy động hàng tỷ USD đầu tư vào các ngành công nghiệp phi dầu mỏ và tạo thêm việc làm.

Giới đầu tư đang cố gắng “bắt mạch” giá trị của tập đoàn khá bí ẩn này. Các chuyên gia của các ngân hàng tham gia trên sàn chứng khoán Riyadh ước tính Aramco được định giá trong khoảng 1.200 tỷ USD đến 2.300 tỷ USD.

Aramco là doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao nhất thế giới với mức chi trả cổ tức ước đạt 75 tỷ USD năm 2020, gấp 5 lần của Apple, dù hãng công nghệ Mỹ đã thuộc top đầu trong danh sách S&P 500.

Tham gia thương vụ này, nhà đầu tư sẽ phải “đặt cược” vào giá dầu bởi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự báo sẽ chững lại từ năm 2025 sau khi các nước mạnh tay thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường sử dụng xe điện.

Thương vụ IPO của Aramco cũng đầy rủi ro chính trị vì chính phủ Saudi Arabia vẫn tiếp tục kiểm soát tập đoàn này, trong khi tập đoàn này đóng góp phần lớn nguồn tài chính của chính phủ. Danh tiếng của Thái tử Mohammed đã bị hoen ố sau vụ sát hại nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi hồi năm ngoái.

Thêm 1 yếu tố cân nhắc cho nhà đầu tư là sản lượng các nhà máy dầu Aramco mới đây bị sụt giảm 1 nửa sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái ngày 14/9. Tập đoàn này cho biết, các cuộc đình công không tác động lớn đến hoạt động kinh doanh.

Việc bán cổ phần Aramco được kỳ vọng tạo cú hích lớn cho những công dân Saudi đang nắm giữ 0,5% cổ phần.

Thời hạn để nhà đầu tư nhỏ lẻ đăng ký tham gia IPO kéo dài đến ngày 28/11, trong khi thời hạn đăng ký cho các nhà đầu tư thuộc cơ quan, tổ chức là ngày 4/12.

Thương vụ IPO của Aramco được xem là cuộc đua cuối năm trên thị trường vốn, trong bối cảnh gã khổng lồ Alibaba đang rục rịch niêm yết trên sàn Hong Kong với tham vọng huy động 13,4 tỷ USD từ thị trường đầy biến động do làn sóng biểu tình và bạo lực leo thang thời gian qua.

Người đàn ông quyền lực nhất của "gã nhà giàu" Saudi Aramco là ai?
Trước khi nắm quyền tập đoàn dầu mỏ hàng đầu Saudi Aramco, Yasir Othman Al-Rumayyan từng có 4 năm làm CEO Công ty dịch vụ tài chính Saudi Fransi Capital...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư