Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 07 tháng 02 năm 2025,
Đồ uống có đường gây ra khoảng 2,2 triệu ca tiểu đường tuýp 2 trong năm 2020
D.Ngân - 07/02/2025 10:05
 
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Nature Medicine, việc tiêu thụ đồ uống có đường trong năm 2020 đã dẫn đến khoảng 2,2 triệu ca tiểu đường tuýp 2 mới trên toàn cầu.

Nghiên cứu này đánh giá dữ liệu từ 184 quốc gia để ước tính các trường hợp mắc tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch do tiêu thụ đồ uống có đường. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn ước tính có khoảng 1,2 triệu ca bệnh tim mạch mới do các đồ uống này gây ra.

Ảnh minh họa.

Các tác động của việc tiêu thụ đồ uống có đường không đồng đều giữa các nhóm nhân khẩu học. Trung bình, gánh nặng bệnh tật do đồ uống có đường gây ra cao hơn ở nam giới, người trưởng thành trẻ, những người có trình độ học vấn cao, và người sống ở khu vực thành thị.

Ngoài ra, gánh nặng bệnh tật cũng không đều giữa các khu vực trên thế giới. Nghiên cứu chỉ ra rằng đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ tiểu đường cao nhất ở các khu vực như Châu Mỹ Latinh, Caribe và Châu Phi cận Sahara.

Tại Châu Phi cận Sahara, đồ uống có đường là yếu tố góp phần gây ra khoảng 21% tổng số ca tiểu đường mới trong năm 2020. Tại Châu Mỹ Latinh và Caribe, tỷ lệ này là gần 24% ca tiểu đường mới và hơn 11% ca bệnh tim mạch mới.

Colombia là quốc gia ghi nhận mức tăng cao nhất về số ca tiểu đường tuýp 2 do tiêu thụ đồ uống có đường, với trung bình 793 ca mới trên 1 triệu người trưởng thành từ năm 1990 đến 2020. Năm 2020, gần 50% số ca tiểu đường mới tại quốc gia này liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường.

Hoa Kỳ đứng thứ hai trong danh sách, với trung bình 671 ca tiểu đường tuýp 2 mới trên 1 triệu người trưởng thành trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2020. Nghiên cứu cũng cho thấy Châu Phi cận Sahara ghi nhận mức gia tăng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong giai đoạn này đối với cả tiểu đường và bệnh tim mạch.

Các chuyên gia kỳ vọng nghiên cứu này sẽ giúp hình thành các chính sách và biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật do đồ uống có đường trên toàn cầu.

Dariush Mozaffarian, tác giả chính của nghiên cứu và Giám đốc Viện Thực phẩm là thuốc tại Đại học Tufts, nhận định, đồ uống có đường đang được tiếp thị và tiêu thụ mạnh mẽ tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Điều đáng lo ngại là những cộng đồng này không chỉ tiêu thụ sản phẩm có hại mà còn gặp khó khăn trong việc đối phó với hậu quả lâu dài đối với sức khỏe.

Tiêu thụ đường tại Việt Nam đã tăng đáng kể trong những năm qua, đặc biệt là trong các sản phẩm đồ uống có đường. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt vào năm 2018 đạt 46,5 gam/ngày, gấp đôi so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ dưới 25 gam/ngày. Việc tiêu thụ đường vượt mức này là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm và đe dọa sức khỏe cộng đồng.

TS. Bùi Thị Mai Hương từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đường không chỉ có trong các thực phẩm chế biến sẵn mà còn trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như trái cây, rau củ và sữa. Tuy nhiên, người dân Việt Nam lại tiêu thụ một lượng đường vượt quá mức khuyến cáo của các tổ chức y tế quốc tế.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiêu thụ đường cao là thói quen uống nước ngọt có ga. Theo nghiên cứu gần 2.000 người, hơn 57% dân số có thói quen uống nước ngọt có ga, trong đó 13% nam giới và hơn 10% nữ giới uống mỗi ngày. Một lon nước ngọt có ga có thể chứa tới 36 gam đường, gần bằng mức tiêu thụ đường trong một ngày.

Việc tiêu thụ lượng đường quá mức không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì mà còn dẫn đến các vấn đề về tim mạch, huyết áp, và rối loạn chuyển hóa.

TS.Hương cảnh báo rằng việc tiêu thụ đường quá mức còn ảnh hưởng đến não bộ, liên quan đến trí nhớ và khả năng nhận thức, đồng thời tạo ra sự nghiện đường, khiến người tiêu dùng khó từ bỏ thói quen này.

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị giảm lượng đường tự do trong khẩu phần ăn, đặc biệt là từ thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường.

WHO khuyến cáo giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ mỗi ngày, và nếu có thể, giảm xuống dưới 5%. Ngoài ra, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ không tiêu thụ quá 25g đường (tương đương 6 thìa cà phê) mỗi ngày.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc, nước ép không đường, trà đá không đường, hoặc các loại đồ uống ít ngọt khác để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, việc đọc nhãn thực phẩm và chọn các sản phẩm ít đường cũng là một thói quen quan trọng.

Chính phủ Việt Nam đang triển khai các chiến lược nhằm giảm tiêu thụ đường, trong đó có việc áp thuế đối với đồ uống có đường.

Bộ Y tế đã đề xuất mức thuế suất lên tới 40%, hoặc tăng dần theo lộ trình. Ngoài việc tăng thuế, Bộ Y tế còn khuyến nghị tăng cường giáo dục cộng đồng về tác hại của đồ uống có đường và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ít đường.

Chuyên gia dinh dưỡng và các nhà sản xuất thực phẩm đều cho rằng việc giảm lượng đường tiêu thụ không chỉ là trách nhiệm của người tiêu dùng mà còn là nhiệm vụ của các doanh nghiệp.

Các giải pháp như thay thế đường tinh luyện bằng các nguyên liệu tự nhiên sẽ giúp giảm thiểu tác hại của đường đối với sức khỏe và giúp ngành thực phẩm phát triển bền vững.

Cần mở rộng đối tượng đánh thuế với đồ uống có đường
Đại biểu cho rằng, áp thuế với nước giải khát có đường có thể khiến người tiêu dùng lầm tưởng chỉ nước giải khát là không được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư