Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đổ vào dệt may, vốn Nhật đón đầu CPTPP
Thế Hoàng - 29/11/2018 19:30
 
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là vốn Nhật Bản, đầu tư vào lĩnh vực dệt may dự báo còn tăng do tiềm năng xuất khẩu rất lớn từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chuẩn bị có hiệu lực.

Đón đầu CPTPP

Cách đây vài tháng, Itochu, tập đoàn có tiếng về thương mại, dệt may đã chi khoảng 46,9 triệu USD để mua thêm 10% cổ phần tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), khi số lượng các quốc gia phê chuẩn CPTPP mới dừng ở con số 2/11. Giao dịch thành công đã giúp nâng tỷ lệ sở hữu của Itochu lên gần 15% và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Vinatex, sau Bộ Công thương (đơn vị đang đại diện cho Nhà nước quản lý 53% cổ phần).

doanh nghiệp Nhật đang mở rộng đầu tư vào ngành dệt may để tận dụng thị trường rộng lớn khi Việt Nam tham gia CPTPP. Trong ảnh: Nhà máy May Matsuoka Phú Thọ.
Doanh nghiệp Nhật đang mở rộng đầu tư vào ngành dệt may để tận dụng thị trường rộng lớn khi Việt Nam tham gia CPTPP. Trong ảnh: Nhà máy May Matsuoka Phú Thọ.

Đến thời điểm này, đã có 7 quốc gia phê chuẩn CPTPP và Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018. Như vậy, động thái tăng sở hữu tại Vinatex của Itochu cho thấy, tập đoàn này đã dự báo chuẩn xác về đường đi của CPTPP và lợi thế đáng kể của ngành dệt may để tăng cơ hội kinh doanh, chốt lời trong những năm tới.

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex cho rằng, cơ hội tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản ngày càng rõ ràng khi Itochu đầu tư lớn vào ngành dệt may Việt Nam. Itochu xuất khẩu một lượng hàng may mặc từ Việt Nam trị giá trên 60 tỷ yên, tương đương khoảng 12.840 tỷ đồng mỗi năm, trong đó một nửa do Vinatex sản xuất. Itochu đặt mục tiêu tăng sản xuất gia công và tăng xuất khẩu lên 100 tỷ yên vào năm 2021.

Là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực dệt may với quy mô khoảng 30 nhà máy, Công ty Sakai Amiori (đến từ tỉnh Fukui, Nhật Bản) cũng đã kịp đầu tư vào Khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ) để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, tận dụng thị trường rộng lớn của ngành dệt may khi Việt Nam tham gia CPTPP. Dự án Nhà máy Sakai Amiori đã hoàn thành và chính thức được nhà thầu xây dựng bàn giao vào tháng 4/2017, hiện đã sản xuất và xuất khẩu ổn định.

Một doanh nghiệp Nhật Bản khác là Tập đoàn Matsuoka Corporation (vào Việt Nam từ năm 2014) cũng đã nhanh chóng mở rộng đầu tư, nâng công suất lên gấp 6-7 lần thông qua Nhà máy May Matsuoka Phú Thọ, chủ yếu sản xuất các sản phẩm may mặc cho thương hiệu Uniqlo để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Là đối tác của các thương hiệu may mặc hàng đầu như Uniqlo, Tore, Korabu…, Matsuoka Corporatio đạt doanh thu hàng năm 530 triệu USD, đứng số 1 Nhật Bản và 11 trên thế giới. Tập đoàn này có 17 nhà máy sản xuất đặt tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Banglades, Myanmar…, nhưng chọn Việt Nam là điểm đến tăng vốn, mở rộng năng lực sản xuất trong những năm gần đây.

Sau khi nhà máy 1 vận hành từ tháng 5/2016, nhà máy 2 của Matsuoka Corporatio đã đi vào hoạt động từ tháng 8/2017, sản xuất khoảng 2 triệu sản phẩm/năm. Cùng với việc duy trì ổn định hoạt động sản xuất, Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng, hình thành tổ hợp nhà máy may với giá trị đầu tư hơn 16 triệu USD, công suất 7 triệu sản phẩm/năm, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ thu hút, tạo việc làm cho hơn 2.500 lao động địa phương.

Trung tâm sản xuất lớn của thế giới

Dòng vốn FDI liên tục chảy vào ngành có lợi thế xuất khẩu như dệt may một mặt gia tăng năng lực toàn ngành, đồng thời đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn của thế giới.

Theo dõi diễn biến xuất, nhập khẩu dệt may của Việt Nam từ năm 2010 đến nay, có thể thấy, thặng dư thương mại của ngành dệt may Việt Nam đã không ngừng được cải thiện cả về giá trị tuyệt đối lẫn tốc độ tăng trưởng. Năm 2010, thặng dư thương mại của ngành mới chỉ đạt 2,9 tỷ USD, thì sau 7 năm, thặng dư thương mại đã tăng hơn 4 lần, đạt mức cao kỷ lục, với 12,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2016.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, trong 11 tháng năm 2018, xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu các loại đạt khoảng 30 tỷ USD, thặng dư đạt hơn 13 tỷ USD.

Trở lại với Itochu, động thái tăng vốn vào Vinatex thể hiện mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu dệt may cho thị trường Nhật Bản, châu Âu, trong bối cảnh chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc và một số quốc gia Itohu đã từng đầu tư.

Dòng vốn FDI ngành dệt may để nâng cao năng lực sản xuất, tận dụng lợi thế xuất khẩu từ các FTA mà Việt Nam đang có chắc chắn sẽ chưa dừng lại khi CPTPP chuẩn bị có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng chuẩn bị được phê chuẩn.

CPTPP: Kỳ vọng và nỗi lo
Kỳ vọng lẫn lo lắng có lẽ là tâm trạng chung của không chỉ giới doanh nhân sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định cùng các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư