Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp - nhân tố quan trọng cho sự phát triển của Quảng Ninh
Thu Lê - 14/10/2017 08:42
 
Nhu cầu vốn cho đầu tư, xây dựng hạ tầng và phát triển của Quảng Ninh là rất lớn, nhất là khi Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn được phép thành lập. Do vậy, Quảng Ninh rất cần huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà đầu tư để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
TIN LIÊN QUAN

Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng và minh bạch cũng như thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính vì sự phát triển của người dân, của doanh nghiệp.

“Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng đã xác định vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh phát triển có cơ cấu dịch vụ đi đầu, đóng góp vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

Trụ sở liên cơ quan số 4, công trình hợp tác công - tư đầu tiên của Quảng Ninh. Ảnh: Hùng Sơn
Trụ sở liên cơ quan số 4, công trình hợp tác công - tư đầu tiên của Quảng Ninh. Ảnh: Hùng Sơn

Chính quyền hành động

Năm 2017 là năm thứ tư liên tiếp, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 và là năm thứ hai triển khai Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đây là những bước khởi đầu đầy thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tạo động lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng.

Với nỗ lực và quyết tâm trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chủ động xây dựng Kế hoạch Triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP với những giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, đó phải là sự vào cuộc quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh từ cấp tỉnh đến cơ sở thông qua viêc xây dựng và ban hành kế hoạch hành động cụ thể. Kế hoạch này được xây dựng với mục tiêu rõ ràng, phân công, phân nhiệm đến từng cơ, quan đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Việc cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thực thiệc một cách quyết liệt, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thực thi công vụ theo tinh thần “Chính quyền tận tâm, doanh nghiệp tận lực”, Quảng Ninh đã tập trung cao nguồn lực để tiếp tục đầu tư và hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong số này, tỉnh tập trung nhiều cho các dự án trọng điểm như Sân bay Vân Đồn, Đường cao tốc Hạ Long- Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn...

Uy tín và thương hiệu của Quảng Ninh là “nơi đáng đến và muốn ở lại” ngày càng được khẳng định.

Tính minh bạch và công khai thông tin liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đảm bảo để tạo lập môi trường cạnh tranh, kinh doanh bình đẳng. Mặt khác, Quảng Ninh cũng đã và đang tiến hành đổi mới quy trình, thủ tục giao dịch trong giải quyết công việc của cơ quan quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận nhanh, dễ dàng, đơn giản và thuận tiện các nguồn thông tin. Quảng Ninh đã xây dựng và đưa vào hoạt động thành công nhiều mô hình mới như Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA), Trung tâm Hành chính công của tỉnh và tại 14 huyện thị. Những mô hình này đã giúp cắt giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh tại tỉnh.

Hiện Quảng Ninh rất chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp bằng những giải pháp và hành động thiết thực. Trong đó, quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại doanh nghiệp với những cách thức mở, đi vào thực chất và thực hiện ở từng cấp, từng ngành. Mặt khác, theo chia sẻ của ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh, để tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp, Quảng Ninh đã rất qiam tâm nghiên cứu, ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm, CEO, ưu đãi vào cụm công nghiệp… nhằm tạo những hỗ trợ cần thiết cho hoạt động phát triển doanh nghiệp.

Những hành động cụ thể và thiết thực này đã đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Ninh trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2017. Điều này giúp tạo thêm động lực thu hút dòng vốn đầu tư vào Quảng Ninh, nhất là vào các dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển doanh nghiệp. Qua 9 tháng đầu năm 2017, đã có khoảng 1.720 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 7.050 tỷ đồng, tăng 46% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ.

Cam kết đồng hành

Chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh được thực hiện hiệu quả và ngày càng đi vào thực chất hơn qua việc đa dạng kênh đối thoại theo hướng mở, công khai minh bạch, gắn với nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp. Quảng Ninh thực hiện việc đối thoại với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở cấp tỉnh vào hàng quý, mà các sở, ngành địa phương còn thực hiện gặp mặt hàng tháng để giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ở những lĩnh vực thuộc thẩm quyền.

Để đảm bảo các cuộc đối thoại doanh nghiệp được hiệu quả, tránh hình thức, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương phải công khai việc giải quyết tất cả các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng văn bản trong thời gian quy định. Tỉnh cũng luôn công khai những thông tin đó trên cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và trên cổng thông tin điện tử. Điều này giúp doanh nghiệp có thể theo dõi, nắm bắt quá trình xử lý vụ việc của các cơ quan nhà nước một cách rõ ràng hơn.

Quảng Ninh coi việc tiếp nhận và giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng như các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp là công việc có tính thường xuyên, được thường trực UBND tỉnh quán triệt tới tất cả các sở, ngành, địa phương. Tỉnh đã chủ động thiết lập đa dạng kênh tiếp nhận để xử lý kiến nghị và giải quyết ý kiến phản hồi của doanh nghiệp. Trong đó, có thể kể đến việc yêu cầu tất cả các sở, ngành, địa phương có bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp; thiết lập và công khai đường dây nóng; mở cổng thông tin Hỗ trợ Doanh nghiệp của UBND tỉnh…

Sau thời gian ngăn áp dụng, nhiều biện pháp đưa ra được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, mang lại hiệu quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức.

Trong số này phải kể tới việc công khai email, số điện thoại của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành địa phương ở Quảng Ninh. Đó còn là việc Trung tâm Hành chính công của tỉnh lắp đặt thiết bị điện tử đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân; tổ chức điều tra độc lập trên diện rộng mức độ đánh giá hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành về kinh tế. Đó còn là các phiên “Cafe Doanh nhân” do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành địa phương, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh… Tất cả đã tạo niềm tin và sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện tại, Quảng Ninh cũng rất chú trọng việc nâng cao vai trò, vị thế của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong việc tham vấn, phản biện, giám sát thực thi chính sách, tổng hợp kiến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Với những kết quả đã đạt được, uy tín và thương hiệu của Quảng Ninh là “nơi đáng đến và muốn ở lại” ngày càng được khẳng định. “Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã xác định sẽ cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 25.000 doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn là các dự án đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai hoạt động hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của Quảng Ninh”, ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh.

Song, vẫn theo ông Nguyễn Đức Long, cùng với những nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm với sự phát triển chung thông qua việc thực hiện trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm giám sát của mình. Một khi thể chế không còn chỗ dung dưỡng cho tư duy xin – cho, cho thói quen nhũng nhiễu hay thái độ vô trách nhiệm với các vấn đề của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng buộc phải nâng mình lên để hoạt động theo đúng với quy định của pháp luật.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư