Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp bảo hiểm Việt nhỏ nhoi trên bản đồ thế giới
Kim Lan - 23/02/2015 08:40
 
Trong khi các thương hiệu bảo hiểm lớn trên thế giới như Prudential, Manulife, AIA, Generali, Samsung... liên tiếp đổ bộ vào thị trường Việt Nam và gây dấu ấn nhất định, thì trên tấm bản đồ bảo hiểm thế giới, DN bảo hiểm Việt hiện vẫn còn là cái tên khá xa lạ, dù “nổi đình, nổi đám” trong nước.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp bảo hiểm quên bảo hiểm cho chính mình
Gian lận đang bóp nghẹt thị trường bảo hiểm
Vinare đã hết lỗ từ bảo hiểm nông nghiệp
Chiêu mới của các công ty bảo hiểm

Kỳ vọng PVI và Bảo Việt

Tại Việt Nam, khối bảo hiểm nhân thọ chủ yếu là DN ngoại (16/17 DN), còn khối bảo hiểm phi nhân thọ phần lớn là DN nội. 70% thị phần thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang nằm trong tay 5 DN nội là Bảo hiểm PVI (do CTCP PVI nắm 100% vốn), Bảo hiểm Bảo Việt (do Tập đoàn Bảo Việt nắm 100% vốn), Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) và Bảo hiểm Bưu điện (PTI).

Hai “ông lớn” của thị trường bảo hiểm Việt nhiều năm qua là Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt, với doanh thu phí lên tới hàng ngàn tỷ đồng, đồng thời vượt khá xa các DN đứng sau trên hàng loạt chỉ tiêu chính như vốn, tổng tài sản, lợi nhuận, quỹ dự phòng nghiệp vụ...

Vốn điều lệ của 2 nhà bảo hiểm lớn nêu trên hiện gấp gần 7 lần so với mức vốn pháp định: PVI có vốn điều lệ 2.100 tỷ đồng, Bảo Việt có vốn điều lệ 2.000 đồng. Mức vốn này cùng các nguồn quỹ dự phòng dồi dào đã tạo ra sự chủ động về tài chính trước các sự cố bảo hiểm.

Hai “ông lớn” của thị trường bảo hiểm Việt nhiều năm qua là Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt

Hai “ông lớn” của thị trường bảo hiểm Việt nhiều năm qua là Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt

Năm 2014, PVI lần đầu tiên vượt Bảo Việt, vươn lên vị trí số 1 thị trường, với doanh thu bảo hiểm gốc đạt hơn 6.000 tỷ đồng và hệ thống bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng cao (26%). Bên cạnh đó, DN này tiếp tục khẳng định vị thế nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 thị trường, đặc biệt trong mảng bảo hiểm hàng không.

2 công ty mẹ của 2 DN bảo hiểm lớn nhất nhì thị trường nêu trên cũng là 2 thương hiệu lớn duy nhất tại Việt Nam sở hữu song hành nhiều mảng bảo hiểm khác nhau. Cụ thể, Bảo Việt có Bảo hiểm Bảo Việt hoạt động trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo Việt Nhân thọ hoạt động trong mảng bảo hiểm nhân thọ. Còn PVI sở hữu 3 công ty là Bảo hiểm PVI, PVI Sun Life và PVI Re hoạt động lần lượt tại 3 mảng phi nhân thọ, nhân thọ và tái bảo hiểm.

Trong năm 2014, Bảo Việt Nhân thọ duy trì vị trí thứ hai thị trường bảo hiểm nhân thọ và gây bất ngờ với con số tăng trưởng 31,5% doanh thu khai thác mới. PVI Sun Life và PVI Re cũng tạo dấu ấn khi tạo ra 1.000 tỷ đồng doanh thu ngay từ năm hoạt động đầu tiên. Ở mảng tái bảo hiểm, nhà tái bảo hiểm số 1 tại Việt Nam là Vinare.

Ông Lee Seung, Tổng giám đốc Bảo hiểm Samsung Vina (SVI), công ty bảo hiểm nước ngoài làm ăn hiệu quả số 1 tại Việt Nam và là đơn vị do Vinare góp 25% vốn đánh giá: “Vinare đã và đang là đối tác chính thu xếp dịch vụ của Samsung Vina hiệu quả nhất. Thông qua Vinare, Samsung Vina nhận được dịch vụ chất lượng cao, được Vinare kiểm soát chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động”. 

“Ngang cơ” trong sân chơi khu vực

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm các nước trong khu vực chủ yếu là DN nhỏ, vốn ít, cạnh tranh yếu, nên các DN bảo hiểm lớn của Việt Nam có đủ khả năng mở rộng hoạt động, cạnh tranh bình đẳng với các công ty bảo hiểm địa phương ở các nước khác, kể cả Indonesia, Philippines, Thái Lan… Nhìn chung, nếu mang đi “thi đấu” thì các DN bảo hiểm lớn của Việt Nam ở thế “ngang cơ” trên sân chơi khu vực.

Việc một số DN bảo hiểm như BIC, PTI đã thành lập công ty con ở Lào, Campuchia và sắp tới, BSH sẽ thành lập công ty con tại 2 thị trường này, còn BIC đưa văn phòng đại diện tại Myanmar đi vào hoạt động, cùng với sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào khu vực sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho sự xuất hiện những DN bảo hiểm Việt tầm cỡ quốc tế.

Vẫn theo ông Dũng, hiện tại, chưa có DN bảo hiểm nào trong khu vực tích cực mở rộng hoạt động ra khắp khu vực Đông Nam Á, trong khi ngành ngân hàng thì đã có, chẳng hạn DBS - Singapore, Maybank - Malaysia. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, cuộc hội nhập mang tên Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 sẽ là cầu nối giúp các DN vươn ra khu vực. 

DN bảo hiểm đạt chuẩn quốc tế: Còn phải chờ

Theo các giới quan sát, hai nhà bảo hiểm PVI và Bảo Việt dù “nổi” ở Việt Nam, nhưng vẫn khá “chìm” trên trường quốc tế. Xét về năng lực tại thị trường trong nước, PVI và Bảo Việt có vai trò dẫn đầu, nhưng để đạt chuẩn quốc tế thì cần có thêm thời gian.

Hiện Bảo Việt và PVI mới chỉ dừng ở việc nhận góp vốn đầu tư nước ngoài để thành lập DN bảo hiểm, nhượng/nhận tái bảo hiểm ra nước ngoài, chứ chưa trực tiếp bán nhiều sản phẩm bảo hiểm qua biên giới cho các nước lớn thông qua các dự án lớn. Các nhà bảo hiểm quốc tế chủ yếu biết đến các nhà bảo hiểm Việt thông qua việc các nhà bảo hiểm Việt tái/nhận tái bảo hiểm với thị trường bảo hiểm quốc tế và nhận ủy thác của các công ty bảo hiểm nước ngoài thực hiện giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, đòi bồi thường ở bên thứ ba đối với những tổn thất xảy ra tại Việt Nam và ngược lại; bên cạnh đó là tham gia các hội nghị bảo hiểm quốc tế.

Trong khi đó, tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại nước ngoài khá khắt khe, ngoài các điều kiện chung thì phải đáp ứng các điều kiện về năng lực tài chính (như tổng tài sản, lợi nhuận), được xếp hạng quốc tế tối thiểu cho từng tổ chức xếp hạng khác nhau, cùng các điều kiện về khả năng xử lý tổn thất…

Nhìn chung, các DN bảo hiểm Việt còn khá xa lạ trên bản đồ thị trường bảo hiểm thế giới.

Talanx - tập đoàn bảo hiểm hàng đầu của Đức và châu Âu cho biết, Tập đoàn chỉ biết đến thị trường bảo hiểm Việt Nam thông qua PVI, sau khi đầu tư vốn vào DN này. Với 2 cổ đông ngoại là OIF và Talanx, PVI hiện là thương hiệu bảo hiểm duy nhất tại Việt Nam có 2 cổ đông ngoại.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện Quỹ Red River Holdings và Temasia, từng là cổ đông của CTCP PVI nói: “Nếu không có quyết định ‘xuống tiền’ của các nhà đầu tư tài chính nước ngoài để nắm giữ cổ phần, thì các DN bảo hiểm Việt vẫn là một cái tên xa lạ trong mắt chúng tôi”.

Trong số 22 DN bảo hiểm phi nhân thọ nội địa hiện tại, có 5 DN đã có cổ đông tổ chức nước ngoài. Trong đó, trong Top 5 có 3 DN bảo hiểm có cổ đông ngoại. Cụ thể: Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt đều có cổ đông ngoại của công ty mẹ, lần lượt là OIF, Talanx và Sumitomo Life; Bảo Minh có AXA. 2 DN trong Top 5 còn lại là PJICO và PTI chưa có cổ đông ngoại. Các DN bảo hiểm khác mới chỉ có GIC và AAA là có cổ đông ngoại.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, DN bảo hiểm các nước thường cung cấp bảo hiểm cho các hãng hàng không lớn của nước ngoài để khuyếch trương hình ảnh vượt khỏi phạm vi quốc gia. Tại Việt Nam, chưa nhà bảo hiểm nào làm được điều này.

Tuy nhiên, nỗ lực trong đánh giá xếp hạng quốc tế (rating) cũng là cách để thế giới biết nhiều về DN. Một số DN bảo hiểm Việt đã được đánh giá xếp hạng quốc tế là PVI, Vinare, BIC. Rating cũng là cách để DN thể hiện năng lực tài chính, vị thế trong nước, khẳng định năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Là DN tái bảo hiểm đạt mức rating cao nhất tại Việt Nam, Tổng giám đốc Vinare, ông Phạm Công Tứ cho hay, rating còn mang lại các lợi ích to lớn như mở rộng thị trường khai thác và trao đổi dịch vụ thông qua tái bảo hiểm một cách có hiệu quả, tăng doanh số, tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn, tăng cường khả năng thanh toán theo chuẩn mực quốc tế.

Nhìn tổng thể, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn khá non trẻ, lâu năm nhất là Bảo Việt với lịch sử 50 năm hoạt động, một số DN lớn khác cũng chỉ trên dưới 20 năm hoạt động, so với lịch sử các thương hiệu bảo hiểm lớn trên thế giới đã trải qua hàng trăm năm phát triển như Prudential, Generali, Sun Life, Sumitomo..., nên để các DN Việt đạt tầm quốc tế có lẽ cần thêm thời gian, dù các nhà bảo hiểm Việt luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên.

Mới đây nhất, Bảo hiểm Bảo Việt đã bắt tay với Dhipaya (Thái Lan) và ENC Plus (Hàn Quốc) trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam, cũng như khách hàng của Bảo hiểm Bảo Việt đầu tư tại Thái Lan.

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt giai đoạn 2015 - 2020 của Chính phủ đặt mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm theo hướng tiếp cận các chuẩn mực/thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.

Hy vọng, trong tương lai không xa, logo, bảng hiệu của những nhà bảo hiểm Việt như Bảo Việt, PVI lấp lánh trên nóc các cao ốc của những thành phố lớn không chỉ trong khu vực, mà trên toàn thế giới.

MIC ký hợp đồng bảo hiểm 2.500 tỷ với Thép Việt Đức

(Baodautu.vn) Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Công ty Thép Việt Đức (VGS). Hợp đồng có tổng giá trị bảo hiểm hơn 2.500 tỷ đồng.

Cơ hội rõ nét cho thị trường bảo hiểm

Năm 2014 là một năm khá thành công của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm, với tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt hơn 52.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 14%, một mức tăng trưởng đáng mơ ước khi nền kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhân sự bảo hiểm bị sa thải phải loại khỏi thị trường

Loan báo thông tin về các quyết định sa thải nhân sự sai phạm, luật hóa quy định liên quan đến sa thải là những động thái cho cho thấy nỗ lực loại nhân sự bảo hiểm bị sa thải ra khỏi thị trường bảo hiểm Việt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư