Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp bất an, nền kinh tế không thể ổn định
Khánh An - 14/08/2019 10:18
 
Cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều cảm thấy bất an vì những đề xuất thay đổi giờ làm việc, giờ làm thêm trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Thậm chí, đã có dự tính thay đổi kế hoạch kinh doanh do chi phí đội lên quá cao.
Nghe bài viết này tại đây :
Nếu bị giảm 4 giờ làm việc bình thường mỗi tuần, một doanh nghiệp có quy mô trung bình của ngành dệt may, với khoảng 2.000 lao động, sẽ phải chi thêm cho giờ làm thêm khoảng 5 tỷ đồng mỗi năm.
Nếu bị giảm 4 giờ làm việc bình thường mỗi tuần, một doanh nghiệp có quy mô trung bình của ngành dệt may, với khoảng 2.000 lao động, sẽ phải chi thêm cho giờ làm thêm khoảng 5 tỷ đồng mỗi năm.

Giảm 4 tiếng để làm gì?

“Chúng tôi đã gửi Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cho các hội viên. Nhiều doanh nghiệp đọc xong nói, chúng tôi muốn đi về”, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) kể với ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Lý do, theo bà Huyền, đề xuất mới đây về việc giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, tiếp tục giữ việc khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng hay đề xuất trả lương làm thêm giờ theo hình thức lũy tiến… đều khiến các doanh nghiệp bất an.

“Chúng tôi không hiểu tại sao phải có những thay đổi này, vì so với các nước cùng trình độ phát triển như Việt Nam, thậm chí cả một số nước phát triển hơn, thì các đề xuất trên đều quá cao, gây chi phí lớn cho doanh nghiệp. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, các thay đổi này không thỏa mãn được mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động”, bà Huyền thẳng thắn.

Trước đó, ông Cung đã đặt câu hỏi với đại diện một số hiệp hội tham gia buổi làm việc với CIEM rằng, người lao động sẽ nhận được gì với những đề xuất liên quan đến giảm giờ làm việc, giờ làm thêm mà Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang đưa ra.

Doanh nghiệp chắc chắn sẽ nhận những tác động tiêu cực. Theo điều tra từ 56 doanh nghiệp hội viên của JCCI, nếu thời gian làm việc giảm xuống còn 44 giờ, họ sẽ phải tuyển khoảng 30.000 lao động để bù đắp.

“Chưa tính chi phí tăng lên do việc phải tuyển thêm lao động, như chi phí về bảo hiểm xã hội, đào tạo…, câu hỏi mà các doanh nghiệp Nhật đặt ra là họ sẽ tuyển lao động ở đâu? Hiện tại, một số doanh nghiệp Nhật phải áp dụng cơ chế thưởng 1 triệu đồng cho công nhân của mình nếu giới thiệu được một người làm mới, nhưng vẫn không tuyển được người”, bà Huyền nói.

Đương nhiên, khi bài toán tuyển thêm không giải được, thì các doanh nghiệp sẽ phải tăng thời gian làm thêm để hoàn thành hợp đồng đúng hạn. Điều này đồng nghĩa với chi phí dành cho làm thêm giờ sẽ đội lên.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tính toán, một doanh nghiệp có quy mô trung bình của ngành, với số lao động khoảng 2.000 người, nếu bị giảm 4 giờ làm việc bình thường 1 tuần, sẽ phải chi thêm cho giờ làm thêm khoảng 5 tỷ đồng mỗi năm. Đấy là mới tính trả cho giờ làm thêm ở mức ngày thường, nghĩa là bằng 150% tiền lương, chưa tính theo cách lũy tiến mà Dự thảo đang đề xuất.

“Chi phí chắc chắn tăng lên, nhưng giá bán không thể tăng được, vì đa phần doanh nghiệp dệt may là gia công, nếu tăng giá sẽ mất hợp đồng. Khi đó, lợi nhuận sẽ giảm, khó mà tăng lương cho người lao động, chưa kể nếu thua lỗ thì doanh nghiệp cũng khó kéo dài được. Chúng tôi muốn hỏi, tại sao cần giảm 4 tiếng này và các cơ quan đã đánh giá tác động về đề xuất này như thế nào, nhưng chưa được trả lời thỏa đáng”, ông Cẩm bức xúc.

Ai sẽ được lợi?

Lý do có buổi làm việc giữa CIEM và một số hiệp hội vào đầu tuần này là bản kiến nghị của 7 hiệp hội doanh nghiệp gửi tới nhiều cơ quan, của cả Quốc hội và Chính phủ đầu tháng 8/2019. “Doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực, điều đó rất rõ. Nhưng tôi đang đặt câu hỏi là người lao động thực sự được hưởng lợi không. Và xa hơn nữa, tôi muốn đặt câu hỏi, nền kinh tế sẽ nhận được gì từ các thay đổi này”, ông Cung nói.

Cở sở của câu hỏi này nằm chính trong các lý giải mà các hiệp hội đưa ra khi thể hiện sự không đồng tình với 5 vấn đề bất cập trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Về giờ làm việc trong tuần, các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam, như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào đều quy định là 48 giờ/tuần.

Tổng số giờ làm thêm tối đa của các nước trong khối ASEAN trong 1 năm cũng cao hơn Việt Nam khá nhiều. Trong khi Việt Nam quy định là 200 giờ/năm, thì Thái Lan là 1.836 giờ, Malaysia là 1.248 giờ, Philippines là 1.224 giờ, Indonesia là 714 giờ… Chi phí tiền lương của doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đang tăng cao. Các hiệp hội cho rằng, việc này ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh về lao động của Việt Nam so với các quốc gia khác.

Phải nói thêm, trong bối cảnh cạnh tranh, áp lực cắt giảm chi phí luôn treo trên đầu các doanh nghiệp. Áp lực này càng lớn khi năng suất của người lao động hiện nay tăng lên phần lớn nhờ doanh nghiệp áp dụng công nghệ, cải thiện quy trình sản xuất…, hơn là lao động cải thiện kỹ năng, chất lượng của mình.

Nhưng theo bà Đỗ Thúy Hương, Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), các đề xuất sửa đổi lại làm khó cho xu hướng này của doanh nghiệp. Trong dây chuyền hiện đại, mọi tính toán đều theo định mức. Ví dụ, trong doanh nghiệp điện tử, nếu đã tính giờ làm việc là 48 giờ/tuần là hoàn tất 1 đơn hàng, thì khi bị giảm giờ 4 giờ, về nguyên tắc là chỉ còn làm việc 5,5 ngày/tuần, nhưng doanh nghiệp không thể vì thế mà tăng số lao động tham gia dây chuyền được.

“Cách duy nhất là tăng giờ làm thêm, nghĩa là chi phí tăng. Với mặt hàng điện tử, chỉ 6-7 tháng sau khi bán hàng, giá có thể giảm tới 50%, thậm chí 70%, mức lợi nhuận chỉ khoảng 2% doanh thu, thì tăng chi phí sẽ là gánh nặng vô cùng lớn”, bà Hương phân tích.

Chưa kể, việc làm thêm giờ lâu nay với doanh nghiệp thường theo mùa vụ, chủ yếu tập trung vào cao điểm của đơn hàng, tháng 6, tháng 7 với dệt may, tháng 12 với hàng điện tử, hay mùa vụ của tôm, cá, thường là theo con nước... “Các doanh nghiệp thủy sản sẽ không thể vì khống chế giờ làm thêm không quá 30 giờ/tháng mà để tôm, cá hỏng. Họ sẽ phải tìm cách để làm. Chúng tôi biết thanh tra lao động của ta rất thông cảm, có thể không phạt vào thời điểm này, nhưng các thanh tra độc lập của các đối tác nhập khẩu sẽ không lơ đi và doanh nghiệp sẽ ngay lập tức mất đơn hàng. Tôi biết, cả doanh nghiệp FDI vốn rất coi trọng các quy định cũng đã không tuân thủ được”, bà Hương phân tích.

Đây chính là mối lo lớn nhất mà ông Cung đang nhìn thấy. Khi doanh nghiệp phải đối mặt với quá nhiều rủi ro do các quy định pháp lý, họ sẽ không còn đủ an tâm để kinh doanh dài hạn. Nếu các doanh nghiệp FDI không an tâm, họ có thể dịch chuyển, nhưng với doanh nghiệp Việt Nam, cách ứng phó thường là lách luật.

“Doanh nghiệp kém cạnh tranh, thì nền kinh tế cũng không thể cải thiện năng lực cạnh tranh. Vào thời điểm này, những cơ chế, chính sách phải trả lời được câu hỏi, nền kinh tế sẽ nhận được lợi ích gì khi thay đổi. Đây là điều phải làm ngay”, ông Cung đề xuất.

Chúng tôi không thấy lợi ích nào hiện hữu

- Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

“Các chuyên gia kinh tế vẫn nói cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đang mở ra, nhưng chúng tôi không thấy lợi ích nào hiện hữu, đa phần phải vượt qua nhiều thách thức mới tiến đến được. Bản thân chúng tôi khi đưa ra các kiến nghị cũng thảo luận rất nhiều theo hướng, nếu doanh nghiệp không phát triển được, thì có tạo được việc làm, có thu nhập cho người lao động không. Nếu câu trả lời là không, thì doanh nghiệp không thể đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế được.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư