Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp bắt đầu ngấm đòn tỷ giá
Hà Tâm - 06/10/2022 08:16
 
Giá USD bán ra tại một số ngân hàng đã tăng gần 5% từ đầu năm khiến các doanh nghiệp bắt đầu ngấm đòn tỷ giá. Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát nhập khẩu ngày càng rõ rệt với nền kinh tế.
Về lý thuyết, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, song hầu hết doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực vì tỷ giá tăng. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Minh Hoàng

Xuất nhập khẩu méo mặt vì tỷ giá

Từ tuần qua, giá USD bán ra tại các ngân hàng đã vượt 24.000 VND/USD. Tỷ giá tại Vietcombank đã tăng gần 5% so với đầu năm. Về lý thuyết, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu. Song thực tế, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu nước ta đang chịu ảnh tiêu cực vì tỷ giá tăng.

Là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan (Vĩnh Phúc) thường phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Ông Vũ Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty cho hay, giá nguyên liệu trên thế giới và tỷ giá tăng khiến Công ty chịu tác động kép, chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ, trong khi giá sản phẩm không thể tăng tương ứng. 

Với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng vẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, tỷ giá tăng cũng gây nhiều áp lực. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho hay, tỷ giá tăng, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu không thể vui, bởi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể.

Chưa kể, lạm phát tăng nhanh khiến người dân các quốc gia nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, đơn hàng ngày càng ít, các nhà nhập khẩu liên tục “ép” giá. Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh hơn khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh. Đây là tình trạng chung với doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.

Kể cả với nhiều doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics, chi phí lãi vay (với các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài). Trong quý I/2022, rất nhiều doanh nghiệp ghi nhận chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá tăng vọt, lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong báo cáo tài chính quý II sắp được công bố.

Dù 9 tháng đầu năm, cả nước vẫn xuất siêu 6,52 tỷ USD, song dự kiến xuất siêu giảm dần trong quý cuối năm. Theo Bộ Công thương, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn, khó duy trì phong độ như 9 tháng đầu năm. Nguyên nhân là lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là tại những thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với Việt Nam.

Không thể ổn định tỷ giá nếu nới room tín dụng

Điều hành tỷ giá là vấn đề hóc búa nhất hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho hay, Ban Cán sự Đảng NHNN đã 2 lần họp về vấn đề này, bên cạnh xây dựng kịch bản cho tăng trưởng, phải chú ý cam kết của Việt Nam với Mỹ về thao túng tiền tệ.

Việc USD tăng giá sẽ dẫn tới nguy cơ dịch chuyển của dòng vốn đầu tư (dòng tiền sẽ rời khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam). Chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, khi dòng vốn dịch chuyển khỏi các thị trường mới nổi tạo sự bất ổn cho thị trường tài chính, trong đó có Việt Nam.

- Ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Hiện nay, mục tiêu quan trọng nhất của NHNN là kiểm soát lạm phát. Chốt chặn tỷ giá là phòng tuyến quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Nếu đồng tiền mất giá mạnh, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đây cũng là lý do NHNN cố giữ bằng được chốt chặn tỷ giá, kể cả chấp nhận tăng lãi suất và quyết không nới room tín dụng. Mặc dù tỷ giá từ đầu năm đến nay đã tăng khá mạnh, song Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có đồng nội tệ ít mất giá nhất.

Tại Hội nghị về tín dụng và truyền thông cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, vừa qua, NHNN chịu áp lực điều chỉnh room tín dụng rất lớn. Song cơ quan này đã kiên định mục tiêu room tín dụng và thực tế cho thấy, sự kiên định này là đúng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. 

Mặc dù vậy, áp lực tỷ giá giai đoạn cuối năm vẫn rất căng thẳng. Ông Nguyễn Đình Việt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc ổn định tỷ giá của NHNN đang đối mặt với nhiều sức ép. Cụ thể, huy động ngoại tệ qua đường kiều hối có thể thu hẹp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm chỉ đạt 57% so với cùng kỳ, áp lực doanh nghiệp FDI rút lợi nhuận về nước tăng, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) trên thị trường chứng khoán yếu đi…

“NHNN cần làm rõ các giải pháp giữ ổn định tỷ giá, quản lý thị trường ngoại hối trong năm 2023 và dư địa dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất để ổn định đồng tiền Việt Nam”, ông Việt kiến nghị.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc ổn định tỷ giá hết sức quan trọng vì không chỉ giúp ổn định vĩ mô, giữ được dòng tiền trong nước, mà còn hạn chế nhập khẩu lạm phát. Tất nhiên, muốn giữ ổn định tỷ giá, phải chấp nhận một mặt bằng lãi suất cao hơn và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đồng nghĩa với việc hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nền kinh tế không nên dựa quá lớn vào tín dụng. “Thị trường vốn 2-3 năm qua có sự tăng trưởng tích cực, nhưng còn quá nhỏ và dễ bị tác động. Tăng trưởng kinh tế mà thị trường vốn mỏng manh thì cũng là rủi ro”, ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến cáo.

Không thể cùng lúc ổn định lãi suất và tỷ giá
Nếu cố giữ mặt bằng lãi suất thấp, Việt Nam sẽ không thể kiểm soát được tỷ giá và lạm phát. Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư