Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp bắt đầu sốt ruột vì chờ được cấp phép Mobile Money
Mạnh Bôn - 20/10/2021 08:08
 
Doanh nghiệp viễn thông, tài chính, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sốt ruột vì hơn 10 tháng kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg vẫn chưa được cấp phép cho hoạt động Mobile Money.
Money rất thành công ở những nền kinh tế mà người dân có thu nhập dưới 3.000 USD
Mobile Money rất thành công ở những nền kinh tế mà người dân có thu nhập dưới 3.000 USD.

Doanh nghiệp sốt ruột

Để góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg, phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money).

Thời gian thí điểm dự kiến là 2 năm, kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.

Hơn 1/4 thời gian dự kiến thực hiện thí điểm đã trôi qua, đến nay, chưa doanh nghiệp nào được cung cấp dịch vụ Mobile Money khiến nhiều doanh nghiệp có ý định “nhảy vào” thị trường này sốt ruột.

Ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, năm 2020, trên thế giới có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai dịch vụ Mobile Money với 1,2 tỷ tài khoản, hàng ngày có hơn 2 tỷ USD được xử lý qua Mobile Money.

“Trong vòng 5 năm qua, tổng số tiền xử lý qua Mobile Money trên toàn cầu đã gấp 3 lần. Dịch vụ này đặc biệt phát triển tại các quốc gia đang phát triển với mức thu nhập dưới 3.000 USD mỗi năm”, ông Hy cho biết thêm.

Còn tại Việt Nam, hiện tại có 47 ngân hàng thương mại, 2 ngân hàng chính sách, 16 công ty tài chính, 10 công ty cho thuê tài chính, 4 tổ chức tín dụng vi mô, 43 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nhưng mới chỉ có khoảng 40%  người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng, khoảng 80% chi tiêu hàng ngày của người dân vẫn sử dụng tiền mặt”, ông Hy cho biết thêm để chứng minh, dịch vụ Mobile-Money có rất nhiều tiềm năng phát triển ở thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví Momo - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cung ứng thanh toán rất thành công hiện nay nhận định, Mobile Money sẽ mở ra cơ hội mới cho các công ty fintech. Tuy nhiên để triển khai Mobile Money thành công, cũng như kinh tế số, cần phải có hệ sinh thái, đó là việc Nhà nước phải tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng để cho hoạt động rất mới đối với Việt Nam này phát triển

“Trên thị trường, các công ty viễn thông đã có hệ sinh thái cơ bản phục vụ khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng khác, nhưng lại không có thể mạnh về thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ tài chính. Ngược lại, các công ty tài chính và cung ứng dịch vụ tài chính như  EVN Finance, Momo… có thế mạnh về cung ứng dịch vụ tài chính, thanh toán điện tử, thương mại điện tử nhưng lại không có thế mạnh về hạ tầng công nghệ thông tin.

Nếu cho phép thí điểm Mobile Money, các công ty viễn thông và tài chính-ngân hàng, dịch vụ thanh toán hợp tác với nhau sẽ tạo ra hệ sinh thái lớn hơn, từ đó vừa phát triển được Mobile Money, vừa giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt và tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có của các doanh nghiệp bưu chính và fintech”, ông Diệp phân tích.

Chuyên gia ủng hộ nhưng dè dặt

Ông Nguyễn Quang Thuấn, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng tỏ ra sốt ruột khi mà 6 tháng đã trôi qua nhưng chưa doanh nghiệp nào được thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money.

“Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của nhân loại, chúng ta không được phép đi chậm, đi sau chứ chưa nói gì là đứng ngoài cuộc chơi. Mobile Money là một trong những khía cạnh của kinh tế số nên chúng ta không thể đứng ngoài nhìn các nước đã thành công ra sao”, ông Thuấn phân tích.

Sự phát triển của công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người dân, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử… Việt Nam không hề “thua chị kém em”, thậm chí so với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam còn có phần vượt trội. Tuy nhiên, riêng việc triển khai dịch vụ Mobile Money, Việt Nam đã bị chậm chân so với rất nhiều nước có trình độ kinh tế tương đồng.

Chính vì vậy, theo ông Thuấn, Việt Nam “đi sau” cũng có lợi thế là tận dụng được công nghệ mới nhất. “Để tận dụng được lợi thế, chúng ta phải chỉ ra được rào cản, hạn chế, cản trở khi triển khai dịch vụ này. Vì vậy, sau một thời gian thí điểm phải bắt tay ngay vào xây dựng thể chế cho hoạt động này. Thể chế không chỉ là hệ thống quy phạm pháp luật, cho phép làm cái gì, giới hạn đến đâu, cấm cái gì mà còn quy định cả “cách chơi”, bảo đảm quyền và lợi ích của người chơi là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Mobile Money - Nhà nước - người sử dụng dịch vụ”, ông Thuấn góp ý.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ sự ủng hộ cần phải sớm thí điểm Mobile Money, nhưng ông vẫn rất băn khoăn.

Theo ông Kiên, Mobile Money tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng. Nhưng khách hàng cá nhân sử dụng Mobile Money phải cung cấp căn cước công dân trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng. Quy định này là bắt buộc nhằm tránh tình trạng lợi dụng vào công nghệ để lừa đảo. Vấn đề là vẫn còn vô vàn sim rác, nếu không dọn hết sim rác thì triển khai Mobile Money khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

Người dân ở đô thị, đặc biệt là lớp trẻ đã được các ngân hàng, công ty tài chính, công ty cung ứng dịch vụ thanh toán “phục vụ tận răng”, nên thị phần của Mobile Money chỉ để chuyển tiền, thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân; hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng nên theo ông Kiên, doanh nghiệp muốn tham gia phải tính toán hết sức thận trọng bài toán hiệu quả kinh tế.

“Việc triển khai thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc, nhưng doanh nghiệp phải ưu tiên triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nên hiệu quả kinh tế phải cân nhắc hết sức thận trọng vì số tiền đầu tư ban đầu không hề nhỏ”, ông Kiên nhấn mạnh.

Mobile Money đã rất thành công ở Trung Quốc và nhiều nước châu Phi, nhưng họ đã triển khai cách đây 8 năm, bây giờ công nghệ so với cách đây 8 năm có khoảng cách rất lớn. Hơn nữa, Mobile Money chỉ thành công ở những nền kinh tế mà người dân có thu nhập dưới 3.000 USD, thu nhập bình quân của Việt Nam hiện nay đã đạt trên 3.500 USD (theo đánh giá lại) nên triển khai bây giờ phải tính toán rất thận trọng, nếu không sẽ rất lãng phí. Ngoài ra, còn phải trả lời câu hỏi, tại sao, Mobile Money có hiệu quả như vậy mà tại châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… và những nền kinh tế phát triển khác lại không mặn mà”, ông Kiên đặt câu hỏi. 

Cấp phép thí điểm Mobile Money
Dự kiến, đầu tháng 10/2021, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp phép sau hơn 2 năm chờ đợi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư