Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cấp phép thí điểm Mobile Money
Tú Ân - 01/10/2021 08:19
 
Dự kiến, đầu tháng 10/2021, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp phép sau hơn 2 năm chờ đợi.
Dự kiến, đầu tháng 10/2021, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp phép.

“Ấn nút” Mobile Money

Tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về những giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10/2021, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp và hy vọng sẽ tạo thành cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số.

“Mobile Money là giải pháp tốt nhất để thanh toán điện tử phủ sóng toàn dân”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Trước đó, ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho triển khai thí điểm Mobile Money, thời gian là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai. Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money phải có chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định. Thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Từ đó đến nay, các đơn vị như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gấp rút triển khai thực hiện quy trình phối hợp, thẩm định đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Về phía doanh nghiệp, 3 doanh nghiệp đủ điều kiện (bao gồm Viettel, VNPT, MobiFone) đã hoàn thành hồ sơ, nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền, sau đó sửa chữa, hoàn thiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 7/2021.

Sandbox đầu tiên được cấp phép thí điểm

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Mobile Money là một công cụ có tính phổ cập để đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng, vốn là một trong những mục tiêu quan trọng của tài chính toàn diện.

Mobile Money tận dụng hạ tầng viễn thông sẵn có để tiết kiệm chi phí xã hội và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn diện, không sử dụng tiền mặt cho các đối tượng là người dân nghèo, người yếu thế ít có khả năng sử dụng các phương tiện tài chính hiện đại (như thẻ ngân hàng, ứng dụng mobile banking).

Ông Trần Duy Hải, Phó cục trưởng Cục Viễn thông đánh giá, mạng lưới viễn thông và điểm giao dịch trên toàn quốc đang là lợi thế lớn để các doanh nghiệp triển khai Mobile Money phủ nhanh, rộng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn như việc định danh và xác thực khách hàng, thay đổi thói quen người dùng, vấn đề bảo mật, chống rửa tiền…

Bên cạnh đó, các yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi doanh nghiệp thí điểm phải hoàn thiện như Hệ thống đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định của pháp luật hiện hành, Hệ thống lưu trữ lịch sử giao dịch Mobile Money phát sinh; Bản sao lưu các thông tin lưu trữ nhằm phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền…

Ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viettel Solutions cho biết, Viettel sẽ triển khai Mobile Money trên nền hệ sinh thái số Viettel Pay. Viettel Pay đã bảo đảm quy định liên quan đến bảo mật đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Viettel có công ty an ninh mạng bảo vệ người dùng khỏi những cuộc tấn công vào hệ thống hay ăn cắp tài khoản.

Còn ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone chia sẻ, để chuẩn bị thí điểm Mobile Money, MobiFone đã thành lập Trung tâm dịch vụ số MobiFone và chuẩn bị toàn bộ hạ tầng kỹ thuật bảo đảm triển khai Mobile Money một cách hiệu quả, thông suốt. Lợi thế lớn của MobiFone là đang sở hữu sẵn hàng chục ngàn điểm giao dịch trên khắp cả nước, giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển hệ thống điểm giao dịch mới, mở rộng dịch vụ Mobile Money.

“Chúng tôi đã sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán, có thể dễ dàng cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán trên hạ tầng điện tử, Mobile Money”, ông Nam cho hay.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc VNPT Media thông tin, VNPT đã chuẩn bị từ rất sớm để cung cấp dịch vụ tới người dân. Đây là lĩnh vực mới nên trong giai đoạn đầu phát triển thị trường, các nhà cung cấp sẽ phải có những ưu đãi, biện pháp để thu hút khách hàng, do đó sẽ không thể thu phí được từ các dịch vụ nhỏ. Rất có thể các nhà mạng sẽ phải bù lỗ cho dịch vụ này trong giai đoạn đầu khi phải bỏ chi phí truyền thông, marketing, trả phí cho các điểm chấp nhận thanh toán (merchant)…

“Mobile Money là dịch vụ mới, khó và nhạy cảm, nhưng cũng sẽ là hình mẫu có thể áp dụng cho nhiều dịch vụ mới sẽ được Chính phủ cho phép thí điểm sau này”, ông Hải nói.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam đánh giá rất cao Mobile Money khi cho rằng đây sẽ là sandbox đầu tiên của Chính phủ để tạo đột phá và động lực mạnh mẽ cho các công nghệ mới, dịch vụ mới được đưa ra cho xã hội.                           

Nhà mạng sẵn sàng triển khai Mobile Money
Viettel, VNPT, MobiFone đã sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân lực, tài chính… để tiến hành thí điểm Mobile Money.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư