Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp biến hóa "sức khoẻ" nhờ cách tính khấu hao
Kỳ Thành - 03/03/2021 14:37
 
Hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng đã khiến một số doanh nghiệp thay đổi phương pháp tính khấu hao, giúp bức tranh tài chính bớt đi gam màu u tối.

Bức tranh tài chính “bừng sáng”

Báo cáo tài chính quý IV/2020 của Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP, sàn UPCoM) cho thấy, Công ty đạt doanh thu thuần 1.870 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng nhờ giá vốn giảm sâu (giảm 61,8% so với cùng kỳ), lợi nhuận gộp đạt 1.027 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các chi phí và trích nộp thuế, lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của Nhiệt điện Quảng Ninh đạt gần 805 tỷ đồng.

Nhờ phần lợi nhuận quý IV/2020 “gánh lỗ” cho 3 quý trước đó, mà tính chung cả năm 2020, Nhiệt điện Quảng Ninh ghi nhận lãi sau thuế 765 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với mục tiêu đề ra.

Giải trình về chi phí giá vốn giảm mạnh, làm lợi nhuận gộp tăng cao, Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết, lý do chính là Công ty đã thay đổi thời gian khấu hao tài sản cố định, làm cho phí khấu hao giảm.

Đáng chú ý là, quyết định thay đổi cách tính khấu hao tài sản cố định chỉ được HĐQT của Nhiệt điện Quảng Ninh phê duyệt vào ngày 28/12/2020 - ngay sát thời điểm “chốt sổ” để lập báo cáo tài chính. Theo đó, Công ty thay đổi cách trích khấu hao tài sản cố định lò hơi, tua-bin thuộc Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2 từ 10 năm lên 15 năm và thời gian trích khấu hao bắt đầu tính từ ngày 1/1/2020.

Tại báo cáo tài chính năm 2020 được kiểm toán công bố cuối tuần qua, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán Vaco cho biết, việc thay đổi khung khấu hao này đã làm cho chi phí hoạt động của Nhiệt điện Quảng Ninh giảm khoảng 740,6 tỷ đồng, tương ứng với phần giá trị lợi nhuận tăng lên so với việc áp dụng khung khấu hao như các năm trước.

Doanh nghiệp nào thực sự được lợi?

Một trường hợp khác cũng đáng chú ý là Công ty cổ phần BOT Cầu Thái Hà (mã BOT, sàn UPCoM). Thành lập năm 2014 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT, Công ty mới bắt đầu ghi nhận doanh thu từ đầu năm 2019, khi dự án này đi vào vận hành. Mặc dù lỗ triền miên, song cổ phiếu BOT lại có thị giá rất ổn định quanh ngưỡng 50.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu.

Năm 2020, BOT Cầu Thái Hà ghi nhận doanh thu thuần 25,7 tỷ đồng, giá vốn 11,6 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận gộp 14 tỷ đồng. Do chi phí lãi vay quá lớn, lên tới 106 tỷ đồng, chi phí quản lý hơn 2 tỷ đồng, nên tính chung cả năm 2020, BOT Cầu Thái Hà lỗ 94,4 tỷ đồng. Con số này là rất đáng “khả quan” so với năm 2019, khi doanh nghiệp lỗ 169 tỷ đồng.

Kết quả khả quan do BOT Cầu Thái Hà đã áp dụng phương pháp tính khấu hao tài sản theo lưu lượng xe thực tế qua trạm, thay cho phương pháp cố định theo đường thẳng dùng trước đó. Việc thay đổi phương pháp tính khấu hao cũng được Công ty áp dụng từ báo cáo tài chính quý II/2020 trở đi.

Không chỉ riêng 2 doanh nghiệp trên, mà ngay cả “ông lớn” là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) cũng áp dụng phương pháp này trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19.

Báo cáo tài chính của Vietnam Airlines cho thấy, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh cả năm là 11.605 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 29/12/2020, lãnh đạo Vietnam Airlines ước tính, số lỗ năm vừa qua khoảng 14.445 tỷ đồng, cao hơn 2.840 tỷ đồng so với số chính thức vừa công bố trong báo cáo tài chính.

Khoản “vênh” này là do Vietnam Airlines đã được Chính phủ cho phép thay đổi cách tính khấu hao máy bay và phân bổ chi phí bảo dưỡng máy bay, động cơ theo số giờ khai thác thực tế, thay vì theo phương pháp đường thẳng như các năm trước, giúp Tổng công ty giảm bớt chi phí.

Theo Chuẩn mực kế toán số 03, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong 3 phương pháp khấu hao tài sản cố định hữu hình, gồm: phương pháp khấu hao đường thẳng, phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần và phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm.

Để phù hợp với tình hình kinh doanh, doanh nghiệp có thể điều chỉnh phương pháp khấu hao và thời gian khấu hao hiện có.

Với việc kéo dài thời gian khấu hao, phương pháp khấu hao, doanh nghiệp sẽ giảm chi phí khấu hao, từ đó tăng lợi nhuận hoặc giảm lỗ, giúp cổ đông và các chủ nợ “yên lòng”.

Tuy nhiên, hành động này dường như chỉ có lợi khi các doanh nghiệp vẫn lỗ sau điều chỉnh. Bởi với trường hợp như của Nhiệt điện Quảng Ninh, việc ghi nhận lãi đột biến sẽ khiến khoản thuế mà doanh nghiệp phải đóng tăng lên, trong khi dòng tiền thực tế không thay đổi. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, thì sẽ bị mất thêm một dòng tiền ra cho cổ đông.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: Chuyện đằng sau các khoản khấu hao ngàn tỷ đồng
Đại gia số 1 ngành hảng hải là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VMIC, mã MVN) vừa báo lỗ quý III/2020 - quý đầu tiên sau cổ phần hóa.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư