Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp bức bối với dự án BOT giao thông được “trợ lực” của quyền lực
Ngô Nguyên - 28/05/2021 17:14
 
Trạm thu phí BOT trên đường chuyên dùng khu vực mỏ đá Tân Cang (TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) bắt đầu thu phí từ ngày 15/5/2021 đến cuối năm 2022 để hoàn vốn đầu tư dự án.

Mới đây, khi tỉnh Đồng Nai cho phép thu phí BOT đường chuyên dùng khu vực mỏ đá Tân Cang (TP. Biên Hòa), nhiều tài xế chở vật liệu qua trạm thu phí đã phản ứng bằng các “chiêu” như trả tiền lẻ, trả thiếu tiền..., gây ách tắc giao thông. Không chỉ vì mức phí, căn nguyên sâu xa của những hành động này liên quan đến sự ưu ái của cơ quan công quyền cho công ty “sân sau”.

Tài xế trả tiền lẻ để phản ứng trạm BOT Dự án Đường chuyên dùng khu vực mỏ đá Tân Cang, kiến giao thông ùn tắc
Tài xế trả tiền lẻ để phản ứng trạm BOT Dự án Đường chuyên dùng khu vực mỏ đá Tân Cang, kiến giao thông ùn tắc

Phản ứng về mức phí qua trạm

Sự việc vừa diễn ra ngày 25/5 và dự báo chưa dừng lại, là việc hàng loạt tài xế xe ben chở vật liệu đi qua Trạm thu phí BOT trên đường chuyên dùng khu vực mỏ đá Tân Cang (TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) dùng nhiều tờ tiền mệnh giá 200 đồng, 1.000 đồng để trả tiền vé qua trạm (vé mỗi lượt xe qua trạm là 95.000 đồng) và trả thiếu tiền, làm kéo dài thời gian thu vé, gây tắc nghẽn khu vực trạm thu phí.

Một số tài xế phản ứng cho rằng, tại Quốc lộ 51, giá vé tháng qua trạm thu phí đối với xe 18 tấn trở lên chỉ 2,4 triệu đồng/xe, trong khi trạm BOT đường chuyên dụng này thu đến 2,85 triệu đồng/tháng/xe đối với vé tháng và 95.000 đồng/lượt đối với vé mua theo lượt, là quá cao.

DonaCoop từng kiện Công ty Cường Hưng (do ông Đỗ Tịnh, chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh làm đại diện pháp luật) ra tòa, bởi năm 2010, hai bên ký hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Khu dân cư thương mại - dịch vụ xã Phước Tân. Đến tháng 8/2012, DonaCoop đã chuyển cho Công ty Cường Hưng hơn 261,6 tỷ đồng, nhưng không được bàn giao đất theo cam kết.
 

Tháng 6/2020, Tòa sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP. Biên Hòa tuyên Công ty Cường Hưng phải trả cho DonaCoop 421 tỷ đồng. Tháng 11/2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm và tuyên “hủy” toàn bộ bản án sơ thẩm, vì cho rằng tòa sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, bỏ sót một số người tham gia tố tụng, do đó quyết định trả hồ sơ vụ án để tòa án cấp sơ thẩm xem xét giải quyết lại.

Trao đổi với báo chí, đại diện quản lý Trạm thu phí BOT trên đường chuyên dùng khu vực mỏ đá Tân Cang cho hay, đã ghi lại hình ảnh các xe ben cố tình gây khó khăn cho trạm và cản trở lưu thông làm bằng chứng báo cáo lên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để tìm hướng xử lý. Theo ghi nhận, có khoảng 300 chiếc xe ben của Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai (DonaCoop), chiếm khoảng 40% tổng số xe lưu thông qua trạm BOT này.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 1480/QĐ-UBND cho phép Công ty cổ phần Đầu tư BOT An Thuận Phát - chủ đầu tư tuyến đường chuyên dùng khu vực mỏ đá Tân Cang - được tổ chức thu phí tại trạm từ ngày 15/5/2021 đến cuối năm 2022 để hoàn vốn đầu tư dự án. Trước đó, dự án này hoàn thiện năm 2017 và theo kế hoạch đã duyệt sẽ thu phí 12 năm 4 tháng 28 ngày. Tuy nhiên, việc thu bị ngưng 4 năm bởi những sai phạm liên quan, tới thời điểm này mới thu phí trở lại.

Tuyến đường có chiều dài hơn 7 km, đấu nối các mỏ đá ở khu vực Tân Cang ra Quốc lộ 51, kết cấu bê-tông cốt thép, cho phép xe lưu thông với vận tốc tối đa 60 km/giờ, theo tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng.

Không có “lửa” sao có “khói”?

Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, Dự án Đường chuyên dùng khu vực mỏ đá Tân Cang hình thành xuất phát từ bức xúc của người dân trước việc mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe chở đá từ các mỏ đá đi trên đường dân sinh Đinh Quang Ân, các xe này thường phóng nhanh, gây nguy hiểm và ô nhiễm. Bức xúc tới mức, có thời điểm, người dân ấp Tân Cang dựng vật cản không cho xe tải từ khu mỏ đá vào đường Đinh Quang Ân.

Theo đơn tố cáo gửi tới Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng nhiều cơ quan trong tỉnh (vào năm 2017) của 5 doanh nghiệp khai thác trong mỏ đá Tân Cang (DonaCoop; Công ty cổ phần Đầu tư, Xây dựng và Vật liệu Tân Cang 5; Công ty cổ phần Công trình giao thông 610; Công ty cổ phần Tân Cang; Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vật liệu xây dựng BMT), các doanh nghiệp đã thống nhất đề xuất chính quyền địa phương cùng các sở, ngành tỉnh Đồng Nai cho phép cùng đóng góp kinh phí để lập dự án xây dựng đường chuyên dùng tách biệt với đường giao thông dân sinh, không gây ảnh hưởng đến môi trường và an toàn giao thông của người dân.

Năm 2008, đề nghị trên được chấp thuận và UBND huyện Long Thành được giao chủ trì đầu tư với hình thức: mỗi mỏ của doanh nghiệp đang khai thác sẽ đóng góp kinh phí để đầu tư cũng như phí duy tu bảo dưỡng tuyến đường này khi đưa vào khai thác.

Các doanh nghiệp đã đóng góp 300 triệu đồng/mỏ từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009 để khảo sát, xác định hướng tuyến, thiết kế để sau đó góp vốn bồi thường, đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng thi công.

Năm 2010, Chính phủ đồng ý mở rộng địa giới hành chính TP. Biên Hòa, dẫn tới các mỏ đá ở xã Phước Tân và xã Tam Phước không còn thuộc huyện Long Thành, mà thuộc TP. Biên Hòa.

Tiền đã đóng, hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã xong chỉ còn chờ thi công, nhưng các doanh nghiệp khai thác đá ở cụm mỏ Tân Cang “té ngửa” khi phát hiện, năm 2013, thực hiện chỉ đạo tại Văn bản số 2520/UBND-KT, ngày 4/4/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai, UBND TP. Biên Hòa giao Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Biên Hòa tiến hành các bước bồi thường giải phóng mặt bằng để giao cho Hợp tác xã An Phát đầu tư xây dựng tuyến đường này, theo hình thức BOT.

Tháng 12/2014, HĐND tỉnh Đồng Nai có Nghị quyết số 142/2014/NQ-HĐND thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh, thông qua vị trí trạm thu phí và mức thu phí.

Tháng 9/2015, UBND tỉnh Đồng Nai cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Hợp tác xã An Phát (ông Đỗ Tịnh là Chủ tịch HĐQT) làm chủ đầu tư dự án tuyến đường chuyên dùng nêu trên theo hình thức BOT với vốn đầu tư trên 130 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, Hợp tác xã An Phát lập ra Công ty cổ phần Đầu tư BOT An Thuận Phát với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông: Hợp tác xã An Phát (30%), Cường Thuận IDICO (30%), Công ty cổ phần Đầu tư Đồng Thuận (30%) và ông Đỗ Tịnh (10%).

Đáng nói, khi giao Hợp tác xã An Phát làm chủ đầu tư, chính quyền địa phương không lấy ý kiến của các doanh nghiệp khai thác đá đã nộp tiền để thiết kế tuyến đường, chỉ chờ xây dựng.

Các doanh nghiệp khai thác đá cho rằng, với mức vốn đầu tư dự án và mức thu phí đã duyệt, họ sẽ chịu thiệt hại lớn trong khi bên được ưu ái làm chủ đầu tư “siêu lợi”, không đảm bảo công bằng, minh bạch môi trường kinh doanh.

Cụ thể, từ trữ lượng đã được cấp phép khai thác, chế biến đá xây dựng hàng năm ở cụm mỏ Tân Cang, các doanh nghiệp khai thác tính ra lượng xe lưu thông trên tuyến đường chuyên dùng này lên đến hơn 2,189 triệu lượt xe/năm, chưa kể lượng xe phục vụ hoạt động bốc đất tầng phủ và đá phong hóa. Dụ kiến, doanh thu thu phí năm đầu sẽ đạt hơn 175 tỷ đồng.

Trong khi đó, chủ đầu tư tuyến đường chuyên dụng này đã được HĐND tỉnh Đồng Nai cho phép thu phí hoàn vốn trong thời gian 12 năm 4 tháng 28 ngày.

Với giá phí dự kiến 120.000 đồng/chuyến, tổng phí thu được là 720 triệu đồng/ngày; hơn 262 tỷ đồng/năm và khoảng 3.269 tỷ đồng trong tổng thời gian thu phí. So sánh với giấy chứng nhận đầu tư dự án được tỉnh Đồng Nai duyệt cho chủ đầu tư dự án tuyến BOT chuyên dụng chỉ ở mức hơn 130 tỷ đồng, thì doanh nghiệp này có thể thu lợi hơn 3.000 tỷ đồng.

Vì vậy, các doanh nghiệp khai thác đá đồng loạt kiến nghị tỉnh Đồng Nai cho kiểm tra lại giá trị thực tế của tuyến đường chuyên dùng cũng như cách thức thu phí, thời hạn thu phí nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Và những “trợ lực” của quyền lực

Phản ứng mới nhất (việc dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm BOT) và phản ứng trước đó (tố cáo của 5 doanh nghiệp khai thác mỏ đá Tân Cang vào năm 2017) còn do những bức xúc trước sự ưu ái của cơ quan công quyền cho doanh nghiệp “người nhà”.

Cụ thể, ông Đỗ Tịnh, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã An Phát (chủ đầu tư Dự án) là chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đã bị xử lý kỷ luật).

Cần xác định, đây dự án BOT, được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho đơn vị tư nhân là Hợp tác xã An Phát làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2013, bà Thanh (khi còn giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) đã ký văn bản gửi sở, ngành liên quan cùng UBND TP. Biên Hòa chấp thuận việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh và yêu cầu các cơ quan này cân đối vốn để chi trả toàn bộ phần tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án, sau khi thống nhất việc tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dụng thành dự án độc lập và giao UBND TP. Biên Hòa làm chủ đầu tư.

Về hành vi này, tại Kỳ họp thứ 15 (từ ngày 27 đến ngày 30/6/2017), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, bà Thanh “ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát, nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư”.

Ngày 4/5/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng kết luận: “Với cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh (từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2014), đồng chí đã ký nhiều văn bản của UBND tỉnh, nhưng không xem xét nội dung tham mưu của sở, ngành chuyên môn, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục đầu tư dự án… Đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh ký một số quyết định của UBND tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực đồng chí phụ trách, trong đó có dự án không thuộc lĩnh vực được phân công trực tiếp phụ trách, báo cáo sai sự thật về khối lượng, tiến độ đã thực hiện của dự án, nhằm mục đích trục lợi cho doanh nghiệp của gia đình mình…”.

Từ đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Trở lại với những phản ứng của doanh nghiệp vận tải tại Trạm thu phí BOT dự án đường chuyên dụng mỏ đá Tân Cang, có thể thấy, hậu quả của việc ưu ái quyền lực chưa dừng lại, dù đã xử lý cá nhân, tổ chức sai phạm.

Kiến nghị giảm 56,4 năm thu phí hoàn vốn 7 dự án BOT giao thông
Gửi báo cáo đến Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã kiến nghị xử lý 925 tỷ đồng của các dự án BOT và 5.228 tỷ đồng của các dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư