Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin về tình hình thông quan tại Lạng Sơn
Thế Hải - 20/12/2021 14:28
 
Lượng xe hàng hóa ùn ứ tại 3 cửa khẩu của Lạng Sơn vẫn trên 4.000 xe, các doanh nghiệp được khuyến cáo cập nhật thông tin, tránh đưa hàng hóa lên biên giới, gây thêm ùn tắc.
doanh nghiệp được khuyến cáo hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu, việc chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Doanh nghiệp được khuyến cáo hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu, chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

"Các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật thông tin, diễn biến tình hình thực tế tại các cửa khẩu, tránh việc tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu khi nhiều xe hàng còn chưa được thông quan, đặc biệt là thời điểm giáp Tết 2022", là khuyến cáo mới nhất của Bộ Công thương trước tình trạng hơn 4.000 xe hàng hóa bị ùn ứ tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma và Tân Thanh (Lạng Sơn).

Ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm phòng chống dịch Covid-19, trong khi nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc đang vào chính vụ thu hoạch nên đã phát sinh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hoá, phương tiện cục bộ tại các cửa khẩu biên giới.

Trong thời gian tới, các hiệp hội ngành hàng, địa phương và doanh nghiệp phải lưu ý khi có những thông tin về lịch nghỉ Tết của phía Trung Quốc để có sự chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới cho phù hợp với năng lực thông quan tại khu vực cửa khẩu cũng như thời gian nghỉ cửa khẩu trong dịp Tết của Trung Quốc.

Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Lạng Sơn gửi về Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành phản ánh trong khi nông sản xuất khẩu Trung Quốc dồn ứ tại cửa khẩu chưa được thông quan thì lượng xe từ các tỉnh nội địa lên Lạng Sơn vẫn gia tăng, đang tạo ra áp lực rất lớn về bến, bãi và khả năng thông quan của địa phương này.

Đến nay vẫn còn 4.000 xe nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh và Hữu Nghị. Trong khi đó, năng lực thông quan của các cửa khẩu chỉ đạt 300 - 400 xe/ngày, sẽ mất tới 10 - 15 ngày mới thông quan hết hàng tồn, nếu hàng hóa không tiếp tục đưa lên cửa khẩu.

Về nguyên nhân khiến nông sản bị dồn ứ đã kéo dài trong những ngày qua, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, do phía Trung Quốc tiếp tục dừng nhập khẩu một số hàng nông sản tại một số cửa khẩu ở các tỉnh biên giới khác khiến hàng hóa tập trung nhiều về địa bàn Lạng Sơn.

Đáng lưu ý, UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, các cơ quan chức năng phía Trung Quốc thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu đối với hàng hóa bảo quản lạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2022, cụ thể là tạm dừng nhập khẩu trước tết 14 ngày và sau tết 14 ngày để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết. Doanh nghiệp cần nắm thông tin để điều tiết lượng xe hàng hóa xuất khẩu.

Trước tình trạng hàng nghìn xe hàng hóa, chủ yếu là nông sản ùn ứ tại Lạng Sơn, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 9249/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bộ Công thương tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hóa, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề phát sinh tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa để có giải pháp xử lý phù hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất nông sản về các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu; tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho vụ sản xuất tiếp theo, tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối, điều tiết hàng đưa lên cửa khẩu biên giới hợp lý, hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư