Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp cần hỗ trợ nóng
Bảo Duy - 19/10/2021 10:06
 
Chỉ mong có được các giải pháp hỗ trợ quyết liệt để doanh nghiệp không chỉ mở cửa, mà chạy bù các công việc dồn tích suốt 3 tháng qua, chuẩn bị cho kế hoạch cuối năm và năm tới.

Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã chia sẻ như vậy trước thềm Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, khai mạc vào giữa tuần này.

Các doanh nghiệp mong có được các giải pháp hỗ trợ quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

Đỉnh “bão Covid-19” đã qua, dù giông gió vẫn còn. Các doanh nghiệp lớn, nhỏ đang bắt tay thu dọn hiện trường. Sẽ có rất nhiều việc phải làm, nhưng có 2 bài toán căn cơ mà doanh nghiệp đang cần hỗ trợ mong sớm có câu trả lời.

Một là, làm sao tiếp cận được vốn rẻ để có tiền trả lương, mua nguyên vật liệu cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Có thể có chương trình tín dụng đặc biệt, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, các lĩnh vực chịu tác động lớn nhất như vận tải, hàng không, du lịch? Có thể miễn hẳn các khoản thuế, phí đang hoãn nộp để hỗ trợ thanh khoản doanh nghiệp hay không?

Hai là, làm thế nào để các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư thực hiện thông suốt và nhanh nhất?

Theo đó, có thể cắt giảm những thủ tục hành chính, giấy phép, điều kiện kinh doanh nào?…

Có những câu hỏi đã được Chính phủ trả lời, nhưng nhiều vấn đề còn thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Trên thực tế, bài toán này đã được doanh nghiệp đặt ra ngay từ năm ngoái, khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 4/2020.

Song, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, khi các doanh nghiệp đã kiệt sức, khi người dân, người lao động, các khu vực, các động lực tăng trưởng, trung tâm kinh tế lớn của cả nước bị bào mòn… thì sẽ khó khăn hơn nếu muốn sớm đưa ra lời giải.

Trong trạng thái bình thường mới, trong thế vừa làm, vừa rút kinh nghiệm… dường như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã không theo kịp tốc độ gia tăng của những khó khăn, thách thức, cho dù giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay khá dày đặc.

Có thể kể đến các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho một số ngành; quyết định giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đến hết năm 2021; đưa các khoản hỗ trợ chống dịch vào thu nhập chịu thuế; hỗ trợ tiền điện, nước… và các giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, sử dụng lao động gặp khó khăn.

Tuy nhiên, kết quả từ các giải pháp hỗ trợ mà người dân, doanh nghiệp cảm nhận được thực sự chưa tương xứng với những tác động tiêu cực ngoài sức tưởng tượng do đại dịch Covid-19 gây ra. Gói hỗ trợ tiền mặt đang được tính toán là khoảng 35.800 tỷ đồng, nhưng mới thực hiện được khoảng 36,5%, trong đó, mới thực hiện được khoảng 1,66% cho nhóm hộ kinh doanh.

Gói hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương cho công nhân cũng chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Đó là chưa kể các giải pháp tạm dừng, kéo dài thời gian đóng các khoản phải thu của doanh nghiệp dường như còn ngắn, cần phải tiếp tục gia hạn.

Nguyên nhân thấy rõ là các gói hỗ trợ không chỉ nhỏ, phân tán, mà cách thức thực hiện chủ yếu dựa vào hồ sơ, thủ tục hành chính, nên khi doanh nghiệp gặp khó khăn, bị giãn cách xã hội, thì việc tuân thủ càng khó. Đặc biệt, tâm lý sợ bị trục lợi chính sách dẫn đến việc áp dụng chính sách một cách thận trọng, thiếu sự linh hoạt cần thiết càng cản trở hiệu quả của các gói hỗ trợ.

Tất nhiên, để giúp doanh nghiệp có thể hồi phục, thực hiện tái cơ cấu nhanh nhất, phù hợp với đòi hỏi mới của nền kinh tế, thì cần thêm nhiều giải pháp, đặc biệt là các chính sách kích thích và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính sách kích cầu, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, chuỗi sản phẩm và ngành công nghiệp ưu tiên quốc gia... Nhưng tỷ lệ doanh nghiệp đang cần trợ giúp để tồn tại trước khi tính đến khả năng phục hồi hiện rất lớn, ở diện rộng.

Chính vì vậy, cần vượt qua tư duy, thủ tục truyền thống trong quan điểm, cách thức trợ giúp và cả quy trình giám sát, đánh giá doanh nghiệp, thì các gói hỗ trợ mới thực sự đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng mong mỏi của doanh nghiệp...

Xem xét nâng mệnh giá bảo hiểm y tế trong gói hỗ trợ tổng thể sắp tới
Chủ tịch Quốc hội gợi ý, có thể nâng mệnh giá bảo hiểm y tế cho phù hợp với mức chi trả của dân và điều kiện của ngân sách.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư