Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xem xét nâng mệnh giá bảo hiểm y tế trong gói hỗ trợ tổng thể sắp tới
An Nguyên - 11/10/2021 14:43
 
Chủ tịch Quốc hội gợi ý, có thể nâng mệnh giá bảo hiểm y tế cho phù hợp với mức chi trả của dân và điều kiện của ngân sách.
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Cho biết cuối tuần này sẽ trực tiếp làm việc với các Bộ, cơ quan liên quan của Quốc hội để xem xét thiết kế gói chính sách tổng thể  hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội gợi ý có thể nâng mệnh giá bảo hiểm y tế cho phù hợp với mức chi trả của dân và điều kiện của ngân sách.

Sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và 2 năm 2019-2020, việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Trình bày nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 87,96 triệu người, vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao (có ít nhất 80% dân số tham gia BHYT), đạt 100,2% kế hoạch.

Ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT trên 51 triệu người, chiếm 58% số đối tượng. Tổng số chi NSNN đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT, Bộ trưởng cho biết.

Năm 2020, tổng thu BHYT là 110.395 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 390 tỷ đồng so với năm 2019, trong đó tiền đóng BHYT ước thực hiện là 108.485 tỷ đồng tăng 301 tỷ đồng so với năm 2019.

Tổng chi cho công tác khám chữa bệnh BHYT năm 2020 là 99.730 tỷ đồng. Số dư quỹ lũy kế dự kiến là 32.991 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung trên, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng mức đóng BHYT của nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi đó, nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT và mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng.

Cơ quan thẩm tra cũng nêu hạn chế trong nhiệm vụ chuyển chi NSNN trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân thông qua BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Việc này, theo cơ quan thẩm tra đã được khẳng định là hướng đi đúng đắn, đảm bảo tính công bằng giữa các cơ sở y tế và là giải pháp hữu hiệu để minh bạch hóa việc sử dụng nguồn NSNN. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế tự chủ tại các cơ sở khám chữa bệnh đã góp phần giảm chi NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, khoảng 36% kinh phí chi sự nghiệp y tế để đóng hoặc hỗ trợ người dân tham gia BHYT trong năm 2019-2020. 

Tuy nhiên, mục tiêu này chưa được hoàn thành đúng hạn theo yêu cầu. Nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách hoặc từ nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT để hỗ trợ thêm cho các đối tượng được NSNN hỗ trợ đóng một phần BHYT, Chủ nhiệm Uỷ  ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cho rằng, chính sách này còn tạo hiệu ứng ngược tại các bệnh viện thực hiện tự chủ bệnh viện do giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh chưa tính đủ chi phí thực tế trong khi NSNN không cấp bù các khoản chi phí chưa tính đủ cho cơ sở khám chữa bệnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19, số người đi khám chữa bệnh giảm mạnh làm cho nhiều cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là cơ sở tuyến huyện, cơ sở y tế đi chi viện cho công tác chống dịch thu không đủ để chi lương cho cán bộ, viên chức.

Nhấn mạnh bảo hiểm y tế là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự kiến sẽ đưa nội dung này ra thảo luận tại Quốc hội ở kỳ họp thứ hai tới đây, thay vì chỉ gửi báo cáo để đại biểu tự nghiên cứu như trước.

Bày tỏ cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng số người tham gia BHYT đạt 100,2% thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà nước với công tác này. Tuy nhiên, nhóm người tham gia BHYT theo hộ gia đình đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia còn thấp, nếu tới đây không có giải pháp căn cơ sẽ khó khăn hơn.

Một vấn đề theo Chủ tịch Quốc hội cần được quan tâm là mệnh giá của bảo hiểm y tế còn rất khiêm tốn, cần xem xét nâng mệnh giá bảo hiểm y tế cho phù hợp với mức chi trả của dân và ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý việc này có thể tính toán trong gói hỗ trợ tổng thể mà cuối tuần này ông sẽ trực tiếp làm việc với các Bộ, cơ quan liên quan của Quốc hội để xem xét thiết kế trên cơ sở linh hoạt chính sách tài khoá và tiền tệ, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

[Infographic] Đã chi trả hỗ trợ hơn 15.800 tỷ đồng cho gần 19 triệu đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
Tính đến ngày 8/10/2021, gần 19 triệu đối tượng đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với tổng kinh phí hơn 15.800 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư