Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Mở rộng hỗ trợ miễn, giảm thuế để vực dậy doanh nghiệp
Mạnh Bôn - 10/10/2021 08:11
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) kỳ vọng, việc mở rộng mức độ hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ miễn, giảm thuế góp phần vực dậy DN.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế).

Cơ quan thuế đang thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Thưa bà, đến thời điểm này, Nghị định đang được triển khai như thế nào?

Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về cơ bản là tiếp tục triển khai Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng - GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp - TNDN, thuế thu nhập cá nhân - TNCN) và tiền thuê đất được triển khai rất hiệu quả trong năm 2020, đã góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong năm 2020, nhưng đối tượng hỗ trợ, mức độ hỗ trợ, quy mô hỗ trợ rộng hơn Nghị định số 41.

Qua 5 tháng triển khai (tính đến ngày 19/9/2021), cơ quan thuế đã nhận được 138.870 đơn đề nghị gia hạn (trong đó có 119.400 doanh nghiệp, tổ chức) và đã thực hiện gia hạn 76.375 tỷ đồng tiền thuế, 2.370 tỷ đồng tiền thuê đất.

Cùng với việc miễn, giảm trên 30 loại phí, lệ phí, chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất đã hỗ trợ phần nào, giảm bớt áp lực tài chính, giúp doanh nghiệp có nguồn quay vòng vốn, có tiền để thanh toán các khoản thiết yếu phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 với quy mô của gói hỗ trợ ước tính khoảng 21.300 tỷ đồng và đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định hướng dẫn để khi cấp có thẩm quyền ban hành là thực thi ngay, áp dụng sớm ngày nào, doanh nghiệp bớt khó khăn ngày đó.

Chính sách giảm thuế nói trên có điểm gì mới so với quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, thưa bà?

Trước khó khăn của doanh nghiệp, năm 2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 116/2020/QH14. Theo đó, giảm 30% thuế TNDN cho doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

So với quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14, thì chính sách mới mở rộng hơn về mức độ hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ. Cụ thể, ngoài việc giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với người nộp thuế có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng, còn miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế có nợ thuế; giảm thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất - kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn; giảm thuế GTGT từ ngày 1/9/2021 đến hết ngày 31/12/2021 cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hy vọng, những chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ này sẽ góp phần vực dậy doanh nghiệp ngay trong trong quý IV năm nay, khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.

Quy mô của gói hỗ trợ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, như bà đề cập ở trên, ước tính khoảng 21.300 tỷ đồng, song thời gian thực hiện quá ngắn, liệu chính sách có đến được với người nộp thuế, thưa bà?

Ngành thuế đã triển khai các gói hỗ trợ từ năm 2020 đến nay, nên đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện hỗ trợ. Vì vậy, khi Chính phủ thông qua Nghị định là có thể triển khai ngay, không cần phải có thêm thông tư hướng dẫn.

Dự thảo Nghị định cũng thiết kế theo hướng đơn giản nhất, giảm tối đa thủ tục hành chính và trao quyền tự tính, tự khai, tự nộp cho doanh nghiệp. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh rằng, qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nếu cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giảm hoặc hoặc số thuế phải nộp của kỳ tính thuế lớn hơn số đã kê khai, thì ngoài nộp đủ số thuế còn thiếu, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế còn thiếu so với số phải nộp sau khi đã được giảm.

Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ đề nghị giảm thuế đều được thực hiện trên môi trường không gian mạng, nên doanh nghiệp không mất nhiều thời gian, công sức để được hưởng chính sách giảm thuế. Thực tế triển khai giảm thuế năm 2020, việc giảm thuế diễn ra khá thuận lợi, không phát sinh vướng mắc.

Đó là đối với doanh nghiệp, còn với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhiều người chưa thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các thủ tục miễn thuế…

Trong 6 tháng cuối năm, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động trong mọi địa bàn, ngành nghề, lĩnh vực (trừ cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số) phát sinh bất cứ loại thuế nào đều được miễn loại thuế đó, ngoài thuế TNCN, thuế GTGT, còn được miễn cả thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường. Miễn thuế cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh vô điều kiện là điều chưa có trong tiền lệ.

Do phần lớn đối tượng này không nắm bắt và hiểu biết kịp thời về các chính sách hỗ trợ, nên thay vì để họ tự tính, tự khai như doanh nghiệp, thì cơ quan thuế sẽ hỗ trợ tối đa.

Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng được miễn thuế sẽ tự động được miễn, mà không cần phải thực hiện bất cứ thủ tục gì.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Gói hỗ trợ lãi suất vẫn đang nghiên cứu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư về chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư