Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng: Cần cơ chế cho vay “vượt rào”
Hà Tâm - 30/09/2021 08:16
 
Một gói tín dụng hỗ trợ nền kinh tế quy mô 100.000 tỷ đồng có thể được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 tới.

Khó nhất trong việc triển khai gói tín dụng này là lựa chọn đối tượng ưu tiên cùng với cơ chế cho vay “vượt rào”. 

Hầu hết doanh nghiệp đang rất khó khăn, doanh thu sụt giảm, khó đáp ứng điều kiện vay vốn. Ảnh: Đ.T

Không có cơ chế đặc biệt, ngân hàng không thể giải ngân 

Tại  cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải sớm nghiên cứu, trình Quốc hội gói tín dụng hỗ trợ lãi suất trong kỳ họp tháng 10 tới. Sự gay gắt của Chủ tịch Quốc hội được đặt trong bối cảnh doanh nghiệp suy kiệt, thiếu dòng tiền nghiêm trọng do giãn cách xã hội kéo dài.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, ngân sách nhà nước dự định chi 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, tương đương gói tín dụng 100.000 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ lãi suất khoảng 3%/năm). Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, nếu không ban hành cơ chế cho vay đặc biệt, các ngân hàng không thể giải ngân.

“Chúng ta đưa ra nguồn tiền lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, song việc cho vay lại quá quyền hạn của ngành ngân hàng. Hiện nay, tất cả doanh nghiệp đều khó khăn, doanh thu sụt giảm, kinh doanh thua lỗ, trong khi ngân hàng vẫn phải cho vay đúng chuẩn theo quy định pháp luật, không thể tự ý hạ chuẩn cho vay. Để cho vay những doanh nghiệp khó khăn, cần phải có cơ chế của Chính phủ, Quốc hội cho phép ngân hàng giải ngân”, ông Hùng nói.

Được biết, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp chỉ được vay vốn nếu không có nợ xấu, phải có doanh thu, lợi nhuận và tài sản đảm bảo. Nếu ngân hàng tự ý hạ chuẩn và doanh nghiệp không trả được nợ, cán bộ tín dụng có thể bị xử lý hình sự.

Thời gian qua, dù thua lỗ, nợ xấu, không có doanh thu, Vietnam Airlines vẫn được các ngân hàng thương mại cho vay hơn 4.000 tỷ đồng nhờ Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng cho Vietnam Airlines. Trong khi đó, do chưa có cơ chế, các doanh nghiệp hàng không còn lại vẫn nằm im chờ giải cứu.

Ủng hộ áp dụng linh hoạt chính sách tài khóa lẫn tiền tệ, ban hành gói tín dụng hỗ trợ để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, song đại diện NHNN thừa nhận, gói tín dụng ưu đãi này sẽ không thể giải ngân nếu không có cơ chế đặc biệt.

“Hiện nay, các ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp trên cơ sở hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu áp dụng theo đúng tiêu chuẩn, thì chẳng doanh nghiệp nào tiếp cận được. Nếu không ban hành kèm theo cơ chế đặc biệt, thì gói tín dụng ưu đãi này không có tính thực tiễn”, TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho hay.

Không thể hỗ trợ kiểu “rải thóc”

Quy mô gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đang gây nhiều ý kiến tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, gói tín dụng này quá nhỏ bé so với tổng quy mô tín dụng toàn nền kinh tế (10 triệu tỷ đồng). Cũng có ý kiến cho rằng, quy mô gói tín dụng này phù hợp với khả năng của ngân sách. Điều quan trọng nhất khi thực hiện gói hỗ trợ tín dụng này là phải lựa chọn được trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn được các đối tượng ưu tiên, không nên hỗ trợ cào bằng kiểu “rải thóc”.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cần ưu tiên gói hỗ trợ tín dụng này cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời hạn hỗ trợ lãi suất chỉ trong vòng một năm và chỉ áp dụng với một số ngành, lĩnh vực.

“Với gói tín dụng hỗ trợ này, ngân sách chỉ cần chi khoảng 2.000 tỷ đồng, nhưng sẽ hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua cú sốc về dòng tiền, thanh khoản… Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai chính sách này. Hơn thế, lần này, những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 đã khá rõ ràng, từ doanh nghiệp lẫn địa bàn. Do vậy, gói tín dụng này có đối tượng trọng tâm, trọng điểm, chứ không thực hiện cào bằng, đại trà như gói hỗ trợ lãi suất năm 2009”, TS. Lực nói.   

Mặc dù nhiều ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kiến nghị, gói hỗ trợ tín dụng này cần phải tính đến giải pháp khoanh nợ cho các doanh nghiệp, song theo giới chuyên gia, giải pháp này rất khó khả thi, vì bản chất khoanh nợ là nếu doanh nghiệp không trả được nợ sau khi hết thời hạn được “khoanh”, thì ngân sách sẽ phải bù.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế gợi ý, gói hỗ trợ tín dụng này nên tập trung cho một số ngành kinh tế trụ cột, có sức bật tốt sau dịch như xuất nhập khẩu, nông sản, du lịch…

Theo tính toán của NHNN, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, tổng số lợi nhuận mà các ngân hàng thương mại đã chia sẻ lãi suất với doanh nghiệp hiện nay là trên 26.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng vẫn đang tiếp tục giảm lãi suất, nên con số trên còn lớn hơn trong thực tế.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp cho hay, ngoại trừ các ngân hàng thương mại nhà nước, khối ngân hàng tư nhân còn giảm lãi suất nhỏ giọt. Chính vì vậy, việc có thêm gói hỗ trợ tín dụng là rất cần thiết.

Được biết, gói hỗ trợ tín dụng vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tính toán trên cơ sở đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. “Tới đây, ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình nếu chúng ta triển khai gói hỗ trợ này”, TS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Việc ban hành gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp là rất cần thiết, trên cơ sở rút bài học sâu sắc từ triển khai gói hỗ trợ tín dụng năm 2009. Nguồn tiền thì phải đi vay thôi. Trên thế giới, ngân sách các quốc gia đều chỉ đủ để chi thường xuyên, nên để thực hiện các gói hỗ trợ người dân hàng ngàn tỷ USD, các quốc gia đều phải đi vay.

Muốn triển khai gói hỗ trợ tín dụng này, điều đáng lo nhất chính là làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận. Theo Luật Các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 hiện nay đều không thể vay gói hỗ trợ. Vì vậy, để gói tín dụng này đi vào cuộc sống, cần phải ban hành cơ chế đặc biệt cho gói cứu trợ, có thể kéo dài trong một thời gian nhất định.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
Phó Thống đốc: Sẽ có gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp hàng không
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp hàng không chiều 28/9, lãnh đạo NHNN cho biết, các bộ, ngành đang xúc tiến để đề xuất gói tín dụng ưu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư