Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Doanh nghiệp có thể tiết kiệm khoảng 67 triệu USD nhờ cải cách hải quan
Nguyễn Ngân - 08/12/2022 07:51
 
Việc thực hiện nghị định về kiểm tra chuyên ngành sẽ giúp giảm 54% các biện pháp can thiệp tại cửa khẩu, từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 67 triệu USD mỗi năm.

Nhận định này được ông Bradley Bessire - Phó Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đưa ra tại Hội nghị “Cải cách hải quan và triển vọng thương mại Việt Nam” do Bộ Tài chính và USAID phối hợp tổ chức ngày 7/12 tại TP.HCM.

Cụ thể, theo ông Bradley, USAID đã và đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan Hải quan Việt Nam để thực hiện những cải cách quan trọng đối với thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại, giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành (KTCN).

Trong đó, nổi bật như USAID đã hỗ trợ Tổng cục Hải quan ban hành Thông tư 81/2019/TT-BTC về Quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan và xây dựng Nghị định KTCN. Những cải cách về pháp lý và thể chế này sẽ mở ra một mô hình kiểm tra mới mà sẽ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong mô hình này, cơ quan hải quan sẽ đóng vai trò là đầu mối thực hiện KTCN, tuân theo chế độ dựa trên hàng hóa và các nguyên tắc quản lý rủi ro.

Phó Giám đốc USAID ước tính việc thực hiện Nghị định KTCN sẽ giảm 54% các biện pháp can thiệp tại cửa khẩu, từ đó giúp tiết kiệm cho các doanh nghiệp khoảng 67 triệu USD mỗi năm thông qua việc cắt giảm khoảng 2,5 triệu ngày công và các chi phí nhập khẩu liên quan.

Đại diện phía hải quan Việt Nam, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, hải quan Việt Nam ngày càng cải cách, đổi mới, áp dụng các hình thức quản lý mới với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Các đại biểu tại Hội nghị “Cải cách hải quan và triển vọng thương mại Việt Nam”. Ảnh: Đạt Trần.
Các đại biểu tại Hội nghị “Cải cách hải quan và triển vọng thương mại Việt Nam”. Ảnh: Đạt Trần.

Việt Nam cũng đang trên đà thực hiện các cam kết trong hiệp định TFA của WTO trước thời hạn, dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ vào cuối năm 2024. Tính đến đầu năm 2020, số lượng hàng hóa thuộc diện KTCN đã giảm 12.600 (15%).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết với những cải cách quan trọng trong thủ tục hải quan, các năm gần đây, dù bối cảnh kinh tế thế giới có nhiểu biến động khó lường, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 545,32 tỷ USD, tăng 5,4% với năm 2019, lượng tờ khai được cơ quan Hải quan xử lý, thông quan là 13.7 triệu tờ khai.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,8%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Số lượng tờ khai hải quan được xử lý là 14,6 triệu tờ khai trong cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu.

Năm 2022, tính đến ngày 15/11/2022, số liệu thống kê sơ bộ về kim ngạch xuất nhập khẩu là 664,7 tỷ USD, trong đó xuất siêu là 8,66 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, việc cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy hiệu quả và sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi…, chính là “đòn bẩy” tạo thuận lợi cho doanh nghiệp góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút làn sóng đầu tư trước những biến động lớn trong chuỗi cung ứng và sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư