Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
TP. HCM
Doanh nghiệp EU tìm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực môi trường
Hồng Sơn - 19/07/2016 19:37
 
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực trong 2 năm tới là cơ hội để các doanh nghiệp châu Âu đến tìm cơ hội để hợp tác đầu tư. Đây cũng chính là lý do để 30 doanh nghiệp của châu Âu hoạt động trong ngành nước và môi trường đến TP.HCM cuối tuần qua.

Ông Siemon Smid, Giám đốc Chương trình EU Business Avenues cho biết, chương trình này được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) nhằm hỗ trợ các công ty nhỏ và vừa với các công nghệ tiêu biểu tại châu Âu thiết lập các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp tại châu Á, trong đó có Việt Nam.

“Các công ty EU đang tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Nam trước khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Đây chỉ là chuyến đi đầu tiên và chúng tôi dự định sẽ tổ chức nhiều buổi kết nối cho các công ty của Việt Nam và EU, nhất là trong lĩnh vực năng lượng xanh và sức khỏe”, ông Siemon Smid cho biết.

.
30 doanh nghiệp của châu Âu vừa đến khảo sát môi trường đầu tư tại TP.HCM liên quan đến ngành nước và môi trường cuối tuần qua

Trong khi đó, với TP.HCM, ngoài các dự án chống ngập, Thành phố quan tâm kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và xử lý ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM, hiện nay, lượng nước thải đô thị được xử lý  đạt khoảng 10%; mục tiêu đến năm 2020 Thành phố nâng tỷ lệ nước thải đô thị qua xử lý lên 60 - 70%, năm 2025 đạt 100%. TP.HCM đã lên danh sách 12 dự án xử lý nước thải để kêu gọi đầu tư trong những năm tới và đã có không ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Các doanh nghiệp châu Âu trong ngành nước và môi trường đến tìm cơ hội hợp tác đầu tư tại TP.HCM, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đều bày tỏ sự kỳ vọng sẽ sớm triển khai các dự án. Ông John McConmy, Giám đốc thương mại của Công ty Oxymem Smarter Aeration cho biết, Việt Nam là nước thứ 2 kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với châu Âu sau Singapore, nên sẽ thuận lợi để các nhà đầu tư đến hợp tác đầu tư. Việt Nam ngày càng trở thành địa điểm hấp dẫn đầu tư trong khu vực Đông Nam Á, nên doanh nghiệp muốn tới sớm để tìm hiểu thêm về môi trường đầu tư, cũng như tìm kiếm các đối tác chiến lược để có thể hợp tác lâu dài.

Trong khi đó, ông Gellert Horvath, Trưởng văn phòng đại diện của Công ty Budapest Waterworks cho biết, Công ty đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào năm ngoái. Đây là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị cho các nhà máy cấp nước và xử lý nước thải.

“Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là ngành nước đang bùng nổ với nhiều cơ hội”, ông Gellert Horvath nói và cho rằng, Việt Nam có môi trường đầu tư an toàn và đến năm 2018, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp châu Âu tới đầu tư tại Việt Nam. Budapest Waterworks đang bàn bạc, đàm phán với một số doanh nghiệp của Việt Nam và hy vọng có thể thành lập liên doanh vào năm tới để triển khai các dự án tại TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa.

Tuy nhiên, cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác, dù rất quan tâm đến các dự án ngành nước và môi trường, nhưng “rào cản” vẫn là còn nhiều cơ chế, chính sách bất cập. Đơn cử, với các dự án trong lĩnh vực xử lý nước thải, vẫn còn một số vấn đề như: đầu tư theo hình thức đối tác công - tư vẫn còn thiếu cơ chế bảo lãnh thanh toán cho nhà đầu tư; khó khăn trong tìm quỹ đất sạch xây nhà máy; đơn giá dịch vụ xử lý nước thải mà người sử dụng phải trả chưa được ban hành thống nhất; khó khăn trong phương thức thu phí dịch vụ xử lý nước thải... Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, TP.HCM cần sớm có quy định về đơn giá dịch vụ xử lý nước thải, phân định rõ phương thức thu phí hoàn vốn cho dự án xử lý nước thải.

Hà Nội xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp
UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo sở, ngành liên quan xây dựng đề án Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư