Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp gia đình - tự thân hay "kết hôn" ngoại tộc?
Thanh Huyền - 26/08/2017 08:11
 
Mua bán, sáp nhập (M&A) với đối tác nước ngoài có thể giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị và khả năng quản lý, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị thâu tóm. Công ty gia đình cần làm gì trước cơ hội này?
TIN LIÊN QUAN

Đầu năm 2015, Aeon và Fivimart đã “kết hôn” bằng thỏa thuận Aeon sở hữu 30% cổ phần của Fivimart. Sau đó, một loạt siêu thị trong chuỗi Fivimart được đổi tên thành Aeon - Fivimart. Điểm dễ nhận thấy là các siêu thị này được trưng bày, quản lý khoa học hơn. Đặc biệt, khi Aeon Mall Long Biên đi vào hoạt động, Aeon - Fivimart được “chen chân” với một siêu thị 1.000 m2 ngay tầng 1.

Tuy nhiên, không phải mọi cuộc hợp tác với đối tác nước ngoài cũng đều suôn sẻ. Đã có nhiều doanh nghiệp Việt đánh mất thương hiệu vào tay đối tác hay buộc phải lặng lẽ rút lui khỏi thị trường như kem đánh răng Dạ Lan, Tribeco… Đó cũng là lý do khiến một doanh nghiệp gia đình kinh doanh đa ngành vô cùng phân vân trước bài toán nên hay không nên bắt tay với đối tác ngoại.

Bà Đinh Thị Mai Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trang Minh là người chơi ở vị trí CEO.
Bà Đinh Thị Mai Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trang Minh là người chơi ở vị trí CEO.

Dù doanh nghiệp này đang gặt hái thành công, nhưng CEO nhận thấy, với quy mô các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng mở rộng, doanh nghiệp dường như không đủ năng lực để quản trị, điều hành bài bản và chuyên nghiệp. Nếu không có biện pháp khắc phục sớm, điều này có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Sau quá trình nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ một số mô hình, CEO đề xuất chia sẻ một số lĩnh vực và mảng kinh doanh cho các đối tác chiến lược để bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Các đối tác này chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài, không chỉ tham gia hỗ trợ về tài chính, mà còn chia sẻ các phương pháp quản trị, quản lý hiện đại, cùng kinh nghiệm quốc tế trong cùng lĩnh vực. Điều kiện của họ là  được tham gia điều hành hoặc chi phối các hoạt động kinh doanh mà họ chia sẻ kinh nghiệm.

Ý tưởng của CEO đã không nhận được sự đồng tình của các cổ đông. Họ cho rằng, nếu để các đối tác nước ngoài tham gia điều hành hoặc chi phối các hoạt động kinh doanh thì sẽ dẫn đến nguy cơ bị thâu tóm, công ty có thể bị mất kiểm soát đối với mảng kinh doanh chia sẻ với đối tác, thậm chí những mảng kinh doanh khác cũng bị ảnh hưởng. Do đó, nên tập trung vào tìm đối tác tài chính thuần túy, hoặc tự đầu tư hoàn thiện quản lý và thuê thêm tư vấn hỗ trợ để bảo đảm giữ vững mô hình doanh nghiệp gia đình.

Để bảo vệ quan điểm của mình, CEO cho rằng, nếu chỉ tìm kiếm các đối tác tài chính, thì doanh nghiệp chỉ giải quyết được vấn đề tiền bạc, trong khi vướng mắc thực sự hiện nay là cải tiến điều hành và quản lý theo hướng chuyên nghiệp. “Việc ôm đồm tất cả các lĩnh vực trong khi mình thiếu năng lực điều hành dễ tạo rủi ro cho cả gia đình”, CEO nói.

Xuất hiện trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Đối tác hay tự thân”, bà Đinh Thị Mai Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trang Minh sẽ là người chơi ngồi ở vị trí CEO để xử lý tình huống trên. Bà Mai Anh cũng là vị CEO xuất hiện trong chuyên mục Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Novaland, PwC Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam (VEFC).

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (27/8) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (28/8) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư