Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam cùng hướng đến phát triển thủy sản bền vững
Huy Tự - 07/09/2022 15:14
 
Sáng 7/9, Diễn đàn Giao thương Phát triển Thủy sản bền vững Doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam 2022 đã diễn ra tại TP. Cần Thơ.

Diễn đàn do phái đoàn ngoại giao Hà Lan tại Việt Nam tổ chức, với sự phối hợp với các đối tác chiến lược trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức nhằm tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Hà Lan để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam.

Diễn đàn cũng tạo cơ hội để các bên liên quan cùng thảo luận về những thách thức ở ĐBSCL, trong đó các doanh nghiệp lớn của Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát triển kinh doanh nuôi trồng thủy sản bền vững. Hà Lan tin tưởng Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành nhà cung cấp thủy sản bền vững trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức về an ninh lương thực khi dân số ngày càng gia tăng. Hà Lan cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam phát triển thủy sản bền vững dưới những góc độ như đổi mới bền vững, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và phương pháp tiếp cận toàn diện. Trong khuôn khổ sự kiện này, các thành viên phái đoàn liên bộ của Hà Lan sẽ gặp gỡ các đối tác Việt Nam tại ĐBSCL.

Đại biểu chia sẻ các mô hình hiệu quả về phát triển thủy sản bền vững tại Diễn đàn

EU là một trong năm thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ hai tại châu Á cho EU. Trong những năm gần đây, Hà Lan là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU.

Năm 2021, khối lượng xuất khẩu của tất cả các mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam sang các nước EU đều tăng trưởng khả quan. Ước tính các quốc gia EU có nhu cầu nhập khẩu thủy sản hàng năm lên tới 50 tỷ USD và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang đến cho Việt Nam những cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Việc thực thi EVFTA đã góp phần làm cho các mã thuế cao trong khoảng 6-22% được giảm xuống 0% trong số khoảng 220 mã thuế. Các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ dần về 0% sau 3-7 năm (Theo số liệu năm 2020 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP).

Là hai quốc gia có mối quan hệ lâu dài và đáng tin cậy, Hà Lan và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực “Nước và Thích ứng với Biến đổi Khí hậu” và “Nông nghiệp và An ninh Lương thực”. Các chuyên gia của Hà Lan đã thực hiện tư vấn kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam để xây dựng Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam năm 2022. Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam.

Đồng thời, Hà Lan cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong EU và lớn thứ sáu trên toàn cầu. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 8,373 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2020. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại bền vững và bao trùm giữa Việt Nam và EU. Năm 2023, Việt Nam và Hà Lan sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn 400 năm quan hệ nhân dân hai nước.

Theo VASEP, hiện con tôm và cá tra là 2 mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam và vùng ĐBSCL, hết nửa đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam ước đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021, tạo ra cơ hội việc làm thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng của người tiêu dùng trong và ngoài nước, cải thiện sinh kế cho người dân trong vùng và phát triển thương hiệu xuất khẩu thủy sản của vùng, góp phần tăng nguồn lực phát triển kinh tê- xã hội cho các địa phương,

Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản trong vùng ĐBSCL hiện nay đang phải đối mặt thách thức lớn về nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước và tác động của biến đổi khi hậu… Do vậy để phát triển ngành thủy sản bền vững cho ĐBSCL cần giải quyết bài toán xử lý môi trường theo hướng bền vững.

Diễn đàn giao thương phát triển thủy sản bền vững Hà Lan - Việt Nam xoay quanh mục tiêu: Làm thế nào các công nghệ và chuyên môn của của Hà Lan có thể góp phần giúp ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và vùng ĐBSCL đạt được các tiềm năng và cơ hội để trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản bền vững trong bối cảnh dân số thê giới ngày càng tăng và sản xuất đang ngày càng gặp nhiều thách thức về biến đổi khí hậu.

Theo bà Willemien Van Asselt - Giám đốc Chiến lược quốc tế Liên minh ngành hàng ưu tiên trong lĩnh vực nông sản thực phẩm Hà Lan khuyến nghị, để nông dân và doanh nghiệp ngành thủy sản thu nhập ổn định, hướng đến phát triển ngành thủy sản bền vững, đó là nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khi hậu, đi liền với đó là cần hỗ trợ và không ngừng áp dụng, cải thiện và sáng tạo hơn nữa về công nghệ trong nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Lãnh sự Hà Lan Daniël Stork đã nêu bật mối quan hệ hợp tác lâu dài và chặt chẽ giữa Việt Nam và Hà Lan, đặc biệt là trong chiến lược tiếp cận tổng hợp liên ngành nước - nông nghiệp - hậu cần nông nghiệp, cũng như phát triển chuỗi giá trị bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long. “Cùng nhau, chúng ta sẽ hợp tác để đưa ra những giải pháp bền vững nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam trên thị trường toàn cầu, đồng thời quan tâm tới người dân và bảo vệ thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long”. 

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, sự kiện Kết nối Giao thương cho Doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan sẽ diễn ra từ 13h00 - 17h00 cùng ngày. Sự kiện kết nối các bên liên quan trong ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và Hà Lan nhằm thảo luận về triển vọng và thách thức đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tìm hiểu các cơ hội hợp tác kinh doanh tiềm năng trong lĩnh vực này.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng hơn 13% sau 8 tháng năm 2022
Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2021. 7 nhóm hàng đạt giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư