Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
Doanh nghiệp, hộ sản xuất mong được vay mới để phục hồi sau bão
Hà Tâm - 19/09/2024 09:35
 
Ngoài giãn, hoãn nợ, mong mỏi lớn nhất của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh hiện nay là được tiếp cận vốn mới để phục hồi, có nguồn để trả nợ ngân hàng. Đây là yêu cầu rất cấp bách, nhất là khi hầu hết tài sản đảm bảo không còn do mưa bão.
Agribank cho biết, sẽ tích cực cho vay mới để giúp khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng cho vay mới để “nuôi nợ”

Khi bão Yagi qua đi, ngoài áp lực nợ nần, nỗi lo lớn nhất của các hộ gia đình, doanh nghiệp hiện nay là làm sao có thể tiếp cận vốn vay mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bà Ngô Thị Thùy (khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An, Quảng Yên, Quảng Ninh) cho hay, gia đình bà và các hộ xung quanh bị thiệt hại 10-30 tỷ đồng/hộ vì mưa bão, khi toàn bộ các bè cá bị cuốn trôi. Ngoài kỳ vọng ngân hàng cho phép giãn nợ, điều bà Thúy mong mỏi nhất hiện nay là ngân hàng cho vay mới để khôi phục sản xuất, vực dậy sau bão, từ đó có tiền trả nợ ngân hàng.

Hiện rất nhiều ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay 0,5-2%/năm với các khoản vay hiện hữu, song theo phản ánh của người dân, điều mà họ quan tâm nhất không phải là lãi suất, mà là làm sao để ngân hàng an tâm tiếp tục cho vay khi khoản vay cũ chưa trả được và hầu hết tài sản thế chấp không còn.

Về vấn đề này, ông Lê Trung Thành, Phó tổng giám đốc BIDV cho hay, BIDV đang nghiên cứu ban hành gói tín dụng với mức lãi suất và quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão. Tương tự, Agribank cũng cho biết, ngoài cơ cấu nợ, giảm lãi suất, sẽ tích cực cho vay mới để giúp khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh… 

Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sau bão Yagi, nhiều khách hàng, doanh nghiệp đã mất trắng tài sản, không có nguồn nào bù đắp trong thời gian trước mắt, không có khả năng trả nợ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại có biện pháp hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, người dân và hộ vay vốn.

Phó thống đốc Đào Minh Tú đặc biệt nhấn mạnh giải pháp khoanh nợ, giãn hoãn nợ, giảm lãi vay và đặc biệt là cho vay mới. “Cần mạnh dạn cho vay mới để các doanh nghiệp, người dân và hộ gia đình có vốn mới quay vòng, còn các khoản nợ cũ sẽ được xem xét giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế cũng như theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Phó thống đốc đề nghị.

Theo các chuyên gia kinh tế, giảm lãi vay hay giãn nợ là các giải pháp vô cùng thiết thực với người vay. Song trong bối cảnh nhiều khách hàng gần như trắng tay, thì kéo dài gia hạn nợ cũng không thể giúp doanh nghiệp trả nợ. Giải pháp cần kíp nhất hiện tại là cho doanh nghiệp, hộ gia đình được vay mới để phục hồi sản xuất, nói cách khác là “nuôi nợ để trả nợ”.

Thiệt hại nặng nề của bão Yagi cho thấy, người vay - nhất là vay vốn sản xuất nông nghiệp - nên mua bảo hiểm khoản vay. Trong cơ bão Yagi vừa qua, nhiều khách hàng thiệt hại tiền tỷ do bão lũ, nhưng vẫn bảo toàn được tài chính nhờ tất cả thiệt hại đã được bảo hiểm chi trả.

Khoanh nợ không đơn giản

Bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ, rất nhiều khách hàng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn kỳ vọng sẽ được ngân hàng khoanh nợ. Thực tế, quy định về vấn đề này đã có (Nghị định 55/2015/NĐ-CP, được bổ sung bởi Nghị định 116/2018/NĐ-CP), nhưng quy trình, thủ tục khoanh nợ khá phức tạp, thậm chí phải trình Thủ tướng Chính phủ.

Khách hàng phải thay đổi quan điểm đối với bảo hiểm.

- Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank

Sau bão lũ, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Do vậy, ngoài nguồn lực của các ngân hàng thương mại, rất cần có chính sách đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ban, ngành như cho phép khoanh nợ, giảm thuế, giãn thuế; hoặc hỗ trợ phí bảo hiểm…, để khách hàng vượt qua khó khăn, sớm hồi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Qua cơn bão vừa qua, mới thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo hiểm đối với người dân, doanh nghiệp như thế nào. Tôi cho rằng, thời gian tới, khách hàng phải thay đổi quan điểm đối với vấn đề bảo hiểm. Việc mua bảo hiểm sẽ giảm gánh nặng tài chính nhiều cho người mua không may gặp rủi ro.

Hồ sơ xin khoanh nợ phải có văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng của UBND cấp tỉnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh; giấy đề nghị khoanh nợ do khách hàng lập; biên bản xác định khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay; báo cáo thẩm định của chi nhánh tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân về mức độ thiệt hại, khả năng trả nợ của khách hàng…

Hồ sơ khoanh nợ do NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thủ tục khoanh nợ phức tạp, kéo dài, ngân sách có hạn, các ngân hàng e ngại thực hiện vì sợ xảy ra trục lợi chính sách…, nên khả năng được khoanh nợ với người vay khá thấp.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng khả dĩ nhất hiện nay, theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - vẫn là cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ. 

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, Ngân hàng có thực hiện thủ tục khoanh nợ cho khách hàng, song không thể tự quyết định vấn đề này, mà phải trình Thủ tướng Chính phủ. Agribank có hơn 12.000 khách hàng với dư nợ khoảng 21.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Đối với khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank đang áp dụng quy định cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, nay là Nghị định 116/2018/NĐ-CP.

“Đồng thời, Agribank hướng dẫn với khách hàng cũng như những địa phương bị ảnh hưởng thiên tai trên diện rộng xác định thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để khoanh nợ cho khách hàng. Song chính sách này phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định”, bà Bình cho biết.

Do việc khoanh nợ không nằm trong tầm tay, nhiều ngân hàng đang tập trung giãn hoãn nợ, cơ cấu nợ cho khách hàng. Theo quy định hiện hành, việc giãn nợ chỉ áp dụng cho các khoản vay giải ngân trước ngày 24/4/2023 và kéo dài đến ngày 31/12/2024. Nhiều ngân hàng kiến nghị NHNN sớm sửa quy định này, kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến hết năm 2025 để hỗ trợ khách hàng.

Trong cuộc họp về khắc phục hậu quả bão Yagi cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN và ngành ngân hàng nghiên cứu cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Quảng Ngãi yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án khắc phục hậu quả thiên tai
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư lập tức chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Khắc phục hậu quả thiên tai,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư