Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp khẩn thiết đề nghị TP.HCM lùi thu phí cảng biển
Việt Dũng - 12/03/2022 10:03
 
Theo kế hoạch từ ngày 1/4, TP.HCM sẽ triển khai thu phí hạ tầng cảng biển theo Nghị quyết của HĐND. Tuy nhiên, một số hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp khẩn thiết đề nghị lùi thời gian, điều chỉnh mức thu.
Nếu thu phí cảng biển, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn 	ảnh: lê toàn
Nếu thu phí cảng biển, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn. Ảnh: Lê Toàn

Doanh nghiệp than khó

Cuối năm 2020, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố, thời gian triển khai thu phí từ ngày 1/7/2021.

Theo đó, đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng với container 40 feet và 2,2 triệu đồng với container 20 feet...

Do ảnh hưởng của Covid-19, nên HĐND TP.HCM lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến ngày 1/4/2022.

Ngày 1/3/2022, 7 hiệp hội gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản… đã gửi công văn kiến nghị tới UBND TP.HCM đề nghị chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên cho đến hết 31/12/2022. Điều chỉnh các mức thu giảm xuống theo hướng công bằng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp…

Theo phản hồi của các hiệp hội và lãnh đạo doanh nghiệp, thời điểm áp dụng thu phí như trên là chưa phù hợp. Cụ thể, từ ngày 11/6/2021 đến cuối tháng 9/2021, đa số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19. Từ tháng 10 đến tháng 12/2021, hầu hết doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động cầm chừng được 30-70% công suất do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy...

Đầu năm 2022, các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất thì lại gánh thêm nhiều chi phí như cước vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng... Do vậy, việc thu phí hạ tầng cảng biển vào thời điểm này là chưa phù hợp, tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

“Hiện nay, các doanh nghiệp đã cố gắng cắt giảm nhiều chi phí cũng như thương lượng với khách hàng để điều chỉnh phí, giá cho phù hợp. Nhưng vì hợp đồng đã ký từ trước nên muốn điều chỉnh giá không phải dễ. Do vậy, để có giá cạnh tranh trong thời điểm này, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, đặc biệt xem xét tính toán lại mức phí và lùi thời gian áp dụng thu phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn Thành phố dự định áp vào đầu tháng 4 tới”, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM chia sẻ.

Ông Dương Khuê, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú cũng cho rằng, việc thu phí hạ tầng cảng biển sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao, giảm tính cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu.

“Mỗi tháng, chúng tôi xuất khoảng 150 container và nhập nguyên liệu với số lượng tương đương. Nếu thu phí hạ tầng như trên, doanh nghiệp sẽ tốn thêm hàng tỷ đồng chi phí”, ông Khuê nói.

Khi chi phí doanh nghiệp tăng sẽ khiến lợi nhuận bị ăn mòn, đời sống của người lao động cũng bị giảm sút. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp đang phải gồng mình trước các tác động kép từ giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất, chống dịch tăng cao.

Liệu có phí chồng phí?

Việc TP.HCM quyết định triển khai thu phí hạ tầng cảng biển kể từ ngày 1/4/2022 được xem là một chủ trương phù hợp để sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, qua đó nâng cao được hiệu quả hoạt động của các cảng biển trên địa bàn. Tuy nhiên, để chủ trương này đạt hiệu quả, được sự đồng thuận từ doanh nghiệp thì các đơn vị liên quan cần cân nhắc hơn nữa về thời điểm thu cũng như yếu tố pháp lý liên quan.

Ngoài việc đề nghị lùi thời gian thu phí, một số chuyên gia trong ngành và lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng có tình trạng phí chồng phí.

Theo ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Vận tải Lâm Vinh (quận 7, TP.HCM), việc đóng thêm phí hạ tầng cảng biển đang khiến doanh nghiệp phải chịu phí chồng phí, bởi hiện nay, doanh nghiệp vận tải ngoài các khoản phí phải đóng theo quy định của Nhà nước, thì còn phải đóng phí bảo trì đường bộ, phí BOT…

Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, việc lấy lý do thu phí để hoàn thiện hạ tầng cảng biển khó có thể chấp nhận. “Từ góc nhìn của doanh nghiệp, anh muốn bán một sản phẩm thì trước tiên anh phải có sản phẩm đã, chứ không phải đi gom tiền của đối tác để sản xuất ra sản phẩm rồi bán lại cho đối tác đó. Tương tự, muốn thu phí thì hạ tầng phải hoàn thiện đã, chứ không thể nói thu để lấy tiền hoàn thiện hạ tầng”, ông Vinh nói.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng tỏ ra khá lo lắng vì hiện tại các chi phí logistics đã khá cồng kềnh, nay lại thêm khoản phí này nữa thì sẽ thêm áp lực cho các doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp thương mại có liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa là đối tượng chịu tác động trực tiếp, trong khi các doanh nghiệp logistics chỉ chịu tác động gián tiếp từ chủ trương thu phí này.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nhiều năm nay, chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Giờ cộng thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19.

“Tiền thuế phí xuất nhập khẩu doanh nghiệp cũng đã đóng, nên việc thu phí hạ tầng cảng biển đang khiến doanh nghiệp bị phí chồng nhiều lần phí. Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM nên đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu Bộ Tài Chính trích phần đóng góp thuế, phí về hạ tầng của doanh nghiệp trước đó để sửa chữa, xây dựng hạ tầng mới, hoặc có thể huy động nguồn tiền từ nhiều hoạt động khác”, ông Hiển khuyến nghị.

Giảm phí cảng biển, BOT: Không té nước theo... dịch
Không phải ngẫu nhiên, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) lại cương quyết từ chối việc giảm giá xếp dỡ container tại các cảng biển theo đề xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư