Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Doanh nghiệp khởi nghiệp đóng thuế thu nhập ưu đãi ở mức 15% hoặc 17%
Phương Dung (Dân trí) - 21/06/2016 10:04
 
Bộ Tài chính vừa trình phương án giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp về mức 15% hoặc 17%.

Tờ trình lên Chính phủ về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp của Bộ Tài chính cho biết, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2016, mục tiêu tổng quát được Quốc hội thông qua là “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”.

Theo Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Tài chính có phương án tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan, nghiên cứu giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho lao động một số lĩnh vực…

Theo đó, tại tờ trình lần này, Bộ Tài chính trình 5 nội dung liên quan tới các giải pháp về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trong đó, đáng lưu ý là giải pháp giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với 2 phương án áp dụng thuế suất phổ thông được đưa ra là 17% hoặc 15%. Mức thuế suất phổ thông đang áp dụng là 20%.

Hai phương án này dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách năm 2016 - 2020 nhưng sẽ được bù đắp tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng vào tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời, việc giảm thuế sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy DNNVV vẫn luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở những quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam). Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau, trong đó tập trung vào các chính sách như: tín dụng ưu đãi, bảo lãnh tín dụng, miễn giảm thuế, hỗ trợ đổi mới khoa học…

“Ở nước ta, hiện số DNNVV chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và đang giữ một vị trí không thể thay thế trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Vì vậy, chính sách thuế cũng là một trong những công cụ hỗ trợ cần tính tới. Hiện tại Hàn Quốc mức thuế suất dao động 10 - 20% tuỳ theo thu nhập; ở Pháp doanh nghiệp có doanh thu trước thuế dưới 7,63 triệu Euro thì áp dụng mức thuế suất 15% hoặc tại Trung Quốc dựa trên tiêu chí công nghệ, áp thuế suất 20% với doanh nghiệp công nghệ cao”, Bộ Tài chính cho biết.

Tương tự như với DNNVV, Bộ Tài chính cũng cho biết, thực tế trong thời gian gần đây, Việt Nam xuất hiện làn sóng mới nhằm hỗ trợ các cá nhân tham gia khởi nghiệp bằng việc hình thành doanh nghiệp (start-up). Đối với start-up hiện nay chưa có một định nghĩa rõ ràng, tuy nhiên về cơ bản đây là một tổ chức nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong điều kiện không chắc chắn nhất, theo đó sẽ góp phần tạo tăng trưởng kinh tế và dưới một góc độ nào đó sẽ tham gia vào việc phát triển kinh tế và xã hội.

Theo Bộ Tài chính, hiện Chính phủ đang đẩy mạnh và khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân “khởi nghiệp” nên xu hướng sắp tới sẽ tiếp tục hình thành thêm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mới. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp mới thành lập đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế hiện hành sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm thuế trong 9 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp không thực hiện tại các địa bàn ưu đãi thuế, không đáp ứng các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hiện hành, để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ xin đề xuất phương án thuế. Theo đó, mức thuế suất phổ thông áp dụng với đối tượng này cũng tương tự như DNNVV, dự kiến ở 17% hoặc 15%.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, tiêu chí xác định doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ là doanh nghiệp thành lập mới hoạt động dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới để tạo ra hàng hoá, dịch vụ có tính sáng tạo và ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực của đời sống. Bên cạnh đó, còn phải đáp ứng tiêu chí về tổng doanh thu không vượt quá 20 tỷ đồng/năm.

Việt Nam mong muốn thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào khởi nghiệp
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Canada chiều 15/6.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư