Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp không có dòng tiền, ngân hàng sao dám cho vay?
T.L - 13/12/2022 17:23
 
Các ngân hàng thương mại khẳng định, nguyên tắc cho vay đầu tiên là phải an toàn, nếu doanh nghiệp không có doanh thu, dòng tiền thì lãi suất cao đến mấy ngân hàng cũng không dám cho vay.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel khẳng định, các ngân hàng – nhất là các ngân hàng quốc doanh đã giúp đỡ doanh nghiệp rất nhiều thời gian qua, nhất là hai năm Covid 19.

Mặc dù vậy, về mặt vĩ mô, ông Kỳ cho rằng, thiết kế chính sách hiện nay đang “có vấn đề”. Đơn cử gói hỗ trợ lãi suất 2% được giải ngân nhỏ giọt, tín dụng no dồn đói góp, hay điều kiện cho vay của các ngân hàng trước và sau dịch đều giống nhau dù sức khỏe của doanh nghiệp hiện tại đã khác xa…

Mong mỏi của ông Kỳ cũng là khát khao của nhiều doanh nghiệp hiện nay, khi cánh cửa tiếp cận vốn ngân hàng không hề dễ dàng, dù NHNN vừa nới room tín dụng.

Mặc dù vậy, các ngân hàng cũng có lý riêng của mình.

Hiện nay, không phải ngân hàng nào cũng dư giả thanh khoản, mặt bằng lãi suất huy động được đẩy lên rất cao mới có nguồn vốn để cho vay. Trong bối cảnh này, ngân hàng phải lựa chọn kỹ đối tượng cho vay để đảm bảo hiệu quả và an toàn vốn.

Ông Nguyễn Hiếu Nhân, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho hay, việc lãi suất huy động tăng như hiện nay ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp và cả nền kinh tế. doanh nghiệp lo lắng về tương lai, khôn dám đầu tư, nền kinh tế có nguy cơ đình trệ, thậm chí suy thoái. Thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Đây là lý do ACB gần đây đã triển khai một số giải pháp chủ động hỗ trợ DN.

Đến nay, đã có khoảng 15  ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay. Mặc dù vậy, với các ngân hàng TMCP tư nhân, việc giảm lãi suất cho vay cũng chỉ áp dụng với một số đối tượng và cũng chỉ với ngân sách nhất định.

Với các ngân hàng thương mại quốc doanh, việc giảm lãi suất diễn ra ở diện rộng hơn. Đơn cử,  Agribank vừa tuyên bố áp dụng 20% tổng số lãi phải trả cho khách hàng. Mặc dù vậy, việc doanh nghiệp tiếp cận vốn trên bình diện chung của nền kinh tế vẫn rất khó. Hơn nữa, trong bối cảnh Fed sắp sửa tăng lãi suất, ngân hàng khó có thể cầm cự giảm lãi suất lâu.

Ông Nguyễn Minh Trí, Thành viên Hội đồng thành viên Agribank cho hay, ngân hàng phải đi vay để cho vay, phải huy động vốn của người dân để cho doanh nghiệp vay. Chính vì vậy, tiêu chí đầu tiên của ngân hàng là phải đảm bảo an toàn vốn, "lãi cao bao nhiêu mà không an toàn thì ngân hàng cũng không dám cho vay". 

Theo ông Trí, trên thực tế, nhiều tiêu chuẩn về an toàn hệ thống của các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn thế giới, vì nếu thực hiện đúng chuẩn thì sẽ gây khó khăn hơn cho nền kinh tế trong tiếp cận vốn.

“Ngân hàng luôn xác định phải đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn, doanh nghiệp có khả năng hoạt động hiệu quả thì ngân hàng mới có khả năng thu hồi vốn. Doanh nghiệp tốt, hoạt động có hiệu quả, ngân hàng mới có khả năng thu hồi vốn, doanh nghiệp không có doanh thu, không có dòng tiền thì làm sao ngân hàng dám cho vay? Đây là lý do trong cuộc đua lãi suất vừa qua, Agribank luôn thận trọng, điều chỉnh hạn chế nhất, trong tháng 12 còn giảm lãi suất để doanh nghiệp bớt khó khăn. Bởi doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển được”, ông Trí cho biết.  

Trong khi đó, đại diện VietinBank cũng khẳng định, tính đến đầu tháng 12/2022, VietinBank đã cung ứng ra nền kinh tế hơn 1,2 triệu tỷ đồng, chủ yếu cho vay lĩnh vực thiết yếu. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung rà soát chi phí, tiết giảm chi phí tối đa để kiềm chế mức tăng lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), dù room tín dụng tháng 12 là rất dồi dào song các ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt để cấp hạn mức tín dụng, cho vay. Thực tế là khoảng cách giữa cung và cầu tín dụng là vấn đề rất khó trong điều hành ngành ngân hàng. Các ngân hàng cũng rất quan tâm hướng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, trong đó có hoạt động xuất khẩu song doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được. 

Thực tế, hiện nay không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn trung, dài hạn mà cá ngân hàng cũng trong tình trạng tương tự.

Cụ thể, hiện nay, cơ cấu vốn huy động của ngân hàng là 80% vốn ngắn hạn, 20% vốn trung dài hạn. Tuy nhiên, các ngân hàng đang cho vay 50% vốn trung, dài hạn, cho thấy rủi ro kỳ hạn của các ngân hàng là rất lớn. Một rủi ro nữa là lãi suất ngắn hạn thay đổi liên tục trong khi lãi suất cho vay trung hạn thì 1 năm mới đánh giá điều chỉnh 1 lần.

Thời gian qua, NHNN đưa ra rất nhiều quy định pháp luật nhằm giúp các tổ chức tín dụng dần nắn chỉnh hoạt động của mình là kênh cung cấp vốn lưu động cho nền kinh tế. Về nguồn vốn trung và dài hạn, NHNN cho rằng, doanh nghiệp phải thông qua nguồn trái phiếu. 

Nới room tín dụng: Doanh nghiệp thận trọng tính toán lãi suất
Room tín dụng được nới, nhưng không chỉ ngân hàng thận trọng cho vay, mà doanh nghiệp cũng thận trọng vay vốn trong bối cảnh lãi suất cao như hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư