Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp lo chống đỡ với tỷ giá
Anh Vũ - 23/04/2016 09:10
 
Nhiều doanh nghiệp đã “ngậm đắng nuốt cay” khi phải “gánh” rủi ro tỷ giá, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách chống đỡ, nhất là cuộc chơi hội nhập ngày càng sâu rộng.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra thông điệp chính sách điều hành tỷ giá theo từng ngày, nhưng cũng không để xảy ra biến động mạnh phần nào giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu bớt hoang mang. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần có phương án cụ thể để phòng ngừa những rủi ro phát sinh. Bởi, đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong hợp đồng ký kết với các đối tác, có đến 90% giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu tính bằng USD. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã phải nhận những bài học đắt giá khi bỏ qua các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá và lãi suất. Quản trị rủi ro tỷ giá và lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp ổn định dòng tiền, cố định chi phí và tập trung vào mảng hoạt động kinh doanh chính.

Bà Lương Thị Thu, Tổng giám đốc Công ty cổ phân Dịch vụ Đại lý thuế và Tư vấn Đào tạo Tâm Việt làm CEO trong tình huống này.
Bà Lương Thị Thu, Tổng giám đốc Công ty cổ phân Dịch vụ Đại lý thuế và Tư vấn Đào tạo Tâm Việt làm CEO trong tình huống tuần này

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang cung cấp một số sản phẩm phái sinh, tùy theo nhu cầu mà doanh nghiệp có thể lựa chọn cho mình công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá: giao dịch kỳ hạn (Forward), giao dịch quyền chọn (Option), hay hợp đồng tương lai (Future). Nhưng cũng đã có một số doanh nghiệp chọn cách thức hạn chế rủi ro tỷ giá khác, đó là đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. 

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang loay hoay chưa biết có nên nắm lấy công cụ này hay không. Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu dệt may đang tính đến các phương án mở rộng sản xuất, phát triển thị trường nhằm nắm bắt các cơ hội khi thị trường hội nhập sâu vào TPP, AEC. Trong quá trình chuẩn bị, doanh nghiệp nhận thấy, khi mở rộng thị trường, nguy cơ từ biến động tỷ giá sẽ nhiều hơn và hậu quả sẽ nặng nề hơn. Trước tình hình đó, CEO (cũng là một cổ đông) và các cổ đông khác đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp.

Theo CEO, để đảm bảo an toàn cho các hoạt động kinh doanh của mình ở nước ngoài, doanh nghiệp nên bỏ ra một khoản tiền để mua bảo hiểm tỷ giá cho các lô hàng xuất khẩu của mình. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp yên tâm phòng tránh được các rủi ro tỷ giá và tập trung vào các hoạt động kinh doanh. Đây là một hình thức mà các doanh nghiệp ở nước ngoài vẫn sử dụng và mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, các cổ đông lại cho rằng, không cần thiết phải bỏ ra một khoản tiền để mua bảo hiểm tỷ giá, nếu như doanh nghiệp lựa chọn giải pháp đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. Doanh nghiệp nên tiến hành đàm phán với các đối tác để không chỉ chọn USD là đồng tiền thanh toán trong hợp đồng, mà còn có thể sử dụng các ngoại tệ khác như EUR, GBP, JPY, AUD, CNY… Thậm chí, doanh nghiệp có thể tổ chức riêng một phòng ban chuyên phân tích biến động giá trên thị trường tài chính để chủ động hạn chế rủi ro.

Vậy đa dạng hoá đồng tiền thanh toán, nhằm phân tán rủi ro, hay bỏ ra một khoản tiền để mua bảo hiểm tỷ giá sẽ là phương án an toàn cho doanh nghiệp này? CEO và các cổ đông lựa chọn cần phải ngồi lại với nhau thêm để quyết định nên theo phương án nào trong Chương trình CEO - Chìa khóa Thành công vào cuối tuần này.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO – Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Phép thử cơ chế điều hành tỷ giá mới
Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 16/3 vừa qua quyết định không tăng lãi suất USD được xem là thông tin tốt lành, song thị trường ngoại tệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư