Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Mỹ “than” khó trở lại đường đua giữa thời dịch
Lê Quân - 25/05/2020 19:33
 
Doanh nghiệp Mỹ nhận thức được rằng việc mở cửa hoạt động trở lại cũng nhọc nhằn không kém quyết định đóng cửa chống Covid-19.
FedEx và nhiều hãng vận tải khác của Mỹ buộc phải xoay sang thu phụ phí đối với một số lô hàng vận chuyển quốc tế mùa dịch Covid-19. Ảnh: AFP
FedEx và nhiều hãng vận tải khác của Mỹ buộc phải xoay sang thu phụ phí đối với một số lô hàng vận chuyển quốc tế mùa dịch Covid-19. Ảnh: AFP

"Méo mặt" vì chi phí tăng

Giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao cộng với chi phí để đảm bảo an toàn cho người lao động và khách hàng cũng tăng lên khiến con đường tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Từ nhà bán lẻ, hãng vận chuyển trọn gói đến nhà hàng hay tiệm làm tóc đều trong tình cảnh khó có thể đảm bảo doanh thu khi hoạt động trở lại giữa đại dịch.

Một số công ty buộc cắt giảm dịch vụ và vị trí việc làm, còn doanh nghiệp khác đưa chi phí liên quan đến Covid-19 vào giá bán sản phẩm với hy vọng mong nhận được chia sẻ từ khách hàng.

Ngay cả với các tập đoàn lớn, ấn định mức giá sản phẩm và đánh giá các rủi ro từ việc hoạt động trở lại giữa đại dịch cũng là bài toán nhức đầu.

Ba “đại gia” ngành bán lẻ Mỹ, gồm: Walmart, Target và Home Depot đã tiêu tốn tổng cộng hơn 2 tỷ USD cho các khoản phí tăng thêm đối với tiền lương, tiền thưởng và các quyền lợi khác của nhân viên trong những tháng đầu mùa dịch.

Còn McDonald phải ra điều kiện rằng để mở lại nhà hàng/cửa hàng ăn uống, bên được nhượng quyền phải dọn dẹp phòng vệ sinh thường xuyên 30 phút/lần và vệ sinh các ki-ốt đặt hàng trực tuyến sau mỗi đơn hàng.

Tuần trước, hãng xe hơi Mỹ Ford Motor đã kích hoạt lại sản xuất trong các nhà máy sau 2 tháng đóng cửa ngăn dịch lây lan, nhưng hãng này cũng lập tức ngừng hoạt động các nhà máy ở Michigan và Illinois sau khi một số nhân viên nhà máy có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Với doanh nghiệp nhỏ, lộ trình trở lại đường đua kinh doanh còn chật vật hơn bởi họ hoạt động trên biên lợi nhuận và dự trữ tiền mặt mỏng hơn. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp nhỏ đang “méo mặt” vì chi phí có chiều hướng vượt doanh thu.

Giá thực phẩm và các mặt hàng đầu vào khác tăng lên trong khi chi phí bảo hộ y tế cho nhân viên đã đẩy tổng chi phí của các doanh nghiệp tăng cao.

Tìm cách thu phụ phí

Xoay sở để doanh nghiệp sinh tồn, ông chủ chuỗi nhà hàng Nhật Bản tại Mỹ Billy Yuzar đã cộng thêm phụ phí đối với thực khách dùng bữa tại cửa hàng West Plains, Mo., Kiko Steakhouse và Sushi Lounge, để bù lại giá thực phẩm tăng cao. Cách làm này được ông Yuzar cho rằng tiện hơn việc tăng giá trên thực đơn.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nhỏ nào tại Mỹ cũng áp dụng thành công việc thu phụ phí.

Herman Halici, ông chủ nhà hàng Dan's Super Subs tại California cho hay, giá các loại thịt như pastrami, thịt bò nướng và thịt bò muối đã tăng thêm 60% trong khi quy định mới yêu cầu nhân viên nhà hàng phải dành thêm 25% thời gian để vệ sinh cửa hàng. Để gỡ lại chi phí, nhà hàng Dan's Super Subs đã thu thêm phụ phí từ 75 cent đến 1 USD cho mỗi chiếc sandwich.

Tuy nhiên, không phải thực khách nào cũng thấu hiểu và chia sẻ. Ông Halici cho biết, cứ khoảng 100 khách hàng, có 2 người phàn nàn về phụ phí. “Không giống như trước đây, mọi người gần đây ít đến cửa hàng tạp hóa do dịch bệnh, nên họ không cập nhật về giá thịt tăng cao”, ông chủ Dan's Super Subs than thở.

Một mặt khác, chiêu đẩy giá sản phẩm và thu phụ phí của doanh nghiệp đang chịu sự soi xét của chính quyền một số bang. Người phát ngôn Tổng chưởng lý bang New York cho biết cơ quan này chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào về phụ phí thời Covid-19, trong khi người phát ngôn Tổng chưởng lý bang Missouri khẳng định, cơ quan này đã nhận được 1.501 khiếu nại liên quan đến giá cả.

Chiến lược xác định giá cả thời Covid-19 cũng làm đau đầu các hãng vận tải lớn tại Mỹ. United Parcel Service, FedEx và DHL đều phải xoay sang thu phụ phí cho một số lô hàng vận chuyển quốc tế mùa dịch Covid-19.

DHL phân trần, chi phí vận chuyển của hàng này tăng lên một phần do không gian vận chuyển hàng hóa trên các máy bay thương mại mà hãng này chi trả bị khan hiếm do tần suất các chuyến bay sụt giảm.

Đại diện DHL cho biết hãng này thu thêm phụ phí đối với một số dịch vụ vận chuyển quốc tế trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch, còn vẫn miễn phụ phí vận chuyển các mặt hàng dùng cho mục đích y tế.

Về vấn đề này, hãng vận tải UPS thừa nhận đã áp mức phụ phí cao nhất đối với các lô hàng vận chuyển quốc tế kể từ ngày 12/4. Đặc biệt, các lô hàng chuyển phát nhanh từ Trung Quốc - nơi bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới - đến Mỹ sẽ bị tính thêm phụ phí 1,81 USD/pound (0,45 kg).

Doanh nghiệp nhỏ Mỹ “sống mòn” chờ cứu trợ
Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) của Mỹ về lý thuyết là phao cứu sinh đối với các doanh nghiệp nhỏ, nhưng đang bế tắc do những quy định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư