Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp nhập 1,2 mét vải, bị cắt nửa mét để kiểm định formaldehyt
Khánh An - 22/08/2016 08:10
 
Nhập 1,2 m vải để may quần theo hợp đồng may đo, bị cắt nửa mét để kiểm định formaldehyt thì doanh nghiệp nào muốn làm?

Hợp đồng may đo giữa một doanh nghiệp ở NewZealand và một doanh nghiệp ở Hội An có lẽ sẽ không tiếp tục được sau khi 100 bộ đầu tiên đến tay khách hàng. Vấn đề không phải ở chất lượng lô hàng đầu tiên khiến khách thất vọng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, người kết nối thương vụ này cho biết, các quy định kiểm tra theo Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công thương quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm khiến bên đặt hàng ngỡ ngàng.

.
.

“Vì là hợp đồng may đo, nên lượng vải nhập vào mỗi lần không nhiều, theo từng đơn hàng lẻ. Nhưng khi nhập 1,2 m vải qua đường chuyển phát nhanh để may quần thì bị yêu cầu cắt nửa mét vải để kiểm tra formaldehyt. Kêu thì cơ quan kiểm tra nói nhập nhiều hơn để đủ lượng vải kiểm tra, nhưng vải của họ có giá tới 50 USD/m, thậm chí có vải lên tới 3.000 USD/m, nếu nhập dư ra để kiểm tra, rồi cộng chi phí kiểm định khoảng 2 triệu đồng thì doanh nghiệp hết lời”, bà Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết.

Không muốn xuất hiện phát ngôn chính thức, nhưng doanh nghiệp bà Nga đang làm là một thương hiệu lớn trong ngành dệt may của Việt Nam, hiện cũng đang nhận được một số hợp đồng may đo độc quyền cho thị trường Australia. So với may gia công, các hợp đồng may đo không chỉ có giá trị gia tăng cao hơn nhiều, mà theo bà Nga, các doanh nghiệp học được nhiều về quy trình, cách thức sản xuất của các doanh nghiệp tên tuổi.

Hiện tại, Hồng Kông đang là thị trường khai thác được nhiều giá trị từ các hợp đồng này. Ở Việt Nam, số hợp đồng theo hình thức này đang tăng nhanh. Theo nhận định, tay nghề của người lao động Việt Nam tốt, học nhanh nên có thể đáp ứng các hợp đồng may đo hàng cao cấp.

“Khi làm việc với chúng tôi, các doanh nghiệp nước ngoài cũng không hiểu nổi tại sao vải của họ đều thuộc hãng có tên tuổi, thậm chỉ là đẳng cấp cao của thế giới, có đầy đủ các xác nhận tiêu chuẩn thậm chí cao hơn yêu cầu của Việt Nam mà vẫn không được chấp nhận, vẫn phải kiểm tra”, bà Nga chia sẻ bức xúc khi chính bà cũng không trả lời được câu hỏi này.

Trong buổi làm việc với Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai về những vấn đề liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, bà Nga đề nghị giảm bớt thủ tục với các hợp đồng may đo bằng cách chấp nhận các tiêu chuẩn của quốc tế đã công nhận.

Thực ra, nếu như các doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng này theo hình thức hợp đồng gia công, nhập hàng để gia công xuất khẩu thì có thể giải quyết được vướng mắc này khi họ có thể được áp dụng kiểm tra hồ sơ, không phải lấy mẫu. Tuy nhiên, thực tế thì các hợp đồng may đo thường nhỏ, nếu thực hiện theo thủ tục của hình thức gia công hàng xuất khẩu thì cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan sẽ phải làm các thủ tục để đăng ký và kiểm soát...

Đây là lý do chính mà đại diện hải quan trong cuộc làm việc này cũng phải thừa nhận, thủ tục để mở hợp đồng gia công cũng nhiêu khê lắm, có khi chi phí và nhân lực dành để kiểm soát còn vất vả hơn. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp nản, không muốn khai thác thêm thị trường ngách đặc biệt có giá trị này dù thị trường gia công hàng xuất khẩu đang bị cạnh tranh gay gắt với các nước lân cận, dấu hiệu đi xuống cũng rõ.

“Tuy nhiên, việc kiểm tra nhiều khi là để cho có, vì có khi, bên được chỉ định kiểm tra đến mở lô hàng, chụp ảnh rồi ra quyết định. Kiểm tra như vậy để làm gì. Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Công thương nghiêm túc xem xét tính pháp lý của Thông tư 37/2015/TT-BCT, tiếp thu ý kiến góp ý và phản ánh của các doanh nghiệp liên quan đến kiểm tra hàm lượng formaldehyt để sửa đổi Thông tư 37/2015/TT-BCT”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Còn biết bao việc người dân đang mong chờ chúng ta phải hành động
“Còn biết bao nhiêu việc mà người dân đang mong chờ chúng ta phải hành động”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy với bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư