Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Doanh nghiệp Nhật đang đổi gu tuyển dụng nhân sự
Thị Hồng - 24/06/2021 07:12
 
Giỏi tiếng Nhật không còn là lợi thế cạnh tranh của các ứng viên khi ứng tuyển với các doanh nghiệp Nhật Bản, bởi họ đang muốn tuyển nhân sự biết thêm ngoại ngữ khác và có kỹ năng mềm.
.
Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh nghiệp sản xuất Nhật cắt giảm rất ít nhân sự cấp quản lý (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn)

Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM và Văn phòng JETRO tại TP.HCM, có đến 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng cả về hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động liên quan đến nhân sự.

Một năm sau đại dịch xuất hiện, hầu hết các doanh nghiệp Nhật đã kịp thích ứng với tình hình và bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi. Hoạt động tuyển dụng đã bắt đầu khởi sắc trong quý 2 năm nay, với các vị trí quản lý cấp trung, chủ yếu là các vị trí giám sát, phó trưởng phòng...

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Nhật đã dần chuyển sang cách tuyển dụng hiện đại hơn, trong đó tập trung nhiều vào kỹ năng và thái độ của ứng viên.

Việc thể hiện được các kỹ năng khác của bản thân như giao tiếp, đàm phán, thể hiện bản thân, tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng là những yếu tố có thể ghi điểm với các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản đang tiếp tục chứng kiến sự thay đổi về việc lựa chọn ứng viên.  

Đối với các ứng viên chỉ biết tiếng Nhật, không chỉ cơ hội nghề nghiệp tại các công ty này sẽ giảm đi đáng kể, mà mức lương của các ứng viên cũng sẽ thấp hơn nhiều. 

Do vậy, bên cạnh các điều kiện bắt buộc về chuyên môn, yêu cầu ứng viên biết tiếng Anh và tiếng Nhật gần như là yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn ứng viên.

Giỏi tiếng Nhật không còn là lợi thế cạnh tranh của các ứng viên khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp Nhật trở thành một trong những thay đổi lớn nhất trong tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật. 

Bởi bên cạnh việc thành thạo tiếng Nhật, họ yêu cầu các ứng viên cần phải biết thêm một ngoại ngữ khác.

Nguyên nhân dẫn đến yêu cầu ngoại ngữ này là do các doanh nghiệp Nhật mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác hoặc xuất khẩu hàng hóa sang doanh nghiệp của các nước khác đang hoạt động tại Việt Nam.

Yêu cầu cao về kỹ năng ngoại ngữ này khiến các du học sinh hoặc tu nghiệp sinh từ Nhật trở về sẽ gặp khó khăn trong việc ứng tuyển.

Họ sẽ gặp cạnh tranh gay gắt khi giờ đây doanh nghiệp yêu cầu ứng viên cần phải biết thêm tiếng Anh hoặc tiếng Trung và tiếng Hàn.

Theo đánh giá, hiện đã xuất hiện tình trạng dư thừa ứng viên cho các doanh nghiệp Nhật. 

Để các ứng viên có thể chuyển ngang sang các doanh nghiệp Nhật khác thì họ sẽ cần phải đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng cao hơn từ phía nhà tuyển dụng, cả về ngoại ngữ, kinh nghiệm và chuyên môn...

Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh nghiệp sản xuất Nhật cắt giảm rất ít nhân sự cấp quản lý.

Việc cắt giảm nhân sự có diễn ra, chủ yếu tập trung vào công nhân và nhân viên phổ thông. Đối với khối nhân viên văn phòng và cán bộ quản lý, việc cắt giảm rất hiếm xảy ra.

Doanh nghiệp Nhật cũng rất hạn chế việc đóng cửa nhà máy, văn phòng. Thay vào đó họ sẽ chọn cách giảm lương cho nhân viên trong khi cho phép nhân viên làm việc luân phiên. 

Việc tái cơ cấu lại tổ chức cũng khiến các doanh nghiệp có cơ hội để giữ lại những nhân sự phù hợp nhất và gắn bó nhất.

Hiếm khi sa thải nhân viên cũng là một điểm cộng cho các ứng viên chọn doanh nghiệp Nhật. Văn hóa của các công ty của Nhật Bản là bảo đảm công việc ổn định và lâu dài cho nhân viên.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với các ứng viên người Việt. Tuy nhiên, điều kiện tuyển dụng của các doanh nghiệp đến từ xứ sở hoa anh đào đang ngày càng khắt khe.

Doanh nghiệp Nhật Bản báo lãi khi kinh doanh tại Việt Nam
Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn FDI của Nhật Bản có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2020 là 49,6% cùng với Malaysia và Singapore, tỷ lệ này thuộc mức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư