Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp nội khó bán hàng nhưng chi nhập thép vẫn "ngốn" gần 5 tỷ USD
Thế Hải - 27/07/2023 12:06
 
6 tháng đầu năm 2023, cả nước nhập khẩu gần 5,56 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 4,77 tỷ USD, trong khi tại nội địa, các doanh nghiệp đối mặt với sản xuất sụt giảm, bán hàng ế ẩm.
Chi nhập khẩu thép nửa đầu năm 2023 dù giảm nhưng vẫn tiêu tốn gần 5 tỷ USD.
Chi nhập khẩu thép nửa đầu năm 2023 dù giảm nhưng vẫn tiêu tốn gần 5 tỷ USD.

Thị trường tiêu thụ ế ẩm nên sản xuất thép 6 tháng đầu năm 2023 giảm gần 21% so với cùng kỳ, lượng hàng bán ra cũng giảm gần 18%, chỉ đạt xấp xỉ 12,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, ở chiều nhập khẩu, cả nước vẫn chi gần 5 tỷ USD để nhập về nhiều loại sắt thép. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng năm 2023, cả nước nhập khẩu gần 5,56 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 4,77 tỷ USD.  Cùng đó, chi ngoại tệ để nhập sản phẩm từ sắt thép cũng tiêu tốn 2,44 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023.

Giá trung bình nhập khẩu thép 6 tháng qua là  857,5 USD/tấn, giảm 21,6% so với cùng kỳ.

Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, với 3,07 triệu tấn, tương đương gần 2,3 tỷ USD,  tăng 3,6% về lượng, nhưng giảm 23,6% về trị giá, chiếm 55,2% trong tổng lượng và chiếm 48,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Tiếp sau là thị trường Nhật Bản, đạt 902.883 tấn, tương đương 709 triệu USD, giảm 11,9% về lượng, giảm 31% về trị giá.

Nhập khẩu thép từ hị trường Indonesia đạt 330 nghìn tấn, trị giá 610 triệu USD, tăng 19,4% về lượng, tăng 3,9% về trị giá so với cùng kỳ.

Thép nhập khẩu đa phần được hưởng mức thuế 0%, trong khi thép Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước phải chịu thuế rất cao.

Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ. Các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào. 

Lượng thép nhập khẩu đang có xu hướng tăng mạnh trở lại, trong nước bán hàng ế ẩm, thép nhập cũng không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) mới đây có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. 

Cùng với đó, tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.

VSA cho hay, thép là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn, lại là ngành công nghiệp xương sống, do vậy chất lượng thép tác động đến nhiều ngành kinh tế khác nhau.

Hiện nay các sản phẩm thép không nằm trong danh mục các mặt hàng nhóm 2 của Bộ Công thương, nhà nhập khẩu chỉ cần tuyên bố tiêu chuẩn áp dụng và không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng. 

Trong khi các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, điển hình như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Anh..đều gia tăng áp dụng hàng rào kỹ thuật….

Mới nhất, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công thương và Bộ Khoa học Công nghệ về việc nghiên cứu kiến nghị xây dựng quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị hai bộ trên nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền kiến nghị của VSA, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) kiến nghị cần xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư