Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp nội không thể bị dạt ra bên lề
Khánh An - 06/12/2016 14:15
 
Sáng qua (5/12), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 (VBF 2016) đã đặt lên bàn Cuộc đối thoại với Chính phủ vấn đề hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài .

Doanh nghiệp nội lo

Lúc này, khi hội nhập là tâm điểm của mọi kế hoạch kinh doanh, bàn tới việc chọn “hòa hay đấu” với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là không thích hợp, nhưng ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên vẫn muốn đặt ra.

Hòa ở đây, theo ông Dương, là bắt tay với các doanh nghiệp FDI để cùng phát triển. Còn đấu là  cuộc chiến dành lại những gì mà doanh nghiệp FDI đang nắm và được dự báo còn tiếp tục sẽ lấn át các doanh nghiệp chủ nhà.

.
40% nguyên phụ liệu mà các doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng vẫn nhập từ chính nước họ, chỉ có 27% từ các nhà cung cấp Việt Nam

“Tất nhiên, tôi chọn bắt tay, chọn cách đứng trên vai những người khổng lồ để phát triển, nhưng tôi đặt câu hỏi này để nhắc rằng, vẫn rất khó để bắt tay với các doanh nghiệp FDI”, ông Dương thẳng thắn.

Lý do, cũng không có gì mới. May Hưng Yên là một doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, 50 năm tuổi đời, 13 nhà máy và khoảng 15.000 lao động, nhưng để bắt tay được với các đối tác ngoại, để trở thành một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp ngoại, ông Dương vẫn luôn đau đầu với bài toán, làm sao để giá rẻ, chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh. “Sức cạnh tranh, nội lực vẫn phải là mấu chốt của cuộc hòa hiếu này, nhưng đây lại là điểm rất yếu của doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp đang tìm mọi cách cải thiện”, ông Dương thừa nhận.

Chuyện ông Dương đặt ra không mới. Gần 30 năm, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được ban hành, mối liên kết này đã được đặt ra với kỳ vọng sẽ tạo nên hiệu ứng lan tỏa giữa công nghệ và năng suất lao động từ các doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong nước. Nhưng cứ mỗi giai đoạn nhìn lại, nhận định được đưa ra vẫn là chưa thấy rõ, chưa có kết quả nhiều, nhất là trong các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao - những lĩnh vực được các nhà hoạch định chính sách trong nước kỳ vọng về những tiến bộ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Thậm chí, mối lo doanh nghiệp FDI lấn át ngày càng rõ. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, điều này hiện hữu ngay trong bức tranh cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn vừa qua. “Năm 2011, tỷ lệ đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu Việt Nam giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI là 50-50, nhưng năm 2015, tỷ lệ này là 30-70. Trong khi đó, số doanh nghiệp tư nhân không có thu nhập nộp thuế, theo cập nhật của Tổng cục Thuế, đang lên tới 58%”, ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp FDI sốt ruột

Điều quan trọng là không chỉ có doanh nghiệp nội địa lo lắng. Trong các cuộc làm việc chuẩn bị cho VBF 2016 trước đó, các doanh nghiệp FDI vẫn không quên nhắc lại nỗi vất vả quen thuộc của họ khi khó kiếm các đối tác nội phù hợp. Điển hình nhất vẫn là các hội chợ ngược - các nhà sản xuất Nhật Bản tổ chức hội chợ để trình bày nhu cầu tìm kiếm các thầu phụ, hay chuyện Samsung Việt Nam mở nhà máy ở đâu là lại mời gọi các doanh nghiệp Việt đến nộp hồ sơ để lựa chọn đối tác.

Ông Colin Blackwell, thành viên Tiểu nhóm công tác nguồn nhân lực của VBF đã nói, doanh nghiệp FDI cần mua nhiều hơn từ chuỗi cung ứng trong nước để giảm chi phí và tăng sự chủ động cho hoạt động kinh doanh.

Song, kết quả rất hạn chế. Khảo sát mới nhất của VCCI về các doanh nghiệp FDI cho thấy, 40% nguyên phụ liệu mà các doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng vẫn nhập từ chính nước họ, chỉ có 27% từ các nhà cung cấp Việt Nam.

Có hai vấn đề đang cần đặt ra. Một là, các nhà cung cấp Việt dù có thể tạo ra được những liên kết với các doanh nghiệp FDI, nhưng cũng chưa khẳng định ưu thế rõ nét.

Hai là, đặt thực tế này trong định hướng chính sách thu hút FDI của Việt Nam, hướng tới các lĩnh vực công nghệ cao, phát triển xanh và sạch, giá trị gia tăng cao, việc kéo các tập đoàn lớn chuyển dịch chuỗi sản xuất tới Việt Nam sẽ còn khó khăn. Thậm chí, trong cuộc cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại từ các quốc gia láng giềng trong khu vực ASEAN, việc khó kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước sẽ là một điểm trừ của môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam.

Một lần nữa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt  được đặt ra trong hiệu quả của mối liên kết doanh nghiệp nội và ngoại. Nhưng giải bài toán này, nếu chỉ các doanh nghiệp nỗ lực thì không đủ.

“Doanh nghiệp cần tháo gỡ các rào cản tiếp cận thị trường, nguồn lực, điều kiện kinh doanh và quan trọng là có môi trường an toàn, minh bạch để thể hiện năng lực thực sự của mình”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

VBF muốn đưa thông lệ tốt của FDI qua mô hình "kiềng 3 chân" cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
VBF kiến nghị mô hình “kiềng 3 chân” để thúc đẩy kết nối các doanh nghiệp FDI và khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, đặc biệt là các doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư