Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường Nga
Lê Quân - 01/03/2022 07:47
 
Tập đoàn năng lượng BP, Ngân hàng HSBC và Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap vừa điền tên vào danh sách ngày càng dài các doanh nghiệp châu Âu muốn "chia tay" thị trường Nga.
BP bất ngờ thông báo sẽ thoái vốn 20% cổ phần tại Công ty dầu khí Nga Rosneft. Ảnh: AFP
BP bất ngờ thông báo sẽ thoái vốn 20% cổ phần tại Công ty dầu khí Nga Rosneft. Ảnh: AFP

Động thái này diễn ra sau khi phương Tây siết gọng kìm kinh tế đối với Nga bằng một loạt các biện pháp, bao gồm đóng cửa bầu trời đối với máy bay Nga, cô lập nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT và hạn chế khả năng triển khai dự trữ ngoại hối 630 tỷ USD của Moscow.

Theo Reuters, nền kinh tế Nga quay cuồng khi đồng rúp rớt giá kỷ lục từ trước đến nay khi "bốc hơi" gần 30% so với đô la Mỹ trong ngày 28/2. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nga đã nhanh chóng tăng gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20% và tạm thời cấm các công ty môi giới bán chứng khoán do người nước ngoài nắm giữ.

BP, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga, vừa bất ngờ tuyên bố rằng họ sẽ thoái vốn 20% cổ phần tại Rosneft (công ty dầu khí do chính phủ Nga kiểm soát) với mức giá 25 tỷ USD. Tập đoàn năng lượng Anh cũng quyết định cắt giảm một nửa dự trữ dầu khí và giảm 1/3 sản lượng.

Quyết định của BP được đưa ra sau khi đàm phán với chính phủ Anh. Quyết định này đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư phương Tây đang có cổ phần trong các dự án dầu khí ở Nga, chẳng hạn như Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, TotalEnergies của Pháp và Shell của Anh.

Equinor, một công ty năng lượng do nhà nước Na Uy sở hữu đa số, cho biết họ sẽ bắt đầu thoái vốn các liên doanh ở Nga, còn Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy hay còn gọi là Quỹ hưu trí chính phủ Na Uy cũng sẽ bán tài sản ở Nga, trị giá khoảng 25 tỷ Krone Na Uy (tương đương 2,8 tỷ USD). Tương tự, Quỹ đầu tư quốc gia Australia cũng lên tiếng rằng họ sẽ thu hẹp hợp tác với các công ty niêm yết ở Nga.

Phần lớn nền kinh tế Nga sẽ là vùng cấm đối với các ngân hàng và công ty tài chính phương Tây sau khi Mỹ cùng các đồng minh phương Tây tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga và loại bỏ một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Trong một tuyên bố chung đưa ra cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italia, Anh, Canada, và Mỹ cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp kinh tế để "buộc Nga phải chịu trách nhiệm và cùng đảm bảo rằng cuộc tấn công (tấn công Ukraine - BTV) là một thất bại chiến lược đối với ông Putin".

SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. Được thành lập vào năm 1973, SWIFT là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống thông tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Là một hệ thống liên lạc cho phép các ngân hàng tham gia chuyển tiền cho nhau, SWIFT sử dụng các mã an toàn, được tiêu chuẩn hóa cho phép các tổ chức gửi và nhận thông tin, chẳng hạn như hướng dẫn chuyển tiền qua biên giới.

Bị loại khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga sẽ không thể thanh toán cho các hoạt động thương mại và tài chính như bình thường, do đó việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Nga như dầu, than và khí đốt tự nhiên sẽ bị cản trở. Động thái này cũng sẽ cản đường Nga nhập khẩu các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn và máy móc cho các ngành công nghiệp của mình.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 28/2 cảnh báo, chi nhánh châu Âu của Sberbank, một tổ chức cho vay lớn nhất của Nga, phải đối mặt với thất bại sau khi tiền gửi của ngân hàng này giảm mạnh.

Ngân hàng HSBC cũng lên tiếng cho biết họ đang bắt đầu cắt đứt quan hệ với một loạt ngân hàng Nga, bao gồm cả VTB - ngân hàng lớn thứ hai của Nga và là một trong những ngân hàng trong diện bị phương Tây trừng phạt.

Sức ép kinh tế ngày càng gia tăng đối với Nga, ngay cả quốc gia thường giữ quan điểm trung lập như Thụy Sĩ cũng đã cho biết họ có thể sẽ theo chân Liên minh châu Âu (EU) bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt và đóng băng tài sản của Nga.

Người Nga đã xếp hàng dài tại các cây ATM để rút tiền vào cuối tuần qua vì lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ gây ra tình trạng thiếu tiền mặt.

Thực tế, các doanh nghiệp phương Tây có quan hệ với Nga lãnh thiệt hại cổ phiếu khi thị trường mở cửa hôm 28/2. Tuần trước, hãng sản xuất lốp ô tô Nokian Tires cho biết doanh nghiệp này đang chuyển một số hoạt động sản xuất từ Nga - nơi họ đặt nhà máy và nhà xưởng - sang Phần Lan; đồng thời rút lại dự báo kết quả kinh doanh năm 2022. Những động thái này khiến giá cổ phiếu của Nokian Tires đi xuống.

Cổ phiếu của Ngân hàng Pháp Societe Generale cũng giảm mạnh do đơn vị này đang sở hữu Ngân hàng Rosbank của Nga. Cổ phiếu của hãng ô tô Renault cũng trong tình trạng tương tự do công ty này đang nắm quyền kiểm soát hãng ô tô Nga Avtovaz.

Giá trị của hãng hàng không Phần Lan Finnair "bay hơi" mất 1/5 sau khi công ty này rút lại công bố triển vọng kinh doanh năm 2022 sau khi các quốc gia châu Âu và Canada thực hiện các biện pháp mạnh tay chưa từng có là đóng cửa không phận đối với các máy bay Nga. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết Washington cũng đang xem xét một động thái tương tự.

Các công ty cho thuê máy bay cho biết họ sẽ chấm dứt hàng trăm hợp đồng thuê máy bay với các hãng hàng không Nga sau khi phương Tây áp lệnh trừng phạt đối với Moscow. Công ty phân tích dữ liệu hàng không Cirium cho biết Nga hiện có 980 máy bay chở khách đang hoạt động, cùng với 777 chiếc cho thuê và 515 chiếc thuê từ nước ngoài.

Với nguồn cung khoảng 5% đội bay cho các hãng hàng không Nga, Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap (Ireland) vừa thông báo họ sẽ ngừng cho Nga thuê máy bay. Còn đơn vị cho thuê hàng không châu Á BOC Aviation cho biết hầu hết các máy bay của họ ở Nga, chiếm khoảng 4,5% đội bay của họ, sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Trong một động thái liên quan, hai đại gia ngành logistics thế giới mang quốc tịch Mỹ là UPS và FedEx cho biết họ đang tạm dừng giao hàng đến Nga và Ukraine.

Đối với lĩnh vực ICT, EU đã cấm cửa hai hãng thống tấn RT và Sputnik của Nga, trong khi các nhà khai thác viễn thông Canada cũng ngừng cung cấp dịch vụ kênh RT. Chưa hết, Google còn cấm cửa RT và các kênh khác của Nga nhận tiền quảng cáo trên các website, ứng dụng và video YouTube, tương tự như động thái của Facebook.

Ngoài ra, Ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu hôm 27/2 đã yêu cầu các giám đốc điều hành của Alphabet, tập đoàn sở hữu Google và YouTube, cấm người dùng tuyên truyền chiến tranh trong một phần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngăn chặn thông tin sai lệch về Ukraine.

Cấp tốc cứu đồng rúp, Nga tăng gấp đôi lãi suất cơ bản
Ngân hàng Trung ương Nga hôm nay 28/2 tăng gấp đôi lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% khi đồng rúp rớt giá kỷ lục so với đô la Mỹ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư