Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp nước ngoài ở TP.HCM: Doanh số sụt giảm không theo quy tắc tam suất
Thị Hồng - 29/08/2021 14:26
 
Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều phản ánh tình trạng sụt giảm doanh số và đề xuất giải pháp để khắc phục khó khăn trong triển khai “3 tại chỗ” của những doanh nghiệp hội viên.
Khu vực sản xuất của Công ty TNHH MTEX Việt Nam (100% vốn Nhật) tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM)	ảnh: lê toàn
Khu vực sản xuất của Công ty TNHH MTEX Việt Nam (100% vốn Nhật) tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM)     Ảnh: Lê Toàn

Doanh số sụt giảm mạnh

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) cho rằng, nhiều doanh nghiệp hội viên phản ánh tình trạng quá tải và ùn ứ hàng hoá tại các cảng, đơn hàng bị điều chuyển sang nước khác. Cùng với đó, các doanh nghiệp chưa được hướng dẫn cụ thể về việc cách ly y tế với người nhập cảnh đã tiêm 2 mũi vắc-xin và đã có xét nghiệm âm tính.

Ông Trần Tiến Phát, Tổng giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam cho biết, trước tháng 7/ 2021, doanh nghiệp này có 831 nhân viên và đến ngày 20/8/2021, chỉ còn 502 người đang làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”, trong đó lực lượng lao động trực tiếp giảm 24%. Trong khi đó, doanh số của Công ty đã sụt giảm 40%.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, theo dự báo của Tổng cục Thống kê vào đầu tháng 8, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM năm nay có khả năng là âm, thay vì dương như năm ngoái. Hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn. “Trong nước, có hàng chục ngàn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, hàng trăm ngàn lao động mất việc làm, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông xuất khẩu hàng hoá là rất lớn”, ông Hoan cho biết.

“Đây là sự sụt giảm không theo quy tắc tam suất (tăng giảm theo tỷ lệ thuận hay tỷ lệ nghịch - PV) vì chúng tôi thiếu những công nhân có tay nghề cao và dây chuyền sản xuất không thể dễ dàng “điền” người khác vào trong thời gian ngắn. Người có kinh nghiệm thường là người có gia đình và không thể bỏ cha mẹ già hay con trẻ để vào nhà máy làm việc theo mô hình ‘3 tại chỗ’”, ông Trần Tiến Phát chia sẻ.

Trong khi đó, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại của Công ty Intel Products Việt Nam cho biết, 86% người lao động tại Intel đã được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19. Từ khi bắt đầu áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay, nhà máy của Intel đã áp dụng phương án “1 cung đường 2 điểm đến”, bố trí chỗ ở cho gần 1.870 lao động trực tiếp và khoảng 1.500 lao động gián tiếp từ các nhà thầu lưu trú tập trung tại rất nhiều khách sạn.

Chi phí phát sinh từ ngày 15/7 đến 15/8 được Intel tạm tính là hơn 140 tỷ đồng. Theo bà Uyên, đến ngày 15/9, khoản chi phí này sẽ lớn hơn rất nhiều. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách và kế hoạch sản xuất của Công ty trong dài hạn, do nhà máy Intel Việt Nam đang đảm nhận vai trò trụ cột trong chuỗi cung ứng sản phẩm vi mạch bán dẫn cho nhiều khách hàng trên thế giới.

Đẩy nhanh tiêm vắc-xin

Theo đại diện Intel Việt Nam, TP.HCM cần ưu tiên tiêm mũi vắc-xin thứ 2 cho người lao động trong khu công nghiệp càng sớm càng tốt. Chỉ như vậy, khu công nghiệp mới sớm đạt miễn dịch cộng đồng, giúp khu vực kinh tế trọng điểm này sớm quay trở lại sản xuất với công suất 100%, hy vọng doanh số quý IV sẽ bù lại cho cả quý III.

Đại diện Intel Việt Nam còn đề nghị, những lao động đã tiêm vắc-xin mũi 1 đang làm việc ở nhà sẽ được vào nhà máy tiêm mũi 2. Các doanh nghiệp sẽ bố trí khu vực riêng và xét nghiệm nhanh cho họ trước khi tiêm mũi 2. Nếu người lao động phải chờ tiêm mũi 2 tại nơi cư trú, thì thời gian giữa 2 mũi tiêm sẽ kéo dài hơn, làm mất tác dụng của mũi đầu tiên.

Thêm vào đó, theo các doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP.HCM, nên tạo điều kiện cho phép người lao động đã được tiêm vắc-xin mũi 1 và đang lưu trú tại vùng xanh được đi làm theo phương án “2 tại chỗ”. Cụ thể, người lao động sẽ ký cam kết với doanh nghiệp trong việc tuân thủ nghiêm 5K và thực hiện các quy định an toàn phòng chống dịch tại nơi lưu trú. Họ sẽ đi làm bằng xe công ty đưa đón và bản thân cùng người nhà sẽ được xét nghiệm thường xuyên.

“Intel cho rằng, đây sẽ là phương án lâu dài, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí, người lao động dần ổn định tâm lý và sức khỏe khi trở về nhà sau giờ làm việc, tác động tốt đến năng suất lao động”, bà Uyên nói.

Trong khi đó, đại diện Datalogic Việt Nam đồng tình với quan điểm của phía Intel về việc nới lỏng quy định khi thực hiện “3 tại chỗ” bằng cách xác định “nhà máy Free-Covid” và “ngôi nhà Free-Covid”. Theo đó, toàn bộ nhân viên của nhà máy này và các thành viên gia đình của người lao động đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, người lao động được phép đi làm từ nhà.

Ông Phát cũng cho biết, Datalogic Việt Nam “không dám xin giảm thuế hay giãn nợ”, mà chỉ mong chuỗi cung ứng nội địa của mình không bị phá vỡ. Thực tế, nhiều nhà cung cấp nguyên vật liệu cho Datalogic Việt Nam không thể sản xuất do không đáp ứng được các yêu cầu “3 tại chỗ” và  giãn cách xã hội.

Còn theo ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, các cơ quan và đơn vị y tế cần giảm giá dịch vụ xét nghiệm cho công nhân, qua đó giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp. Hiện tại, một số đơn vị phải xét nghiệm 3 ngày/lần, mỗi tháng 10 lần với mức phí từ trên dưới 1,5 triệu đến 3 triệu đồng mỗi nhân viên.

Ngoài ra, đại diện AEON Việt Nam đề xuất, UBND TP.HCM cần chỉ đạo tối ưu và đơn giản hóa các thủ tục để đẩy nhanh các hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty nước ngoài, trong đó có AEON. Đây là giải pháp chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19 khi nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, lượng hàng cần nhập khẩu theo đó sẽ tăng cao.

“Hiện lượng hàng hóa lưu kho, ứ đọng, chưa thể nhập khẩu rất nhiều do một số đơn vị, cơ quan và việc thông quan đang phải tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nếu chúng ta không sớm có giải pháp, tình hình sẽ rất khó khăn cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, ông Furusawa Yasuyuki nói.

Hàng chục doanh nghiệp nước ngoài muốn được kinh doanh đa cấp tại Việt Nam
Năm 2019, Bộ Công Thương tiếp nhận 41 lượt hồ sơ xin cấp phép kinh doanh đa cấp, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài, nhưng chỉ có 3 DN đủ điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư