Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Doanh nghiệp phân vân trong đầu tư xây dựng công trình xanh
Trọng Tín - 18/09/2024 12:15
 
Lo ngại chi phí tăng cao khiến không ít doanh nghiệp phân vân trong đầu tư xây dựng công trình xanh. Chưa kể, giá thành cao cũng khiến khách hàng e ngại xuống tiền.

“Phát triển bền vững vừa là xu hướng, vừa là mục tiêu của nhiều nhà phát triển bất động sản, song điều chúng tôi băn khoăn là nhu cầu thị trường và làm thế nào để tối ưu chi phí”, ông Andy Han Suk Jung, Tổng giám đốc Filmore Development chia sẻ khi được hỏi về những khó khăn trong việc phát triển các dự án bất động sản theo tiêu chuẩn xanh.

Theo ông Andy, việc phát triển các sản phẩm mới phải bắt đầu từ nhu cầu thị trường, bởi khi đưa ra một giải pháp nhưng lại không có nhu cầu thì rất khó để giải pháp đó đạt hiệu quả.

Tổng giám đốc Filmore Development tỏ ra lo ngại khi khách hàng chỉ nghĩ đến việc giá cả rẻ hơn. Nếu họ không sẵn lòng trả thêm một khoản phí cho các công trình xanh thì doanh nghiệp sẽ khó thực hiện. Lúc ấy, doanh nghiệp phải xem xét đến vấn đề tồn tại.

“Khi chúng ta nói đến ESG, thì ngay từ đầu phải đưa ý tưởng này vào thiết kế, vậy thì khách hàng mua nhà sẽ nghĩ rằng họ là người mua cuối, nhưng lại phải trả chi phí cho các khâu đầu tiên, thì chắc chắn họ sẽ không đồng ý”, ông Andy Han Suk Jung nói thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Thanh Vũ, Giám đốc Công ty Edeec cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 300 công trình xanh, con số quá nhỏ so với quy mô thị trường. Theo ông Vũ, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn là câu hỏi đầu tiên của nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường. Điều này cho thấy, chi phí đầu tư đang trở thành một trong những yếu tố có thể gây cản trở đến việc phát triển công trình xanh.

Trước đây, các tòa nhà xanh tuân theo quy trình thiết kế truyền thống với các tính năng xanh được thêm vào sau đó, dẫn đến chi phí tăng lên. Tuy nhiên, nếu các yếu tố đó được tích hợp ngay từ đầu, những chi phí này có thể được giảm thiểu đáng kể.

Các nhà phát triển bất động sản cần quay lại những điều cơ bản nhất, bằng cách lập kế hoạch cho các tòa nhà xanh ngay từ đầu, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn. Tư vấn kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chi phí, bao gồm các chiến lược về cấu trúc đảm bảo sử dụng năng lượng hiệu quả và tài trợ hiệu quả cho các hệ thống kỹ thuật của tòa nhà.

Nhiều nhà đầu tư và nhà phát triển thường chỉ tập trung vào việc đạt được bản vẽ hấp dẫn, bản vẽ xây dựng tiêu chuẩn và chứng nhận xanh. Họ thường bỏ qua mục tiêu cốt lõi của các dự án xanh là tối đa hóa hiệu quả hoạt động của tòa nhà, tối ưu hóa chi phí và tuân thủ các hoạt động bền vững, thân thiện với môi trường. Đây là những danh sách kiểm tra thiết yếu phải được hoàn thành trước khi chuyển sang bản vẽ xây dựng hoặc xin chứng nhận.

Bà Lê Phương Anh, Giám đốc Chương trình Sustainable Building Vietnam (SBVN) - Công trình bền vững Việt Nam cho rằng, để xây dựng công trình hiệu quả, tiết kiệm chi phí, chủ đầu tư nên thực hiện các tính toán tiết kiệm năng lượng. Từ đó, có những tính toán và đưa ra giải pháp ngay từ đầu cho mỗi công trình, giúp tiết giảm chi phí cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.

“Công trình loại này có thể giảm tới 35% điện năng tiêu thụ, cùng với đó là khả năng hỗ trợ để đạt tiêu chuẩn công trình hiệu quả năng lượng, tiêu chuẩn hạng A và thu hút tệp khách hàng cao cấp, đem lại lợi ích cho các chủ đầu tư”, bà Phương Anh nhấn mạnh.

Các chuyên gia khẳng định, công trình xanh là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Bên cạnh việc xây dựng chiến lược để tối ưu hóa chi phí đầu tư ban đầu, các nhà phát triển bất động sản được khuyến khích nên theo đuổi chiến lược xây dựng công trình xanh để có lợi nhuận lâu dài.

Với bất động sản công nghiệp, ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VARS) cho rằng, chi phí hoạt động và giá thuê tại các khu công nghiệp xanh thường cao hơn so với các khu công nghiệp thông thường. Tuy nhiên, cần cân nhắc đến lợi ích cao hơn cho tất cả các bên, từ chủ đầu tư, nhà đầu tư đến người thuê trong hệ sinh thái.

“Nếu một doanh nghiệp đầu tư và cam kết chuyển đổi xanh, chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng và có giá trị đến với khu công nghiệp của mình”, ông Long nói, đồng thời cho rằng, vấn đề đáng lo ngại hiện nay đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản công nghiệp không phải là chi phí tăng cao so với trước, mà là làm sao để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuê kho bãi, nhà xưởng cam kết thực hiện chuyển đổi xanh hiệu quả.

Còn với phân khúc nhà ở, bà Nguyễn Bích Ngọc, Tổng giám đốc Sen Vàng Group nhìn nhận, mặc dù việc thực hiện các cam kết xanh và đạt chứng nhận xanh không phải là bắt buộc, nhưng các nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án cần tập trung vào các chiến lược phát triển công trình xanh. Bởi, bên cạnh các yếu tố về vị trí và giá cả, người mua nhà đang quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố xanh trong công trình.

“Các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư đang được người mua đưa vào tiêu chí lựa chọn”, bà Ngọc nói.

Chủ đầu tư có thể giảm đáng kể chi phí khi phát triển công trình xanh
Việc phát triển công trình xanh không những không làm tăng chi phí mà ngược lại sẽ giúp các nhà phát triển bất động sản tối ưu chi phí đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư