Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp thịnh vượng phải gắn kết với xã hội và cộng đồng
Khánh An - 13/04/2017 15:07
 
Chia sẻ lý do thực hiện Bảng Xếp hạng 500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng (BP500) năm 2017, ông Phùng Hoàng Cơ, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho rằng, nếu ví doanh nghiệp như những tế bào của nền kinh tế, thì doanh nghiệp thịnh vượng chính là những tế bào khỏe mạnh nhất tạo nên sự thịnh vượng quốc gia.

Thưa ông, không dễ dàng khi đánh giá thế nào là một doanh nghiệp thịnh vượng?

Thịnh vượng là một khái niệm chứa đựng đầy đủ các yếu tố, đó là sự bùng nổ về vật chất, sự hoàn mỹ nội tại về tinh thần, cộng với những ảnh hưởng của cả khối vật chất, tinh thần đến những người xung quanh hay những cộng đồng lân cận. Với một doanh nghiệp, sự thịnh vượng được thể hiện ở các nhóm chỉ số tài chính (tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất sinh lời…), chỉ số nhân lực (số lượng lao động, thu nhập bình quân lao động…) và chỉ số trách nhiệm xã hội và cộng đồng (CSR).

.
Ông Phùng Hoàng Cơ, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report).

Với BP500, chúng tôi cũng muốn tôn vinh doanh nghiệp xuất sắc, thịnh vượng và có tiềm năng đóng góp to lớn cho sự thịnh vượng của đất nước.

Một cách tổng quan, bức tranh tổng thể về doanh nghiệp thịnh vượng Việt Nam dưới góc nhìn của Vietnam Report đang được vẽ thế nào?

Có điểm chung từ các doanh nghiệp thịnh vượng trong BP500, đó là một doanh nghiệp muốn đạt được sự thịnh vượng, cần phải dung hòa tốt mục tiêu tăng trưởng, trách nhiệm với người lao động, cũng như trách nhiệm xã hội và cộng đồng.

85,7% doanh nghiệp trong BP500 năm 2017 tham gia khảo sát vào tháng 2/2017 của chúng tôi cho rằng, tăng trưởng là nền tảng của sự thịnh vượng. Rõ ràng, các doanh nghiệp thịnh vượng đều nhận thức và đánh giá rất cao vai trò của tăng trưởng. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp đến gần hơn với sự thịnh vượng, bởi sự giàu có về vật chất chính là nền tảng cho mọi quyết sách và hành động của doanh nghiệp trong kinh doanh.

Chúng tôi cũng nhận thấy, phần lớn doanh nghiệp ưu tiên tăng trưởng chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ (76,2% lựa chọn), chất lượng nhân lực (52,4%) và mô hình quản trị doanh nghiệp (42,9%). Đây là những yếu tố tạo nên chất lượng tăng trưởng của các doanh nghiệp.

Nhưng điểm khác biệt giữa doanh nghiệp thịnh vượng và các doanh nghiệp tăng trưởng là gì?

Danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp trong BP500 được đánh giá dựa trên các tiêu chí chính bao gồm hoạt động kinh doanh tốt và hiệu quả; khả năng tạo việc làm cho xã hội và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và cộng đồng.

Chúng tôi xác định rõ, doanh nghiệp thịnh vượng phải gắn kết với xã hội và cộng đồng. Kết quả khảo sát của chúng tôi chỉ ra rằng, 5 vấn đề xã hội nhận được nhiều phản hồi nhất từ phía các doanh nghiệp là: thúc đẩy tính minh bạch trong kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng địa phương, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bảo vệ môi trường và hỗ trợ việc làm cho thanh niên.

Đặc biệt, động lực thúc đẩy doanh nghiệp nhiều nhất trong việc thực thi các chiến lược CSR là bảo tồn và nâng cao uy tín thương hiệu của doanh nghiệp (chiếm 89,5% phản hồi của doanh nghiệp). Ngoài ra, “vì lợi ích của người lao động” (78,9%) và “nhằm tuân thủ pháp luật” (63,2%) cũng là hai mục tiêu doanh nghiệp hướng tới khi tiến hành CSR.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản hồi về một số phương pháp có khả năng đạt hiệu quả cao khi thực hiện CSR tại Việt Nam để tạo lợi ích cho cộng đồng. Hơn 40% doanh nghiệp đánh giá cao các hoạt động tình nguyện của bản thân doanh nghiệp, đi kèm với các chương trình bảo vệ môi trường. Những phương pháp như đối thoại giữa các bên liên quan hay phối hợp liên ngành cũng nhận được nhiều quan tâm từ phía các doanh nghiệp và đòi hỏi sự liên kết giữa các thành phần của xã hội trong thời gian tới.

Điều này cũng thể hiện phần nào nỗ lực của doanh nghiệp Việt nhằm thay đổi bức tranh cũ về CSR, đẩy mạnh việc khẳng định vị thế thực sự của doanh nghiệp trên thương trường, phát huy vai trò chung tay với xã hội để giải quyết các vấn đề cộng đồng một cách hiệu quả.

Sứ mệnh của doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng
500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng lần đầu tiên được ghi nhận và vinh danh. Có nhiều tên tuổi quen thuộc, từng xuất hiện ở những bảng xếp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư