Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp thờ ơ với chống tham nhũng
Lê Quân - 30/07/2020 15:29
 
Nhiều doanh nghiệp, nhất là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hiểu biết rất hạn chế về các quy định phòng chống tham nhũng và thiếu chủ động trong công tác này.
.
.

Công ty TNHH vẫn bàng quan

Kết quả khảo sát 50 doanh nghiệp, cơ quan thanh tra và tổ chức xã hội ngoài nhà nước do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Thanh tra Chính phủ phối hợp thực hiện gần đây cho thấy, gần 1/3 đối tượng được khảo sát còn thờ ơ, chưa xây dựng và áp dụng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh để phòng ngừa tham nhũng.

Đại diện nhóm thực hiện khảo sát, bà Đỗ Thanh Thủy, chuyên gia UNDP tại Việt Nam cho biết, chỉ có 22% đối tượng được hỏi đã xây dựng, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh nhằm phòng ngừa tham nhũng; 48% đang xây dựng, thực hiện; khoảng 28% chưa xây dựng, chủ yếu là các công ty cổ phần, TNHH.

Đối với việc xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát, theo kết quả khảo sát, có 42% đã xây dựng; 26% đang xây dựng; 32% không xây dựng.

Đánh giá chung của nhóm khảo sát, công ty cổ phần và công ty hợp danh có ý thức hơn trong việc xây dựng cơ chế kiểm soát, do đặc điểm ngành nghề hoạt động. Các công ty hợp danh thường có ngành nghề chủ yếu là các dịch vụ tư vấn gắn liền với năng lực, phẩm chất đạo đức cá nhân của thành viên công ty; các thành viên công ty hợp danh thường hoạt động độc lập, nên quy tắc ứng xử hay vấn đề kiểm soát nội bộ được thiết lập sớm.

Trái lại, các công ty TNHH chưa ý thức cao về vấn đề này, vì thường chỉ tập trung vào mục đích kinh doanh, không được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, không có cán bộ pháp luật chuyên trách. Đây cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu vấn nạn tham nhũng lan rộng.

Cần hướng dẫn cụ thể

Trên thực tế, việc hiểu biết không đầy đủ, thậm chí phớt lờ các biện pháp phòng chống tham nhũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ án tham nhũng, gian lận nghiêm trọng gần đây.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, nhiều vụ việc liên quan tới tham nhũng, gian lận nghiêm trọng ở Việt Nam đã được phát hiện những năm gần đây, như “đại ánNgân hàng Đại Dương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vụ án tham ô tài sản tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam… đã cho thấy những mặt hạn chế, thậm chí không hiệu quả trong công tác quản lý nói chung và phòng chống tham nhũng, tăng cường liêm chính trong kinh doanh nói riêng.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ án nêu trên xuất phát từ sự yếu kém trong quản trị công ty. Cụ thể hơn, hoạt động kiểm soát nội bộ chưa phát huy hiệu quả trong ngăn ngừa, phát hiện và xử lý gian lận, sai sót. Tại các công ty có quy mô lớn, vai trò của ban kiểm soát hoạt động còn khá hình thức, chưa thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu cao về tính độc lập, mà thực tế lại phụ thuộc rất lớn vào hội đồng quản trị và ban điều hành.

Tại doanh nghiệp nhỏ và vừa, do thiếu nguồn lực tài chính và nhận thức hạn chế, nên hầu hết doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa chú trọng thiết lập bộ phận kiểm soát nội bộ, kiểm soát rủi ro hoặc không có điều kiện tuyển dụng, trả lương cho nhân sự chuyên trách về pháp lý.

Trong điều kiện hiện nay, sự kết nối các mối quan hệ công - tư diễn ra trong nhiều lĩnh vực, chặt chẽ, đan xen lẫn nhau. Bởi vậy, việc phòng, chống tham nhũng sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua khu vực tư nhân và phòng chống tham nhũng trong khu vực tư nhân cũng chính là để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công hiệu quả hơn.

Luật Phòng chống tham nhũng (năm 2018) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước với 10 điều luật quy định về phòng, chống tham nhũng trong khu vực này, gồm cả các quy định mang tính chất khuyến nghị cho tất cả loại hình doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước và các quy định mang tính chất bắt buộc cho một số loại hình doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.

Trên thực tế, công tác phổ biến các quy định phòng chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, nhất là ở khu vực tỉnh lẻ, vùng xa. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi phản ánh bất cập, nhũng nhiễu từ phía cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ thực thi công vụ do thiếu vắng những đường dây nóng ở các địa phương.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện đúng Luật Phòng chống tham nhũng, cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể. Các chuyên gia đề xuất, phần hướng dẫn  thực hiện Luật cần đưa ra khuyến nghị về những việc doanh nghiệp nên làm để quản lý rủi ro tham nhũng và thiết lập cơ chế phòng vệ hợp lý.

Doanh nghiệp cũng phải nói không với hối lộ và tham nhũng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Khánh Trang (Khánh Hòa) cho rằng, chống tham nhũng, hối lộ phải từ đến từ 2 phía, cả khu vực nhà nước lẫn khu vực ngoài nhà nước. Công tác này đòi hỏi sự liêm chính và minh bạch trong thực thi từ phía cơ quan quản lý, cán bộ thanh kiểm tra và công vụ thực thi quy định pháp luật, nhưng song hành với đó là sự tuân thủ, phối hợp và giám sát từ phía khu vực ngoài nhà nước.

“Bản thân các doanh nghiệp cũng phải nói không với hối lộ và tham nhũng, thì mới góp phần chống tham nhũng”, ông Tuấn nói.
[Infographic] Những số liệu nổi bật về phòng, chống tham nhũng
Công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, có những chuyển biến tích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư